Từng là gã khổng lồ trong giới cho vay tiền mã hóa, Celsius Network giờ đây phải đệ đơn phá sản và đối mặt với các cáo buộc lừa đảo. Người dùng cho rằng Celsius vận hành mô hình Ponzi, lấy tiền của người dùng mới để trả cho người gửi tiền ban đầu.
Trong số 1,7 triệu "nạn nhân" của công ty, một số người đã gửi đơn tới Tòa án Liên bang ở New York để giúp họ lấy lại tiền.
Celsius Network quản lý 25 tỷ USD trước khi phá sản. Ảnh: Wall Street Journal. |
Theo thư gửi tòa án, Christian Ostheimer (37 tuổi, sống ở Connecticut) gửi vào Celsius tiền tiết kiệm hưu trí của mình. Ostheimer đã mất hơn 30.000 USD và vướng phải "rắc rối lớn về thuế".
"Kết quả nằm trong tay ngài thẩm phán. Hãy thay đổi câu chuyện, để những tầng lớp nhỏ bé, những người già, người tốt nghiệp đại học hay doanh nghiệp nhỏ được trả tiền trước thay vì các luật sư, tập đoàn lớn và nhà quản lý", Ostheimer viết.
Câu hỏi ai là người được trả nợ trước và liệu ngày đó có xảy ra vẫn còn đè nặng lên các thủ tục phá sản.
Giao thức cho vay 25 tỷ USD sụp đổ
Vào tháng 10/2021, Alex Mashinsky, CEO Celsius, cho biết công ty cho vay tiền mã hóa đang quản lý khối tài sản 25 tỷ USD. Hiện tại, Celsius chỉ còn khoảng 167 triệu USD “tiền mặt”, dự kiến cung cấp “thanh khoản dồi dào” để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu. Theo hồ sơ phá sản, Celsius nợ người dùng khoảng 4,7 tỷ USD.
Alex Mashinsky, CEO của Celsius Network. Ảnh: Bloomberg. |
Không giống như hệ thống ngân hàng truyền thống, Celsius không có biện pháp bảo vệ tiền gửi của khách hàng khi xảy ra sự cố.
Trong mục điều khoản và điều kiện của Celsius, bất kỳ tài sản mã hóa nào khi chuyển vào nền tảng đều được coi là một khoản vay của người dùng cho Celsius. Do Celsius không đưa ra tài sản thế chấp nào, tiền của khách hàng về cơ bản chỉ là các khoản vay không bảo đảm.
Bên cạnh đó, Celsius từng cảnh báo trong trường hợp phá sản, "mọi tài sản mã hóa đủ điều kiện được dùng trong Dịch vụ Kiếm tiền (Earn Service) hoặc làm tài sản thế chấp cho Dịch vụ Vay tiền (Borrow Service) đều không thu hồi được và khách hàng không có biện pháp pháp lý nào đối với nghĩa vụ của Celsius".
Ngày 19/7, Celsius công bố tài liệu hướng dẫn chi tiết các bước tiếp theo cho khách hàng. Nền tảng cho hay kế hoạch phá sản theo Chương 11 của họ sẽ cho phép khách hàng lựa chọn thu hồi tiền ở mức chiết khấu hoặc tiếp tục nắm giữ tiền.
Tuy nhiên, ở phương án thứ hai, không rõ liệu người dùng có còn cơ hội nhìn thấy tiền của mình nữa hay không.
Bên cạnh đó, nhằm cứu vãn tình hình, Celsius đang cố gắng thuê lại cựu Giám đốc Tài chính Rod Bolger với mức lương 92.000 USD/tháng. Theo kiến nghị gửi lên Tòa án Liên bang New York, công ty nói rằng họ cần Bolger hỗ trợ điều hướng các thủ tục phá sản.
"Do ông Bolger đã quen thuộc với công việc kinh doanh của Bên nợ, Bên nợ đã đề nghị thuê ông Bolger và ông ấy đã đồng ý trong khi chờ tòa chấp thuận. Đối với dịch vụ tư vấn mà ông Bolger cung cấp, Bên nợ đồng ý trả 120.000 CAD (92.000 USD) mỗi tháng, tính theo tỷ lệ từng tháng", hồ sơ viết.
Theo Celsius, khi còn giữ chức, Bolger đã nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh trong thời kỳ thị trường biến động mạnh, tư vấn tài chính cho doanh nghiệp và đóng vai trò lãnh đạo.
Tòa án sẽ mở phiên điều trần trên Zoom vào ngày 8/8 để xem xét kiến nghị.
Bolger, cựu Giám đốc Tài chính của Royal Bank of Canada, từng đồng hành với Celsius 5 tháng trước khi từ chức vào ngày 30/6, khoảng 3 tuần sau khi nền tảng tạm dừng mọi hoạt động rút tiền do "thị trường khắc nghiệt”.
