Từ một sự tình cờ
Rời Việt Nam đến Mỹ lúc chưa tròn 10 tuổi, sau 20 năm lăn lộn nơi đất khách, học ngành y rồi chuyển sang nghiên cứu môi trường, năm 1998, ông Nguyễn Leo Long trở về Việt Nam, với nhiệm vụ nghiên cứu chất lượng nước. Khi đi thực tế, ông thấy người dân đang đối mặt với nguy cơ bệnh tật vì nguồn nước bị nhiễm bẩn, trong khi giá bán nước tinh khiết trên thị trường lại bị đẩy lên quá cao. Ông quyết định “phải trả nước về giá trị thực của nó”.
Thương hiệu M Kitech và cũng là trường học kinh doanh đầu tiên của ông ra đời trong hoàn cảnh đó. Với công nghệ đạt chuẩn chất lượng cao, nguồn nước sạch, giá bán chỉ 8.000 đồng mỗi bình 20 lít, M Kitech đã tạo một cú sốc trên thị trường. Ông còn đưa ra mô hình kinh doanh mở, toàn bộ hệ thống đều được đặt trong nhà kính, để ai cũng có thể tận mắt nhìn thấy quy trình, công nghệ sản xuất.
Với nhiều ưu thế, M Kitech đã kinh doanh phát đạt. Trong men say chiến thắng, ông Long hăm hở mở ra rất nhiều điểm kinh doanh, và điều tất yếu đã xảy ra: việc kiểm soát, quản lý hệ thống vượt quá khả năng.
“Tôi có ngay bài học đầu tiên là, khi đội ngũ chưa chuẩn, hệ thống chưa bài bản, thì không nên mở rộng chuỗi, vì sẽ khó đảm bảo chất lượng đồng nhất”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Leo Long, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu LEO (Leo’s) được giới sản xuất nông sản gán cho biệt danh là “vua tỏi đen”. |
Thời điểm đó là chuỗi ngày căng thẳng của ông. Mỗi ngày, ông đều phải nghe khách hàng phàn nàn về thái độ phục vụ của đội ngũ giao hàng, nhân viên trong xưởng làm việc thiếu kỷ luật, một bộ phận khác thì cấu kết lấy trộm nước của công ty bán.
“Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và mất hết hứng thú. Trong một đêm quá căng thẳng, tôi quyết định nhượng quyền M Kitech cho một đối tác”, ông chia sẻ.
Nhưng máu kinh doanh vẫn sôi sục trong huyết quản ông Long. Năm 2005, trong lúc chưa định hướng được tương lai, một khách hàng Nhật Bản đột nhiên xuất hiện, đề nghị ông cung cấp nguồn nước đã được lọc sạch, tuyệt đối không còn vi khuẩn.
Sau một thời gian thực hiện hợp đồng với đối tác, ông mới phát hiện, người Nhật vẫn âm thầm mua tỏi của Việt Nam, dùng nguồn nước sạch của ông để lên men thành tỏi đen và bán về Nhật, với giá cao gấp chục lần.
Dốc lực cho tỏi
Tìm hiểu sâu hơn, ông phát hiện, tỏi đen có rất nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học quý. Trong đó, polyphenol và S-allyl cysteine, sau quá trình lên men, được sản sinh ra trong tỏi đen với hàm lượng gấp từ 5 đến 10 lần so với tỏi tươi. Người Nhật đã phát minh ra công nghệ lên men này, giúp làm giảm cholesterol, hỗ trợ các trường hợp xơ cứng động mạch, bảo vệ tim mạch...
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều vùng trồng tỏi tép, đặc biệt là tỏi cô đơn, như tỏi Lý Sơn, Phan Rang..., nhưng mới chỉ sử dụng làm gia vị. Đáng chú ý là, tỏi nếu chỉ làm gia vị thì giá trị không cao, nhưng khi được lên men, trở thành tỏi đen và rượu tỏi, thì giá trị đã nâng lên gấp nhiều lần. Đơn cử ở Mỹ, giá bán rượu tỏi 220 USD mỗi lít, ở Nhật Bản còn đắt hơn. Tỏi đen ở Nhật Bản được bán với giá 4 USD một củ, ở Mỹ và Cannada là 2,2 USD một củ.
Một trong những lý do khiến ông Long quyết định phải dốc hết vốn liếng đầu tư sản xuất tỏi đen, là đối tác Nhật Bản lúc bấy giờ đang có kế hoạch xây nhà xưởng, lắp máy lọc nước, công nghệ làm tỏi đen Phan Rang để xuất khẩu sang Nhật.
“Tôi đã đề xuất họ cho hùn vốn hoặc chuyển giao công nghệ, nhưng họ không chịu. Bằng khả năng thuyết phục và có lẽ thấy tôi nhiệt tâm, nên sau một thời gian, đối tác điện thoại cho biết, đã hoãn kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tỏi đen tại Việt Nam. Họ đồng ý chuyển giao công nghệ cho tôi, nhưng phải cung cấp sản phẩm cho họ trong vòng 3 năm”, ông Long nhớ lại.
