Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người già, trẻ em trèo lên nóc nhà chống siêu bão

Sáng ngày 9/11, người dân Quảng Nam, Đà Nẵng thức dậy sớm để lo chằng chống nhà cửa đối phố với siêu bão Hải Yến.

Sáng sớm 9/11, từ người già đến trẻ em tại các xã ven biển Quảng Nam đều phải bắt tay vào gấp rút chằng chống nhà cửa, tàu thuyền và thu xếp đồ đạc để chuẩn bị cho một cuộc di tản lớn nhất từ trước đến nay trước khi siêu bão Hải Yến đổ bộ.

Những ngôi nhà có cửa kính khung nhôm dễ bị gió mạnh thổi tung hơn cả.
Với các mái nhà, người dân dùng các bao cát có trọng lượng lớn để chèn đè hy vọng giảm bớt được phần nào thiệt hại.
Các xe chở cây tre liên tục được chuyển về.
Tại vùng ven biển Tam Tiến, huyện Núi Thành, rất nhiều trẻ em, người già to lên mái nhà kéo bao cát chằng mái tôn.
Các bà cụ già cũng phải ra xúc cát vào bao tải cho thanh niên mang về.
Nẹp thêm miếng chắn cho tấm gương.

Tại âu thuyền Phước Lộc, xã Tam Tiến sáng nay hàng trăm ngư dân đã đưa khoảng 70 chiếc tàu, thuyền neo đậu. Ngư dân tên Tiến nói: “Toàn bộ tàu thuyền ở xã Tam Tiến gần như được đưa vào âu thuyền này trú bão. Một giờ chiều nay theo thông báo tất cả người dân ở đây phải di dời lên Tam Kỳ. Nhưng phụ nữ, trẻ em và người già đi còn đàn ông ở lại dưới tàu thuyền để giữ tài sản”.

Chị Trần Thị Thơ (41 tuổi ở khu dân cư Lộc Đông) cho biết, chồng đi làm biển ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) không về kịp nên mấy mẹ con ở nhà phải xúc cát đổ vào bao tải kéo lên mái nhà chằng tôn. "Từ nhỏ đến lớn dân ở đây chưa thấy cơn bão nào được dự báo là khủng khiếp như Hải Yến. Phải nhanh chằng chống nhà cửa trước khi được bộ đội đưa xe đến đón đi chiều nay”, chị Thơ nói.
Loa trên cao cũng đã được tháo xuống cất.
Từ sáng sớm, tại khu dân cư Lộc Đông của xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, chỉ cách bờ biển khoảng 500m, người người đổ xô ra các đống cát trắng ven biển để xúc đổ vào bao tải chở về đè lên mái nhà.
Tại Đà Nẵng, xác định cơn bão này có thể “quét sạch” các khu vực gần biển, sáng nay người dân TP đã đi chở các bao tải cát, mua dây thép để về chằng chống nhà cửa.
Quang cảnh tấp nập khắp nơi.
Dùng cả xe ô tô để chở cát.
Ở các khu vực Liên Chiểu, Hòa Vang (nơi được dự báo sẽ nằm trong vùng nguy hiểm) người dân cũng đã bắt đầu thu dẹp đồ đạc để chuẩn bị cho đợt di dân lớn nhất từ trước đến nay.
Công nhân công ty Cây xanh tỉa bớt cành những cây cổ thụ để hạn chế nguy hiểm khi gió đổ bộ.
Ở khu vực Âu thuyền, hàng trăm ngư dân đang hối hả cột neo để cho tàu thuyền có thể trụ được với cơn bão lịch sử này.
Ngư dân Đà Nẵng đưa cả thuyền lên bờ để hạn chế thiệt hại.

Ban chỉ huy PCLB TP.Đà Nẵng cho biết bắt đầu từ 12h trưa nay (9/11), sẽ tiến hành sơ tán gần 20.000 hộ dân với gần 74.000 nhân khẩu đến nơi an toàn và kết thúc vào lúc 17h cùng ngày.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết hiện 1.830 tàu thuyền của địa phương này đã vào bờ, neo đậu an toàn.

“Các địa phương, quân đội sẽ kiên quyết sơ tán, thậm chí cưỡng chế đối với ngư dân, tuyệt đối không cho người ở lại trên các phương tiện tàu thuyền trên sông, biển, bè lồng nuôi cá. Người dân tại các chung cư, ký túc xá, nhà cấp 4, nhà cách biển 500m phải sơ tán triệt để. Đây là cơn bão cực lớn, diễn biến phức tạp và dự báo gần như không thể tránh khỏi sự tàn phá khốc liệt, vì vậy, việc sơ tán và chủ động phòng tránh là hết sức kiên quyết, khẩn trương”, ông Chiến cho biết.

Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm