Hai quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói với Newsweek rằng cuộc đột kích vào Mar-a-Lago phần lớn dựa trên thông tin từ một nguồn tin mật của FBI. Người này được cho là có khả năng xác định những tài liệu mật mà cựu Tổng thống Donald Trump đang cất giấu và thậm chí cả vị trí của chúng.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết cuộc đột kích vào dinh thự ở Florida của ông Trump được cố tình sắp xếp khi cựu tổng thống đi vắng.
Những người ra quyết định của FBI ở Washington và Miami tin rằng việc này sẽ tránh để ông Trump có cơ hội chụp ảnh làm lớn chuyện hoặc dẫn đến cuộc bạo loạn nhằm ngăn chặn cuộc khám xét. Động thái này giúp giảm bớt sự quan tâm của công chúng vào sự kiện, một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ, người từng làm việc trong 30 năm tại FBI, cho biết.
Tuy nhiên, nỗ lực giữ cho cuộc khám xét không gây chú ý đã thất bại. Thay vào đó, nó dẫn đến phản ứng giận dữ từ các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa (GOP) và những người ủng hộ ông Trump.
"Đó là một phản ứng trái ngược ngoạn mục", quan chức tư pháp nói.
"Tôi biết có nhiều người đồn đoán rằng đây là hành động mang tính chính trị, nhưng nó thực sự là điều tốt nhất và tệ nhất của bộ máy hành chính đang hoạt động", quan chức này nói. "Họ muốn nhấn mạnh thực tế rằng đây là một hành động thực thi pháp luật thông thường, đã loại bỏ mọi dư âm chính trị, nhưng mọi thứ diễn ra lại hoàn toàn ngược lại".
Mật vụ Mỹ đứng gác bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump hôm 9/8. Ảnh: Reuters. |
Gây tranh cãi
Cả hai quan chức chính phủ cấp cao đều nói rằng cuộc đột kích bất ngờ vào ngày 8/8 không có động cơ chính trị và chỉ nhằm mục đích thu hồi các tài liệu tuyệt mật đã bị đưa ra khỏi Nhà Trắng một cách bất hợp pháp.
Việc chuẩn bị một hoạt động như vậy đã bắt đầu từ nhiều tuần trước. Nhưng khi lên kế hoạch về ngày và giờ, văn phòng FBI Miami Field cùng trụ sở chính ở Washington đã tập trung vào thời điểm trước khi cựu tổng thống dự kiến trở về Florida từ New York và New Jersey.
“Họ đã tìm cách để tránh sự kiện trở thành màn xiếc của giới truyền thông”, theo nguồn tin thứ hai từ một quan chức tình báo cấp cao, người đã được thông báo về cuộc điều tra.
"Tuy nhiên, họ đã tạo ra chính cơn bão lửa mà họ cố gắng né tránh, khi bỏ qua bụi phóng xạ", người này ví von.
Vào lúc 10h sáng 8/8 (theo giờ địa phương), nhiều nhân viên FBI đã có mặt tại nhà ông Trump ở Florida để thực hiện lệnh khám xét nhằm thu giữ tài liệu thuộc sở hữu của chính phủ.
Hành động đem tài liệu mật khỏi Nhà Trắng và cất giữ sai quy định tại Mar-a-Lago được cho là vi phạm Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.
Đạo luật này xác định rằng hồ sơ tổng thống là tài sản của chính phủ Mỹ và không phải là tài sản riêng của tổng thống.
Luật quy định: "Bất cứ ai lưu giữ bất cứ hồ sơ, thủ tục, bản đồ, sách, tài liệu, giấy tờ hoặc những thứ khác, cố tình che giấu bất hợp pháp, loại bỏ, cắt xén, làm sai lệch hay phá hủy những thứ này” sẽ bị phạt 2.000 USD và lên đến ba năm tù giam, hoặc "sẽ bị tước bỏ chức vụ và không đủ tư cách đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào trong chính quyền Mỹ".
Theo hai nguồn tin, đạo luật này và những lo ngại về việc ông Trump sở hữu bất hợp pháp "thông tin quốc phòng" nhạy cảm là cơ sở cho lệnh khám xét. Cuộc khám xét không liên quan gì đến cuộc điều tra vụ bạo động Điện Capitol ngày 6/1/2021 hay bất cứ hành vi sai trái nào khác của cựu tổng thống.
Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ từng báo cáo nhiều tài liệu quan trọng của tổng thống đã bị mất tích và được cho là do ông Trump nắm giữ. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, tính chất chưa từng có của cuộc đột kích nhằm vào tài sản của một cựu tổng thống đã gây ồn ào. Ngay cả các đối thủ chính trị của ông Trump cũng lên án FBI.
Cựu Phó tổng thống Mike Pence đã tweet rằng "chưa có cựu Tổng thống Mỹ nào từng bị đột kích tư dinh trong lịch sử".
Lý do khám xét
Con đường dẫn đến cuộc khám xét bắt đầu cách đây một năm rưỡi, khi trong quá trình chuyển đổi từ chính quyền Trump sang chính quyền Tổng thống Joe Biden, Cục Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia (NARA) đặt ra câu hỏi liệu hồ sơ tổng thống được chuyển giao cho cơ quan liên bang để lưu giữ đã hoàn chỉnh hay chưa.