Bắt tay vào công việc rất háo hức, nhưng hì hục suốt 2 năm mà không ra thành phẩm. Nhìn những lô tỏi mua về trị giá cả bạc tỷ phải đổ bỏ liên tục, mỗi lần trục trặc như vậy lại phải đợi 2 tháng sau mới làm lại được, vừa xót lại vừa nản, ông đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Liên hệ mãi, đối tác Nhật mới bay sang tìm hiểu, và tìm ra mấu chốt là do khí hậu Việt Nam quá nóng, khi để quạt cho máy mát thì nhiệt độ bên trong không đủ, dẫn đến tỏi không lên men được. “Giải được bài toán này, lô tỏi đen đầu tiên ra lò thành công khiến tôi vui muốn phát điên”, ông Long vẫn không giấu được niềm hân hoan.
Tuy nhiên, trở ngại thứ hai xuất hiện ngay sau đó. Tỏi đen là sản phẩm mới, nên rất ít người biết tới. Nhiều người biết thì không phân biệt được sự khác nhau giữa tỏi tép và cô đơn, nên thắc mắc tại sao giá tỏi Leo’s cao hơn.
Lý do là thời gian lên men tỏi tép nhanh hơn tỏi cô đơn, giá nguyên liệu tỏi tép cũng rẻ hơn, thường chênh lệch cả hơn triệu đồng mỗi kg. Bên cạnh đó, nhiều người còn tung tin, tỏi đen mua từ Trung Quốc, không an toàn cũng khiến ông không ít khốn đốn.
Vì thương hiệu Việt
Được chuyển giao công nghệ của Nhật, song điều quyết định chất lượng, sự khác biệt của sản phẩm còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ thuật, nguyên liệu và cả sự tìm tòi riêng của người sản xuất, gọi nôm na là bí quyết.
“Dù hiện nay, thị trường còn mới và sản lượng tiêu thụ mới đạt nửa công suất, nhưng tôi tin đầu ra sẽ tốt lên trong nay mai. Đơn giản là, nguyên liệu tốt, công dụng thật, sản phẩm làm ra bằng công nghệ tiên tiến, có cả tấm lòng, tâm huyết của người làm, thì chắc chắn việc kinh doanh sẽ tốt”, ông Long chia sẻ.
Người mở đường bao giờ cũng gặp nhiều thất bại, vấp ngã, nhưng khi thành công, họ sẽ có nhiều ưu thế và đi xa hơn những người đến sau. Đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có khoảng 4-5 công ty sản xuất tỏi đen, nhưng chủ yếu là nhập về đóng gói và đa số là tỏi tép, chứ không phải tỏi cô đơn. Do vậy, ông xác định ngay từ đầu, là phải xây dựng một thương hiệu cho tỏi Việt.
Khi biết dự định này, khách hàng đã yêu cầu ông bỏ thương hiệu Leo’s và làm trên bao bì nhãn hiệu của họ. Vì sản phẩm Việt Nam chưa phổ biến trên thế giới và cũng khó bán ở Nhật.
“Mục đích của tôi khi làm tỏi đen là xây dựng một thương hiệu cho nông sản Việt, chứ không phải bán sản phẩm thô. Vì vậy, tâm nguyện của tôi là giữ thương hiệu Việt. Ta có nguyên liệu, công nghệ hiện đại, đáp ứng được tiêu chí khắt khe nhất của Mỹ, Nhật Bản, thì không có lý do gì chỉ bán hàng thô cho họ”, ông Long trăn trở.
Việc từ chối thay đổi thương hiệu Việt trên bao bì đã khiến khách Nhật không vừa ý, nên chỉ lấy hàng với số lượng vừa đủ. Nhưng chính nhờ sự nhanh nhạy và kinh nghiệm “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, nên trong năm đầu tiên kinh doanh, ông đã bán được 3 tấn tỏi đen thành phẩm với thương hiệu Leo’s. Trong số này, 70% được xuất khẩu sang Mỹ và Canada.
Trên thực tế, để tỏi đen Leo’s chinh phục được những khách hàng khó tính người Mỹ và Canada không hề dễ. Họ biết công dụng của tỏi với sức khỏe từ rất lâu và vẫn nhập tỏi đen từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, lần đầu được giới thiệu tỏi đen do Việt Nam sản xuất, họ tỏ ra nghi ngờ về xuất xứ và cả chất lượng.
Để chứng minh chất lượng tỏi đen Việt Nam tương đương hàng của Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, ông đã mạnh dạn cam kết chịu phí kiểm nghiệm của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Kết quả là, tỏi đen Việt Nam có hàm lượng kháng sinh rất cao, chỉ thua giống tỏi Maori của Nhật Bản. Từ đó, tỏi Leo’s bán nhiều nhất ở Mỹ và Canada.
Thậm chí, có siêu thị ở Mỹ đặt hàng với số lượng lớn, nhưng ông Long không dám ký hợp đồng, vì công suất nhà máy vẫn chưa đáp ứng đủ.
Trong tỏi có 285 dược liệu quý để bổ sung hệ miễn dịch. Người Việt Nam đang sống trên đống thuốc thiên nhiên mà không biết. Hơn nữa, tỏi đen xuất khẩu cũng mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ. Vì vậy, ông Long rất mong Nhà nước quan tâm phát triển mặt hàng này. Nếu Nhà nước có chính sách chuyên canh các vùng trồng tỏi cô đơn, thì giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều.
“Niềm vui của tôi là làm ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe với giá rẻ. Khi thương hiệu tỏi Leo’s made in Việt Nam được thế giới tin dùng, có nghĩa là tôi đã góp phần tạo thêm giá trị cũng như uy tín cho thương hiệu Việt”, ông Long nói trong cái bắt tay thật chặt tiễn khách.