Nhiều nhà đầu tư hết tiền để sinh sống
Trong hàng trăm lá thư gửi lên tòa án, các nhà đầu tư nhỏ lẻ xin được ưu tiên lấy lại tiền của họ.
Tôi đang chật vật kiếm sống
Flori Ohm, nhà đầu tư vào Celsius
Flori Ohm, bà mẹ đơn thân của hai cô con gái đang học đại học, cho biết gia đình bà đã "bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về tài chính và sức khỏe tinh thần". Ohm cho biết bà không thể ngủ hay tập trung vào công việc.
Jeanne Y Savelle, hiện nghỉ hưu và "sống bằng thu nhập cố định", chia sẻ bà bắt đầu gửi tiền vào Celsius để kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh lạm phát kỷ lục.
"Tôi đã mua một lượng tiền mã hóa nhỏ với hy vọng chúng sẽ giúp tôi xoay xở thêm vài năm, giống như một kế hoạch dự phòng. Tôi biết tôi cần phải cẩn trọng nhưng họ đã lừa dối quá nhiều", Savelle nói.
Một số người đã mất trắng.
Stephen Bralver, cư dân California, cho hay anh chỉ còn không đến 1.000 USD trong tài khoản séc Wells Fargo. Đây là nguồn tiền duy nhất chu cấp cho gia đình Bralver kể từ khi Celsius đình chỉ mọi hoạt động rút tiền.
Tôi hoàn toàn không còn cách nào khác nuôi sống gia đình khi không có quyền truy cập vào tài sản của mình trong Celsius
Stephen Bralver viết trong thư gửi thẩm phán Martin Glenn
Trong khi đó, Sean Moran ở Dublin đã mất trang trại của gia đình ở Ireland và không còn nhà cửa.
“Không thể tin được họ đã nói dối chúng tôi trên sự kiện hỏi đáp AMA hàng tuần. Họ khuyên chúng tôi đừng tin tưởng vào các ngân hàng trong khi họ chính là những con sói đội lốt cừu", Moran viết.
Ngoài thiệt hại tài chính, các bức thư nhiều lần nhấn mạnh cảm giác bị phản bội lòng tin bởi CEO Mashinsky.
Ba tuần sau khi Celsius tạm dừng tất cả các khoản rút tiền do "điều kiện thị trường khắc nghiệt", nền tảng vẫn quảng cáo mức lợi nhuận hàng năm (APY) gần 19%.
“Chuyển tiền số của bạn vào Celsius và bạn có thể kiếm được tới 18,63% APY trong vài phút”, trang web của Celsius ghi ngày 3/7.
Ralphael DiCicco, từng gửi khoảng 15.557 USD tài sản mã hóa vào Celsius, cho hay anh đã bị đánh lừa bởi hoạt động tiếp thị.
“Tôi tin vào quảng cáo Celsius cung cấp tài khoản tiết kiệm lãi suất cao và ít rủi ro. Chúng tôi được đảm bảo là gửi tiền vào Celsius an toàn hơn ngân hàng”, DiCicco bức xúc.
Trong khi đó, Travis Rodgers tiết lộ anh từng gọi nhiều cuộc điện thoại 2 ngày trước khi nền tảng khóa tài khoản của người dùng. Họ cam đoan tài sản của khách hàng không bị nguy hiểm và nền tảng sẽ không phá sản. Rodgers đã ghi âm lại một số cuộc nói chuyện. Tổng số tiền trên Celsius của Rodgers vào khoảng 40.000 USD.
Một sự kiện hỏi đáp AMA của Celsius Network trước khi phá sản. Ảnh: Coindesk. |
Các sự kiện AMA hàng tuần do Mashinsky tổ chức trên YouTube được đề cập trong nhiều bức thư, trong đó có một bức thư của Stephen Richardson. Người này chỉ ra Mashinsky đã lừa dối công chúng để thu hút khách hàng mới tham gia vào kế hoạch Ponzi của mình.
Nếu tôi không được hoàn tiền, tôi sẽ kết thúc cuộc đời mình
Katis Davis, bị kẹt lại khoảng 138.000 USD trên Celsius
"Alex nói Celsius an toàn hơn ngân hàng vì họ không yêu cầu tái thế chấp và cho vay dự trữ theo tỷ lệ như ngân hàng. Tôi đang có hàng triệu tiền mã hóa bị khóa trong nền tảng mà không thể rút ra được", theo Richardson.
Một số người thậm chí từng tính đến chuyện tự sát nếu không thể lấy lại được tiền.
CEO Mashinsky vẫn giữ im lặng trước vụ việc.