Thói quen thanh toán tại Việt Nam đã chuyển biến theo hướng ngày càng nhiều người chọn thanh toán di động thay cho tiền mặt. Trong đó, thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, lượng thẻ phát hành, giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Vì sao xu hướng thanh toán không tiền mặt lại được người Việt hưởng ứng đến vậy?
Lợi 3 bên: người dân, doanh nghiệp, nhà nước
Quẹt thẻ khi mua sắm, ăn uống; dùng ví điện tử khi thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet... hàng tháng, khoảng một năm nay chị Ngọc Bích (Ba Đình, Hà Nội) đã giảm dần thói quen dùng tiền mặt. “Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp còn tung ưu đãi 30-50% khi thanh toán bằng thẻ, thật sự rất hấp dẫn”, chị Bích cho biết.
Còn từ góc độ nhà bán lẻ, ngày càng nhiều đơn vị có xu hướng triển khai đa dạng dịch vụ thanh toán. Chủ một chuỗi cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM cho biết ngoài bán hàng tại quầy, anh còn kinh doanh qua website và chấp nhận thanh toán điện tử, đồng thời lắp đặt máy POS trên toàn hệ thống nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.
Thanh toán không tiền mặt tiện lợi cho cả bên bán và bên mua. Ảnh: Samsung |
“Chấp nhận thanh toán bằng thẻ còn giúp tăng lượng hàng khách mua vì dù không mang tiền mặt, họ vẫn còn phương án cà thẻ mà không ngại rơi vào tình huống khó xử”, vị này cho biết.
Theo ông Huỳnh Bửu Quang - TGĐ Maritime Bank, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh tại Việt Nam hơn 5 năm qua, từ việc mở rộng mạng lưới trên 200.000 điểm thanh toán qua máy POS, mobile POS, QR, thanh toán online… cũng như số lượng thẻ tín dụng, ghi nợ, thẻ trả trước tăng nhanh chóng.
“Để thúc đẩy xu hướng này, các ngân hàng và đối tác, Chính phủ cần quảng bá sự tiện lợi đến người dùng. Nếu đi đâu cũng thấy các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt, người dân chắc chắn sẽ dùng. Khi người ta đã thích, việc phổ cập sẽ rất nhanh”, ông Quang nhận định.
Thanh toán phi tiền mặt giúp quản lý kinh tế tốt hơn. Ảnh: Xuân Tiến |
Nhận thức được đa dạng lợi ích đó, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; 100% siêu thị, trung tâm mua sắm có POS; 100% kho bạc nhà nước cấp quận huyện và cấp tỉnh thành trực thuộc trung ương cũng có POS để phục vụ thu ngân sách. Đây là cơ hội để những giải pháp thanh toán di động an toàn, tiện lợi, dễ dàng như Samsung Pay phát triển.
Cảm giác thời thượng, bảo mật tối đa
Thanh toán một chạm, vẫy thẻ, thanh toán không tiếp xúc… đang là những phương thức hấp dần người dùng bởi tính hi-tech và cảm giác thời thượng. Kết quả 2 nghiên cứu của Visa với 2 công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến của Anh là YouGov và Toluna cuối năm ngoái cho thấy, người Việt có thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới. Có 9 trên 10 người sẵn sàng dùng thử, 88% cho biết rất có thể sẽ dùng smartphone để thanh toán.
“Chỉ với thao tác vuốt màn hình smartphone, chọn thẻ và chạm vào máy POS, tôi đã mua được một cốc cà phê thơm ngon mà không cần cà thẻ hay mang ví, thực sự rất sành điệu”, Hoài Nam (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ về Samsung Pay - phương thức thanh toán di động đang gây chú ý gần đây.
So với dùng thẻ nhựa, phương thức thanh toán này tỏ ra ưu việt hơn khi chỉ một smartphone có thể lưu không giới hạn các loại thẻ ATM, Visa, MasterCard và thẻ thành viên. Nhờ vậy người dùng sẽ được “giải phóng” khỏi những chiếc ví dày và nặng.
Samsung Pay sử dụng công nghệ truyền dữ liệu bằng máy tính (MST) nên tương thích với hầu hết máy POS. Số thẻ và tài khoản đều được mã hóa nên không thể đánh cắp. Khi giao dịch, thay vì chỉ quẹt và nhập mã PIN (với thẻ từ) hoặc cắm thẻ (với thẻ chip) vào máy POS, người dùng Samsung Pay còn cần xác nhận mật mã bằng vân tay, mống mắt hoặc mã PIN - tầng bảo mật vốn rất khó để làm nhái. Vì vậy, phương thức này giúp giao dịch trở nên an toàn hơn nhiều lần.
Samsung Pay ngày càng được cải tiến về dịch vụ khi mới đây, người dùng Samsung Pay tại Việt Nam có thể thanh toán qua smartwatch Gear S3, rút tiền tại cây ATM của Shinhan Bank và quản lý thẻ thành viên (loyalty card).
Trải nghiệm thanh toán bằng Samsung Pay qua Gear S3. Ảnh: Liêu Lãm |
Ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Phó tổng giám đốc, Giám đốc điều hành ngành hàng Thiết bị di động Công ty Điện tử Samsung Vina cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng Samsung Pay tiếp tục mang lại những trải nghiệm di động vượt xa khả năng của một chiếc điện thoại hay đồng hồ thông minh, trở thành phương thức thanh toán di động dẫn đầu”.
Còn đứng từ góc độ một ngân hàng đối tác, đại diện Shinhan Bank chia sẻ lý do chọn Samsung là đối tác chiến lược để phát triển các dịch vụ thanh toán không tiền mặt: “Samsung đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển các ứng dụng thanh toán trên điện thoại, đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính của khách hàng thế giới và tại Việt Nam”.
“Khi thương mại đang phát triển với tốc độ chóng mặt và Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng xã hội không tiền mặt vào năm 2020, những dự án đầu tư điển hình như Samsung Pay là rất cần thiết để đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Sean Preston - Giám đốc quốc gia Visa Việt Nam, Lào, Campuchia khẳng định.