Đã bao giờ bạn tự hỏi Mario Goetze, tác giả bàn thắng giúp tuyển Đức vô địch World Cup 2014, từ đâu ra? Hay nhờ đâu tuyển Đức dư thừa tài năng?
Tuyển Đức đang khiến cả thế giới ghen tị vì sở hữu lứa cầu thủ cực kỳ xuất sắc và nguồn nhân sự dồi dào cung cấp cho ĐTQG. Một lần HLV tuyển Đức Joachim Loew thẳng thắn chia sẻ bản thân rất đau đầu khi lựa chọn đội hình bởi ông đang nắm quá nhiều quân bài chất lượng.
Cơn đau đầu ấy thật dễ chịu. Năm 2017, tuyển Đức mang đội B dự FIFA Confederations Cup 2017, với Sebastian Rudy, Leon Goretzka, Lars Stindl, Timo Werner... vẫn lên ngôi dễ dàng. Không cần phải nói lại, tuyển Đức có một lứa trẻ tuyệt vời và đang được đào tạo trong môi trường rất hiện đại.
"Die Mannschaft" bây giờ chơi đẹp mắt và cống hiến. Sau giai đoạn khủng hoảng vào những năm 2000, bóng đá Đức thực hiện cuộc cách mạng rất khoa học và bài bản. Liên đoàn Bóng đá Đức buộc tất cả CLB thuộc hai giải đấu cao nhất phải chú trọng đầu tư vào lò đào tạo trẻ.
Đã có hơn 1 tỷ euro được chi ra để vận hành, cũng như nâng cấp những học viện bóng đá ở các đội bóng thuộc Bundesliga 1 và 2. Trong số này, Borussia Dortmund, Leverkusen... nằm trong số những lò đào tạo hiện đại, tất cả làm theo lộ trình được vạch sẵn và rất chú trọng "săn đầu người".
Tìm đến lò đào tạo trẻ của Dortmund sau trận "Revierderby", nơi sản sinh Marco Reus, Marcel Schmelzer và nổi bật Mario Goetze, người ghi bàn duy nhất trong trận chung kết World Cup 2014, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt Zing.vn là màu vàng rực của ánh mặt trời, nửa sắc tố truyền thống CLB.
Xen kẽ trang trí ở những dãy nhà, nơi những cầu thủ trẻ và đội hình chính tập luyện, xuất hiện dải băng lớn màu cờ truyền thống CLB. Điều này tạo cho người xem cảm giác tuyệt diệu. Mỗi cầu thủ khi tìm đến lò đào tạo này tự hiểu một phần trong trái tim họ thuộc về đội bóng vàng-đen.
Dortmund có hơn 10 sân dành cho 15 đội trẻ, với độ tuổi từ 9 trở lên. Tùy vào cấp độ "U", họ được chia ra tập trên mặt cỏ nhân tạo hoặc tự nhiên. Không giống những CLB khác, đội 1 của "Die Schwarzgelben" tập luyện ở học viện bóng đá trẻ suốt tuần, thay vì dưới mái nhà Signal Iduna Park hùng vĩ.
Xa xa, một nhóm cầu thủ đang tập luyện cùng nhau. Đội 1 của Borussia Dortmund chưa đến sân, nhưng từ khu vực cổng chào xuất hiện vài ba cổ động viên chờ sẵn. Tay cầm cốc bia Đức truyền thống, họ nói mình tới đây để tìm gặp những Marco Reus, Mario Goetze...
Với Dortmund, điểm đáng chú ý trong học viện bóng đá trẻ của nhà cựu vô địch Bundesliga thuộc về phòng tập giả lập 360s (footbonault) trị giá 1,45 triệu euro. Không có nhiều CLB ở Bundesliga sở hữu phòng tập đắt tiền này, khi nó chỉ có Hoffenheim, RB Leipzig và Bayern Munich.
Giới thiệu tới đây, HLV Marvin Mainoo-Boakye có chút tự hào. Theo chiến lược gia trẻ, tập luyện trong phòng 360s giúp cầu thủ rèn luyện kỹ năng quan sát, tập trung, phán đoán, kỹ thuật tiếp bóng, chuyền bóng, dứt điểm và chơi bóng một chạm. Cơ chế hoạt động phòng tập khá đơn giản.
Phòng có hệ thống bắn máy tự động ở các góc, cầu thủ đứng khu vực chính giữa để đón bóng và chuyền hoặc dứt điểm theo chỉ định bài tập. Phòng tập giả lập còn cho phép chương trình huấn luyện được thiết kế theo chủ đích HLV, động thái này giúp các cầu thủ không bị nhàm chán với các bài tập.
"Họ (cầu thủ) rất thông minh, có thể tìm ra cách thức hoạt động của cỗ máy, vì vậy chúng tôi phải thường xuyên tìm cải tiến giáo án", HLV Marvin giải thích.
