Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm CEO của Uniqlo, ông Tadashi Yanai, đang đặt nhiều kỳ vọng vào một cách mạng cải tổ công nghệ trong đế chế bán lẻ của ông.
Theo báo Nikkei, niềm tin của ông vào khả năng công nghệ sẽ giúp cải thiện công việc kinh doanh có thể thấy rõ nhất ở việc ông kỳ vọng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp cho các nhà máy, nhà phân phối và cửa hàng của Uniqlo hiểu chính xác khách hàng muốn gì, nhờ vậy giảm tình trạng tích trữ quá thừa các sản phẩm không được ưa chuộng.
Ảnh: Business Insider. |
Khi tiến hành phân tích chặt chẽ về hành vi của người tiêu dùng, Uniqlo có thể đưa ra đề xuất cho khách hàng về sản phẩm phù hợp dành cho họ.
Để biến tham vọng thành hiện thực, Uniqlo lên kế hoạch tuyển dụng hàng loạt chuyên gia công nghệ thông tin về làm cho Uniqlo để nghiên cứu về hiệu quả của hệ thống hiện tại và tạo ra hệ thống mới cải tiến hơn. Uniqlo cần những kỹ sư phần mềm có khả năng phân tích dữ liệu, hình ảnh và sự phát triển của hệ thống.
Tuy nhiên, Uniqlo gặp khó khi muốn tuyển dụng nhân sự IT bởi Uniqlo là một hãng kinh doanh quần áo lớn chứ không phải một công ty công nghệ hàng đầu, vì vậy, nhân sự IT cũng không hào hứng với việc về đây làm. Hiểu được điều này, ông Yanai đã tìm đến một người bạn.
Ngày 6/7, chủ tịch tập đoàn SoftBank, ông Masayoshi Son cùng với ông Tadahi Yanai đến dự một hội chợ tuyển dụng nơi khoảng 400 kỹ sư và nhiều người tìm việc khác có nguyện vọng làm việc trong ngành IT đang tập trung ở đây. Hai ông đã cùng diễn thuyết về xu thế trong ngành bán lẻ và thế giới số mà chúng ta đang sống. Và họ đã tuyển được những nhân sự cần thiết.
Fast Retailing và SoftBank cùng bắt đầu niêm yết cổ phiếu vào tháng Bẩy năm 1994. Từ năm 2001, ông Yanai có vai trò nhất định trong hội đồng quản trị của SoftBank.
Trong buổi họp báo vào ngày Hai tư tháng Tám mới đây, Yanai nói nhiều hơn về tầm nhìn phát triển công nghệ. Hiện tại, công ty vẫn đang thực hiện công tác dự báo về số lượng và mẫu mã sản phẩm trước mỗi mùa bán hàng, tuy nhiên công ty đối diện với rủi ro thừa hàng không nhỏ nếu mẫu thiết kế không được khách hàng ưa chuộng.
Trong kỷ nguyên số, ông Yanai khẳng định Fast Retailing sẽ chỉ sản xuất những sản phẩm mà khách hàng cần đến.
Đã từng có lúc Uniqlo mắc sai lầm. Sau khi hãng nâng giá một loạt sản phẩm vào đầu năm 2016, số lượng khách hàng viếng thăm cửa hàng của Uniqlo giảm mạnh, Uniqlo lập tức phải ngừng ngay kế hoạch tăng giá: “Tiêu dùng tăng nhưng mức lương của người lao động không tăng, chính vì vậy tôi buộc phải ngừng nghĩ đến việc nâng giá hàng hóa.”
Không những không dám tăng giá sản phẩm, Uniqlo phải giảm giá một số mặt hàng, khách hàng tăng trở lại tuy nhiên Uniqlo lại có rất ít sản phẩm có thể tạo đột phá. Doanh số bán hàng tại thị trường nội địa của Uniqlo trong khoảng thời gian sáu tháng kết thúc vào tháng Hai năm 2017 tăng chỉ 0,3% so với cùng kỳ năm.
Doanh số bán hàng tại thị trường nội địa kém có thể cản trở mục tiêu trở thành hãng kinh doanh quần áo lớn nhất thế giới mà Uniqlo đang nhắm tới. Hiện nay doanh số bán hàng tại nội địa đang đóng góp khoảng 40% tổng doanh số, lợi nhuận chiếm 50% tổng lợi nhuận từ kinh doanh quần áo của Fast Retailing. Đáng tiếc, ngay chính tại thị trường Nhật Uniqlo khó có thể mở thêm cửa hàng mới.
Uniqlo đặt mục tiêu tổng doanh số bán hàng đạt 3 nghìn tỷ yên tương đương 27,4 tỷ USD vào năm 2010. Việc mở cửa hàng mới tại nhiều nước khác ở châu Á sẽ góp phần quan trọng giúp Uniqlo đạt được mức doanh thu này thế nhưng để tạo được đột phá, sự đầu tư của hãng vào công nghệ sẽ giúp cho hãng không chỉ bán hàng tốt hơn ở các thị trường nước ngoài mà còn lãi được nhiều hơn từ thị trường Nhật vốn đã gần đạt trạng thái bão hòa.