Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người già cần giữ tâm trạng thoải mái để điều hòa huyết áp

Để tránh việc tăng huyết áp đột ngột, ngoài việc ăn nhạt và tăng cường vận động, người cao tuổi cần giữ tâm trạng thoải mái, như vậy sẽ giúp huyết áp luôn ổn định.

An chuan it benh anh 1

Người cao tuổi cần giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái để tránh tăng huyết áp đột ngột. Ảnh: Prudential.

[...]

Độ đàn hồi của mạch máu quyết định khả năng hấp thụ áp lực của thành mạch - độ đàn hồi của mạch máu càng tốt, áp lực được thành mạch hấp thu càng nhiều, huyết áp tâm thu đo được càng thấp.

Ngược lại, nếu thành mạch máu không có độ đàn hồi thì sẽ xuất hiện hiện tượng huyết áp tâm thu tăng và huyết áp tâm trương giảm, tức là áp lực mạch sẽ tăng lên.

Cái gì quyết định độ đàn hồi của thành mạch của một người?

Độ đàn hồi của mạch máu chủ yếu phụ thuộc vào mô đàn hồi của lớp giữa thành mạch máu quyết định. Lớp giữa của động mạch chủ có khoảng 40-70 lớp màng đàn hồi.

Màng đàn hồi có hình sóng, thành phần chủ yếu là elastic fiber (sợi đàn hồi). Không chỉ như vậy, giữa các màng đàn hồi còn có cơ trơn và một số collagen. Từ đó có thể thấy, độ đàn hồi của thành mạch có liên quan mật thiết đến protein.

Một lượng lớn kết quả điều tra dịch tễ học cho thấy, huyết áp có liên quan đến lượng protein nạp vào cơ thể, có thể hiểu là người nạp đủ lượng protein sẽ có tỉ lệ mắc huyết áp cao tương đối thấp, còn nạp quá ít hoặc không nạp thì thường có tỉ lệ mắc huyết áp cao lớn hơn. Cho nên muốn cải thiện vấn đề huyết áp cao, trước tiên phải làm rõ vai trò của protein với tính đàn hồi của thành mạch máu, chú trọng việc nạp protein.

Ngoài protein ra, việc nạp vitamin C, canxi, magie, kali... cũng có ảnh hưởng quan trọng tới tính đàn hồi của thành mạch máu.

Sức cản mạch ngoại vi có liên quan đến bán kính mạch máu, độ nhớt của máu và độ dài của mạch máu. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến bán kính của mạch máu, ví dụ hệ thống nội tiết thần kinh có ổn định hay không, động mạch có bị xơ vữa không, các vấn đề về độ nhớt của máu, mức độ thiếu oxy ở các mô xung quanh...

Có một vấn đề mà nhiều người thường hay mắc phải đó là ít vận động. Ít vận động sẽ giảm thiểu nhu cầu oxy của các mô tế bào, làm đóng các tiểu động mạch tiền mao mạch, dẫn đến sức cản mạch ngoại vi tăng cao.

Tối nọ, một bệnh nhân cao tuổi gọi điện cho tôi, nói huyết áp của mình lên tới 180/110 mmHg, tim giống như sắp nhảy vọt ra ngoài vậy.

Tôi nắm rất kỹ tình hình của bà ấy, chồng đã qua đời mấy năm trước, bà ấy sống cùng với con trai. Tuy bình thường hay cười hay nói, nhìn rất vui vẻ thoải mái nhưng thực sự mỗi lần đến khám bệnh, trò chuyện với tôi, nhắc đến người chồng đã qua đời mấy năm trước của mình, cảm xúc của bà ấy vẫn đi xuống.

Tôi hỏi bà ấy: “Ban ngày huyết áp thế nào ạ?”

Bà ấy nói rất to: “Ban ngày huyết áp bình thường, mấy hôm nay buổi tối thì hơi cao, ngày hôm nay thì cực kỳ rõ rệt.”

Tôi hỏi: “Con trai bà có ở nhà không?”