Sau khi hoàn tất bài tập, một hệ thống tự động trích xuất dữ liệu tốc độ, sự nhanh nhẹn, chính xác, thời gian thực hiện các kỹ thuật, điểm tập trung... của cầu thủ và gửi đến màn hình máy tính điều khiển. Bằng cách này, HLV có thể hoàn thiện, cũng như nâng cao những điểm yếu và điểm mạnh cho họ.
Mario Goetze là "ông vua" trong phòng tập giả lập triệu euro này. Tiền vệ người Đức được mô tả có khả năng khống chế bóng và dứt điểm rất hoàn hảo. Một điều khá thú vị về lò đào tạo trẻ của Dortmund khi các cầu thủ từ nhỏ được dạy "ghét" đối thủ Schalke 04, kình địch cùng thành phố.
Ở vùng Ruhr, sân Veltins Arena của Schalke 04 cách Signal Iduna Park khoảng 25 km. Hai đội bóng của Đức từ lâu không ưa gì nhau. Đầu mùa giải năm nay, Dortmund và Schalke tạo ra bữa tiệc tưng bừng với 8 bàn thắng chia đều cho mỗi đội. Đáng nói, Dortmund ghi 4 bàn trước.
Như một cách giúp cầu thủ quyết tâm hơn, HLV Marvin đặt vật cản giữa sân, ông chọn màu xanh truyền thống của Schalke 04, muốn học trò xem đây như đối phương. Các cầu thủ, riêng lẻ hoặc 3 người trở lên được yêu cầu phải vượt qua được "kình địch", rồi chuyền hoặc dứt điểm theo chỉ định.
Bài tập này góp phần làm tăng khả năng phán đoán, xoay chuyển tình thế nhanh chóng hoặc làm thế nào để vượt qua cầu thủ đối phương. Việc cho phép nhóm từ 3 đến 4 người trở lên tham gia vào phần tập luyện này cũng giúp tiết kiệm thời gian, tạo ra sự đồng đều cho toàn đội.
Nếu lò đào tạo của Borussia Dortmund tự hào sở hữu cỗ máy triệu bảng, thì Leverkusen được xem như ngôi nhà nhỏ sản sinh những tên tuổi lớn như Landon Donovan, René Adler, Christopher Kramer - thành viên vô địch World Cup 2014 và gần đây có Leroy Sane - nhà vô địch Premier League 2018.
Học viện bóng đá này có 120 học viên, gồm các nhóm tuổi từ U8 đến U18. Ngoài hệ thống sân bãi tương tự như Dortmund, phòng tập luyện ở đây rất "khiêm tốn" như HLV Peter Quast chia sẻ, "lò đào tạo rất bình thường và nhỏ, tuy nhiện lại là một trong những học viện tốt nhất".
Đã có một sự khiêm cung trong cách giới thiệu của HLV Peter Quast, thầy cũ Leroy Sane, bởi cơ sở vật chất ở đây rất tiện nghi, đáp ứng mọi nhu cầu cơ bản cho cầu thủ. Thậm chí, Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) xếp hạng "5 sao" cho lò Leverkusen, điều khiến Ban điều hành rất hãnh diện.
Học viện cũng có phương thức hoạt động đặc biệt, không chạy theo tiêu chí bỏ ra những số tiền khổng lồ để chiêu mộ cầu thủ. "Chúng tôi chỉ có thể chi từ 200.000 euro đến 2 triệu euro cho các cầu thủ trẻ vì ngân sách học viện rất giới hạn", ông Peter Quast nói..
Thay vì đổ tiền mua những "viên ngọc thô" từ các lò đào tạo khác, Ban huấn luyện tận dụng tối đa khả năng "săn đầu người" trong phạm vi 60 km. Điều này đồng nghĩa bất kỳ những đứa trẻ nào đang chơi bóng gần khu vực này đều có thể lọt vào mắt xanh các tuyển trạch viên.
Học viện bóng đá ở đây cũng rộng cửa chào đón những cầu thủ trẻ đến từ các quốc gia khác muốn tham gia tập luyện. Hàng năm, ngân sách đầu tư cho lò đào tạo vào khoảng 5 triệu euro. Đó không phải con số khổng lồ, song chất lượng đầu ra của lò đào tạo rất cao.
Không chỉ dừng lại ở đào tạo kỹ năng, những học viên nhí còn được tôi luyện phong thái đĩnh đạc, hành xử văn minh. Người Đức luôn hướng tới sự toàn diện trong đào tạo cầu thủ trẻ. Tiêu chí của họ nghe hơi nghịch lý, nhưng rất nhân văn. "Trường học được ưu tiên hàng đầu", ông Peter Quast chia sẻ.
Dạo một vòng quanh hệ thống phòng ốc của lò đào tạo, chúng tôi tìm thấy một góc nhỏ với chiếc bàn dài chỉ thích hợp trong thư viện. Đây là không gian cho các thành viên hoàn thành bài tập ở trường. Học viện còn tuyển luôn giáo viên sư phạm để bổ sung kiến thức cho cầu thủ.