Vào tháng 2, nhà lưu trữ David Ferriero làm chứng trước Quốc hội Mỹ rằng cơ quan của ông đã đàm phán với người của ông Trump ngay sau khi họ rời nhiệm sở và được trả lại 15 thùng tài liệu.
Ferriero nói rằng trong những tài liệu đó, NARA đã phát hiện ra các mục "được đánh dấu là thông tin an ninh quốc gia đã được phân loại", mở ra những câu hỏi lớn hơn về việc liệu ông Trump còn sở hữu tài liệu mật nào nữa hay không.
Cựu tổng thống Mỹ sau đó đã giải thích rằng các tài liệu đã vô tình được chuyển đến Florida trong khoảng thời gian chuyển giao kéo dài 6 tiếng đồng hồ.
Theo nguồn tin của Bộ Tư pháp Mỹ, sau vụ việc, NARA đã nhìn nhận mọi thứ khác đi và đầu năm nay, họ đã yêu cầu Bộ Tư pháp vào cuộc.
Vào cuối tháng 4, nguồn tin cho biết, một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã xem xét liệu cựu Tổng thống Trump có sở hữu bất hợp pháp thông tin an ninh quốc gia hay vi phạm Đạo luật Hồ sơ Tổng thống không.
Sau những bản sao của các tài liệu mà NARA cung cấp, đại bồi thẩm đoàn kết luận rằng đã có hành vi vi phạm pháp luật, theo nguồn tin của Bộ Tư pháp.
Các công tố viên sau đó đã đến gặp thẩm phán Bruce Reinhart của bang Florida ở West Palm Beach để yêu cầu phê chuẩn việc khám xét nhà riêng của ông Trump.
FBI đã biết trước ông Trump đang giấu gì
Theo nguồn tin tình báo, trong bản khai để yêu cầu lệnh khám xét chứa nhiều chi tiết thuyết phục rằng ông Trump còn sở hữu các hồ sơ vi phạm luật liên bang, và nhà điều tra có đủ thông tin để chứng minh những hồ sơ đó được đặt tại Mar-a- Lago.
Thậm chí, thông tin này còn chi tiết đến mức cho biết các tài liệu được chứa trong một két sắt ở căn phòng cụ thể.
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump vẫy cờ khi họ tụ tập bên ngoài Mar-a-Lago vào ngày 9/8. Ảnh: Reuters. |
“Để các nhà điều tra có thể thuyết phục thẩm phán Florida chấp thuận một cuộc khám xét chưa từng có tiền lệ như vậy, thông tin đó phải chắc chắn”, nguồn tin tình báo cho biết.
Theo các chuyên gia quen thuộc với các hoạt động của FBI, thẩm phán Reinhart đã xem xét các bằng chứng của công tố viên và đặt ra nhiều câu hỏi về các nguồn cũng như mức độ khẩn cấp.
Thẩm phán đã ký một lệnh khám xét cho phép FBI tìm kiếm tài liệu liên quan và FBI sau đó lên kế hoạch hoạt động, muốn khám xét trong khi ông Trump đang dành thời gian tại câu lạc bộ golf của mình ở Bedminster, New Jersey.
Một nguồn tin của Cơ quan Mật vụ cho biết giám đốc Cơ quan Mật vụ đã được cảnh báo trước và sau đó được thông báo các chi tiết cụ thể của cuộc đột kích. Vì Cơ quan Mật vụ vẫn chịu trách nhiệm bảo vệ cựu tổng thống, gia đình và tài sản của ông, nên FBI đã phải phối hợp với Cơ quan Mật vụ để tiếp cận dinh thự.
Một đoàn xe gồm những chiếc SUV màu đen và chiếc xe tải cho thuê Ryder chở khoảng 30 đặc nhiệm FBI và kỹ thuật viên tiến vào cổng vào đầu giờ tối.
Các nhân viên mật vụ được trang bị vũ khí dày đặc cũng có mặt ở cổng. Sở cảnh sát Palm Beach cũng có mặt tại hiện trường.
Toàn bộ hoạt động được tiến hành tương đối lặng lẽ. Không có đặc vụ nào mặc chiếc áo gió màu xanh mang tính biểu tượng của FBI. Và mặc dù cơ quan thực thi pháp luật địa phương cũng có mặt, Sở Cảnh sát Palm Beach đã cẩn thận đăng tweet đính chính vào ngày 9/8 rằng họ "không biết về sự tồn tại của lệnh khám xét cũng như bộ phận không hỗ trợ FBI thực hiện lệnh khám xét".
Theo báo cáo, khoảng 10-15 thùng tài liệu đã được chuyển khỏi dinh thự. Trong một tuyên bố, cựu Tổng thống Donald Trump cho biết FBI đã mở két an toàn cá nhân của ông.
Luật sư của Trump, Lindsey Halligan, người có mặt trong cuộc khám xét kéo dài nhiều giờ, nói rằng FBI đã nhắm mục tiêu vào ba phòng, bao gồm một phòng ngủ, một văn phòng và một kho. Điều đó cho thấy FBI đã biết cụ thể nơi để khám xét.