Bà ấy đáp: “Con trai tôi đi công tác đã một tuần rồi.”

Trong nhà chỉ có một mình bà cụ, đến buổi tối, đối mặt với căn nhà trống trải, bà cụ có lẽ không khống chế nổi cảm xúc tiêu cực, nên đã có chút sợ hãi.

Nhưng bà cụ không nghĩ như vậy, vẫn một mực hỏi tôi: “Bác sĩ Hạ, cô nói xem có phải thuốc hạ huyết áp của tôi cần phải uống tăng liều không?” Tôi đề nghị bà cụ có thể dùng thuốc hạ huyết áp tác dụng ngắn, ví dụ như captopril sau đó đi ngủ, không ngủ được thì uống một chút thuốc ngủ với liều lượng phù hợp. Tôi an ủi: “Bà như thế này là do căng thẳng. Cảm xúc ổn định rồi huyết áp sẽ tự nhiên ổn định theo.”

Hai ngày sau, tôi gọi điện hỏi thăm tình hình, bà ấy nói huyết áp bình thường, hơn nữa còn vui vẻ cho tôi biết, con trai đã về rồi, nên trong lòng cũng an tâm.

Cho nên, khi gặp phải tình huống huyết áp đột ngột tăng cao, phải suy xét đến mấy loại yếu tố, đặc biệt là huyết áp tăng vào buổi tối thường sẽ có liên quan rất mật thiết tới cảm xúc lo lắng.

Có một kiểu bệnh nhân lại quá mức nghiêm túc cũng khiến huyết áp tăng cao, tôi đã từng gặp một bệnh nhân như thế. Cô ấy 52 tuổi, mắc huyết áp cao 8 năm, luôn uống thuốc, lúc đến gặp tôi thì đã xuất hiện đột quỵ nhẹ. Tôi dặn dò cô ấy phải nghiêm túc uống thuốc, giữ huyết áp bình thường, chú ý điều chỉnh thói quen ăn uống, hơn nữa mỗi ngày cần kiên trì đi bộ 10.000 bước.

Cô ấy chấp hành y hệt lời dặn, sau một thời gian vóc dáng ngày càng đẹp lên, quản lý huyết áp cũng rất tốt, chúng tôi đều rất vui vẻ. Nhưng không bao lâu sau, huyết áp của cô ấy lại từ từ tăng lên.

Tôi đã hỏi tỉ mỉ về tình trạng ăn uống và vận động, phát hiện cô ấy làm rất tốt, lại nói chuyện thêm một lúc, phát hiện áp lực tâm lý cô ấy phải chịu cực kỳ lớn, tự đặt ra rất nhiều yêu cầu cho mình, mỗi ngày trong đầu đều là “nhất định phải làm thế này, phải làm thế kia”. Đi làm căng thẳng, tan làm cũng không thả lỏng, huyết áp có thể không bị ảnh hưởng sao?

Khi cảm xúc căng thẳng, adrenaline tiết ra nhiều, thần kinh giao cảm sẽ hưng phấn, như thế càng làm tăng sức co bóp của tim, khiến cho mạch máu ngoại vi bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao.

Sau khi tôi phân tích điều này, cô ấy tự rút ra kết luận: “Xem ra tôi phải học cách điều chỉnh trạng thái tinh thần và áp lực tâm lý của bản thân, không được ngày ngày gò bó nữa.”

Từ đó, cô ấy tập thả lỏng, xoa dịu cảm xúc của bản thân, một thời gian sau thì huyết áp quay trở lại quỹ đạo bình thường.

Nhìn từ góc độ y học mà nói, hệ thống thần kinh (thần kinh giao cảm hưng phấn), adrenaline, hệ renin-angiotensin... đều gây ảnh hưởng lớn đến mạch máu ngoại vi cho nên tuyệt đối không nên coi nhẹ sức ảnh hưởng của yếu tố tâm lý đối với huyết áp.

Hạ Manh/ Huy Hoàng Books và NXB Thanh niên

SÁCH HAY