"Vào 2 giờ chiều, một chiếc xe bus sẽ đón tất cả học viên ở điểm hẹn. Sau khi đến lò đào tạo, bọn trẻ được yêu cầu làm bài ở trường trước tiên. Thời gian tập luyện bóng đá diễn ra sau đó, mỗi ngày vào khoảng 2 giờ", ông Peter Quast nói.
Người Đức có tầm nhìn rất xa trong huấn luyện cầu thủ trẻ. Họ thấy rằng quá trình đào thải trong bóng đá rất khắc nghiệt và chặng đường trở thành cầu thủ Bundesliga chuyên nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vì vậy, mọi thứ đều phải có kế hoạch B.
"Chỉ cần chơi ở giải hạng 3 hay 4, họ có thể mua được xe hơi. Song, chúng tôi muốn bọn trẻ tập trung học hành trước tiên. Lò đào tạo không muốn các cầu thủ bị khánh kiệt sau khi giải nghệ vì không được trang bị kiến thức văn hóa hay nghề tay trái", ông Maurice Gorges, đại diện Bundesliga, phân tích.
Chuyến thăm lò đào tạo Leverkusen của Zing.vn diễn ra đúng trận U12 Borussia Dortmund chạm trán U12 Bayer Leverkusen. Song, chúng tôi không có cơ hội được theo dõi trận đấu khi sau đó vài giờ là cuộc đối đầu thuộc vòng 30 Bundesliga giữa Leverkusen và Frankfurt.
Với người Đức, tính kỷ luật có lẽ không phải bàn cãi. Từ học viện Dortmund đến Leverkusen, bên cạnh phương pháp huấn luyện hiện đại, Ban huấn luyện rất chú trọng rèn luyện nề nếp sinh hoạt và cách hành xử cầu thủ. "Khi còn non, một cành cây lúc nào cũng dễ uốn nắn", ông Peter Quast đúc kết.
Từ lúc 8 tuổi, những học viên tập luyện ở các lò đào tạo Bundesliga sớm được đưa vào khuôn phép với những quy tắc giúp họ trở thành con người đĩnh đạc, cư xử văn minh và biết tôn trọng người khác. Điều này giải thích vì sao các cầu thủ Đức luôn được người hâm mộ quý mến và hiếm khi dính scandal.
Sau kỷ luật, điều quan trọng tiếp theo trên phương diện đào tạo cầu thủ trẻ thật bất ngờ không nằm ở kết quả giành được. Người Đức muốn thế hệ măng non luôn được tạo cơ hội chơi bóng, duy trì niềm đam mê với bộ môn chúng theo đuổi. Các HLV Dortmund và Leverkusen có chung quan điểm.
Nói thêm về khía cạnh này, HLV Peter Quast giải thích: "Khi đưa những cầu thủ trẻ tham gia thi đấu, chúng tôi không quá câu nệ thành tích. Nói ra nghe hơi buồn cười, BHL muốn học viên phải lành lặn sau tiếng còi mãn cuộc của trọng tài. Tiếp đó, chúng phải hiểu được triết lý CLB xây dựng thế nào".
Trong khi đó, HLV Marvin bày tỏ quan điểm kết quả ở các giải đấu chỉ đứng cuối cùng. "Học viện Dortmund chú trọng vào việc giúp các cầu thủ phát triển kỹ năng, chơi bóng theo đúng những gì được dạy, thể hiện tốt nhất những gì có thể. Kết quả không phải điều quá lớn lao", chiến lược gia trẻ nói.
Về chuyên môn, độ tuổi thích hợp theo các HLV của lò Dortmund và Leverkusen để làm quen với chiến thuật sẽ từ 13 trở lên. Trong giai đoạn này, quá trình phát triển kỹ năng cơ bản rất quan trọng. Khi vươn tới độ tuổi U19, những cầu thủ trẻ mới được rèn luyện nhiều hơn về chiến thuật.
Theo ông Peter Quast, nhồi nhét quá nhiều lý thuyết chiến thuật khi cầu thủ còn nhỏ dễ khiến chúng rối trí. "Chúng tôi luôn lấy ví dụ bằng điểm A và điểm B, tiếp theo hướng dẫn cầu thủ trẻ đến việc làm sao để có thể rê dắt hay đưa bóng tới điểm chỉ định", thầy cũ của Leroy Sane giải thích.
Về quyết tâm giành chiến thắng, ông Marvin không gọi đây là một trong những bài tập được đưa vào phương pháp huấn luyện. Từ khi bước vào lò đào tạo Dortmund, các thành viên sớm được chỉ dạy luôn phải nỗ lực hết mình. "Tố chất chiến thắng thuộc về tiềm thức cầu thủ", HLV trẻ Dortmund nói.
Dĩ nhiên, lò Leverkusen và Dortmund giữ nhiều bí quyết riêng không muốn tiết lộ trong đào tạo cầu thủ trẻ. Song, một thực tế cho thấy tất cả đều có lộ trình được vạch sẵn và thực hiện rất nghiêm túc. Và sau cùng, bóng đá Đức đang thu quả ngọt từ cách làm bóng đá đúng đắn và bài bản của mình.