Sau khi các ngân hàng trong nước đồng loạt tăng giá phí tin nhắn thông báo biến động số dư (SMS Banking), nhiều người dùng cho biết họ sẽ hủy dịch vụ này để chuyển hẳn sang dùng thông báo trên ứng dụng di động. Bên cạnh tiết kiệm chi phí, việc nhận thông báo biến động tài khoản qua app còn giúp hạn chế tình trạng lừa đảo tin nhắn hiện phổ biến.
Tuy nhiên, với những người dùng không sử dụng điện thoại thông minh, việc chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, một số ngân hàng trộn lẫn biến động tài khoản với thông tin quảng cáo, gây phiền toái cho người dùng.
Bỏ SMS giúp bảo mật hơn, không giới hạn địa lý
"Chỉ nhận biến động số dư hàng tháng mà tốn thêm vài chục nghìn đồng tôi thấy không hợp lý. Hiện tại, thông báo trên điện thoại đã rất tiện, thao tác cũng nhanh, đơn giản. Tôi không thấy lý do gì để trả thêm tiền cho SMS Banking", ông Ngọc Trần, ngụ quận 8, TP.HCM nói với Zing.
Tin nhắn lừa đảo từ đầu số ngân hàng. Ảnh: Đoạn Lãng. |
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí dịch vụ SMS Banking, việc nhận thông báo qua ứng dụng trên điện thoại giúp hạn chế tình trạng nhận tin nhắn lừa đảo, giả mạo ngân hàng. Ông Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập kiêm CEO công ty bảo mật CyRadar cho rằng những vụ lừa đảo qua hình thức SMS ngân hàng trong năm 2021 là ví dụ rõ ràng.
Thiết bị giả mạo trạm phát sóng, từ đó giả đầu số nhắn tin của đối tượng bị bắt giữ vào tháng 1. Ảnh: Công an cung cấp. |
"Vấn đề lớn khi nhận thông tin từ ngân hàng qua SMS là việc tin nhắn mạo danh có thể đan xen vào tin nhắn thật, tới từ ngân hàng. Từ đó, người dùng dễ bị dụ bấm vào những đường link trong tin nhắn, tự điền thông tin cho kẻ tấn công. Khi nhận thông báo, mã OTP qua app thì người dùng không phải lo ngại về vấn đề này", ông Đức nhận định.
Đến nay, nhiều khách hàng vẫn nhận được tin nhắn lừa đảo dạng này gửi đến điện thoại. Vào tháng 1, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ một đối tượng quốc tịch Trung Quốc vì hành vi giả mạo tin nhắn thương hiệu để lừa đảo. Việc ngừng sử dụng SMS Banking có thể giúp người dùng dễ dàng nhận diện các tin nhắn lừa đảo.
Ngoài ra, ông Đức cũng cho rằng OTP và thông báo trong ứng dụng là hình thức mà ngân hàng chủ động đẩy thông tin tới người dùng, không phải qua đối tác thứ ba, cũng không phải phụ thuộc vào mạng viễn thông của quốc gia. Nhờ đó, người dùng dù có đi công tác nước ngoài vẫn nhận được thông báo, mã OTP.
Một số phiền toái từ ứng dụng ngân hàng trên di động
Chia sẻ với Zing, ông Sơn Bách, một người dùng tại Hà Nội vừa hủy dịch vụ SMS Banking cho biết ứng dụng của ngân hàng thường xuyên có các quảng cáo không cần thiết, gây phiền toái cho người dùng.
Theo ghi nhận của phóng viên, ứng dụng của nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank đang thông báo cả các dịch vụ, quảng cáo không nằm trong nhu cầu của người dùng. Cụ thể, nhiều người cho biết ứng dụng smart banking trên điện thoại của họ có thể thông báo tới 7-8 quảng cáo mỗi ngày, gây ảnh hưởng đến công việc.
Thông báo quảng cáo từ ứng dụng ngân hàng gây phiền toái cho người dùng. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, một số ngân hàng xử lý tốt thông báo trên ứng dụng như Techcombank, Vietcombank, MSB giúp người dùng dễ dàng quản lý trên điện thoại.
“Mấy tháng trước Techcombank có chuyển sang dùng ứng dụng mới. Khi đổi, họ đề xuất hủy SMS Banking, nhận thông báo số dư bằng ứng dụng. Thời gian qua app chỉ hiện thông báo số dư, không có các tin quảng cáo khác”, bà Mỹ Duyên, nhân viên văn phòng ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ với Zing.
