Hiện nay, các công ty như Facebook, Twitter, Google và nhiều ngân hàng trên thế giới vẫn sử dụng hình thức nhận mã xác thực qua tin nhắn SMS, hay còn gọi là SMS OTP. Những đoạn mã này chỉ dùng được một lần để đảm bảo chúng không bị đánh cắp.
Đây tưởng chừng là cách bảo mật tối ưu. Tuy nhiên, tin tặc có thể chuyển hướng tin nhắn của bạn sang điện thoại của chúng và chiếm đoạt những thông tin quan trọng.
Xác thực bằng SMS là dạng bảo mật 2 lớp phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, chúng vẫn bị tin tặc "xuyên thủng". |
Theo Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Quốc gia Mỹ (NIST), xác thực bằng tin nhắn SMS không đủ an toàn. Tin tặc có thể hối lộ hoặc hack các công ty viễn thông để chuyển những tin nhắn SMS đến số điện thoại không thuộc chính chủ. Các thủ thuật này tinh vi đến mức bạn sẽ không biết được tin nhắn của mình đã bị đánh cắp.
NIST cũng cảnh báo những số điện thoại đăng ký trên các ứng dụng kiểu Facebook Messenger, Viber có khả năng bị hack và làm lộ mã xác thực trên SMS. Đây là những ứng dụng sử dụng VoIP, công nghệ truyền giọng nói qua Internet.
Trước những rủi ro bảo mật, NIST đã khuyến cáo các công ty công nghệ tìm kiếm giải pháp thay thế. Một trong số đó là sử dụng ứng dụng tạo mã xác thực dùng một lần, như Google Authenticator. Tin tặc không thể chuyển hướng mã xác thực tạo trên các ứng dụng này. Chúng cũng không thể mạo hiểm chạy đến đánh cắp điện thoại của bạn chỉ để xem những đoạn mã.
Trong trường hợp một số trang web chỉ cho phép bạn xác thực 2 yếu tố bằng các phương thức truyền thống, như tin nhắn SMS, bạn vẫn nên sử dụng chúng. Mặc dù cách thức này không an toàn 100%, chúng vẫn tốt hơn việc bạn chỉ đăng nhập bằng mật khẩu cơ bản.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng Google Voice để tạo số điện thoại trên dịch vụ đám mây và dùng chúng cho việc đăng nhập. Như vậy, tin tặc sẽ khó tra được số điện thoại thật của bạn.