Trong khi đó, Vân Anh, chủ một cửa hàng thời trang trực tuyến cho biết bản thân vẫn cần dùng đến dịch vụ tin nhắn biến động số dư của ngân hàng.
“Mình cảm thấy tin nhắn SMS của ngân hàng vẫn cần thiết, nhất là với một người kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, mình cũng thường xuyên phải đi lại và không phải lúc nào cũng có Wi-Fi để nhận thông báo biến động số dư qua ứng dụng điện thoại. Do đó, mình vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ tin nhắn của ngân hàng bất kể tăng giá”, Vân Anh chia sẻ.
Một số người dùng vẫn chọn gắn bó với SMS Banking. |
Ngoài ra, cần lưu ý rằng thông tin biến động số dư trên ứng dụng di động chỉ hoạt động khi có kết nối Internet. Do đó, trong một số trường hợp, người dùng sẽ không thể biết được biến động số dư nếu tài khoản gặp vấn đề khả nghi.
"Chọn dùng dịch vụ thông báo qua ứng dụng thì cần chú ý kết nối mạng liên tục. Bên cạnh đó, smartphone cần có hiệu năng tốt một chút để chạy đa nhiệm. Một số dòng điện thoại tôi dùng trước đây bị lỗi chậm thông báo, có thể gây phiền toái trong một số trường hợp", ông Ngọc Trần chia sẻ.
Ngoài ra, những phiên bản iOS, Android gần đây đều có yêu cầu cao về quyền phát thông báo. Có trường hợp người dùng không cấp quyền thông báo từ đầu, sau đó cũng không biết phải tìm ở đâu để mở lại.
"Sau khi cài app, tôi không nhận được thông báo khi tiền về. Do không biết mở thế nào, tôi luôn phải nhờ con, cháu hướng dẫn", ông Lê Hải, 70 tuổi, sống tại Hà Nội chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng tỷ lệ người dùng SMS Banking vẫn còn khá cao. Một trong những nguyên nhân là ứng dụng chỉ có thể cài trên smartphone, người dùng điện thoại cơ bản (feature phone) vẫn phải nhận thông tin qua SMS.
“Bố mẹ tôi ở quê vẫn dùng điện thoại Nokia đời cũ, không muốn đổi máy vì đã quen thuộc. Với thiết bị đó thì buộc phải dùng SMS Banking thôi”, bà Mỹ Duyên nói.
BIDV, Vietcombank và Techcombank là 3 ngân hàng vừa áp dụng biểu giá mới, tối đa trên 70.000 đồng/tháng cho dịch vụ tin nhắn biến động số dư tài khoản. Phần lớn ngân hàng còn lại bán gói dịch vụ cố định với phí 5.000-15.000 đồng/tháng. HSBC, Hong Leong Bank là hai nhà băng đang miễn phí dịch vụ này tại Việt Nam.
Biểu phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS Banking:
Ngân hàng | Phí dịch vụ/tháng (chưa gồm 10% VAT) |
HSBC, Hong Leong Bank | Miễn phí |
PVComBank, Kienlongbank | 5.000 đồng |
MSB, Baoviet Bank, NCB, PGBank, CBBank, OceanBank, GPBank, BacABank, CIMB Bank | 8.000 đồng |
ACB, HDBank, Saigonbank, Public Bank | 9.000 đồng |
SHB, SCB, SeABank, Sacombank, Agribank, VIB, OCB, ABBank, VietBank, VietABank, Shinhan Bank | 10.000 đồng |
VPBank, MBBank | 12.000 đồng |
Eximbank | 15.000 đồng |
BIDV | Dưới 16 SMS - 9.000 đồng; 16-50 SMS - 30.000 đồng; 51-100 SMS - 55.000 đồng; trên 101 SMS - 70.000 đồng |
Vietcombank | Dưới 20 SMS - 10.000 đồng; 20-49 SMS - 25.000 đồng; 50-99 SMS - 50.000 đồng; trên 100 SMS - 70.000 đồng |
Techcombank | Dưới 16 SMS - 12.000 đồng; 16-30 SMS - 18.000 đồng; 31-60 SMS - 40.000 đồng; trên 61 SMS - 75.000 đồng |