Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đổ xô tích trữ khẩu trang, người bình thản giữa dịch corona

Bên cạnh số đông người dân lo lắng mua sắm khẩu trang, tìm cách phòng dịch, nhiều người khác tỏ ra bình tĩnh, cho rằng không cần sợ hãi quá mức.

Rời quê từ ngày mùng 5 Tết, khi những thông tin về dịch viêm phổi cấp do virus corona đang gây hoang mang cho cả cộng đồng, Hà Phương (24 tuổi, nhân viên văn phòng) và gia đình cũng không khỏi lo lắng.

Mẹ dặn cô lên hiệu thuốc mua khẩu trang mang theo. Phương đã học rồi làm việc ở Hà Nội đã 5 năm nay nhưng chưa năm nào cha mẹ cô tiễn con gái trở lại thủ đô sau Tết mà phải lo lắng nhiều như lần này.

“Là đứa chủ quan nên trước đó mình cũng không quan tâm đến dịch corona, cứ nghĩ nó đẩu đâu bên Trung Quốc thôi. Nhưng lúc lên hiệu thuốc lớn nhất xã mua khẩu trang, mình bất ngờ khi hộp khẩu trang 35.000 đồng ngày thường giờ đã có giá cả trăm nghìn. Đi sang siêu thị ở xã bên xem giá cả có rẻ hơn không thì khẩu trang đã hết nhẵn. Mình đành quay lại mua chỗ cũ sau khi tham khảo thêm vài chỗ khác”, Phương kể với Zing.vn.

Dich corona anh 1

Từ ngày bắt đầu có dịch, hình ảnh người đeo kín khẩu trang dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi. Ảnh: Quỳnh Trang.

Vừa ra Hà Nội vài ngày đã dính cảm, suốt ngày sụt sịt. Giữa tình hình dịch bệnh lây lan chưa thấy điểm dừng, cô bạn thân ngay lập tức đưa Phương đến bệnh viện khám.

Ngồi ở phòng chờ của bệnh viện, Phương lo lắng khi thấy cô gái ngồi cạnh mình ho liên tục. Những người xung quanh có chút hốt hoảng khi nghe cô gái lạ kể trước Tết vừa đi du lịch Trung Quốc về.

“Sau khi khám, mình chỉ bị cảm thông thường nhưng vì ngồi cạnh cô gái kia nên trong lòng vẫn hoang mang, suy nghĩ mãi về việc liệu cô ấy có mang mầm bệnh trong người không và liệu mình có nguy cơ lây nhiễm”, Phương thừa nhận mình có lo sợ.

Khi tình hình dịch bệnh vẫn đang gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, không chỉ riêng Hà Phương mà rất nhiều người dân cũng sốt sắng tìm cách bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh mới.

Bên cạnh đó, nhiều người giữ tâm lý thoải mái, không hoảng loạn mà bình tĩnh tìm hiểu thông tin và chuẩn bị phương án đối phó hợp lý để chống lại nguy cơ lây nhiễm.

Dich corona anh 2

Nhiều người dân lo lắng, đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay để phòng ngừa lây nhiễm virus corona.

'Nhìn người khác ho cũng sợ'

Trà (Hà Nội) chia sẻ tâm lý hoang mang khi biết được những thông tin về dịch bệnh đang bùng phát. Ngay khi đọc được những khuyến cáo của Bộ Y tế, Trà đã ngay lập tức đi ra siêu thị gần nhà để mua khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn. Cô không lạ khi hàng trăm người cũng đổ xô đi mua vật dụng cần thiết giống mình.

“Khung cách không đến mức khủng khiếp nhưng rõ ràng ai ai cũng đang lo lắng. Mình thấy một bác lớn tuổi dùng cả một chiếc xe đẩy chỉ để mua khẩu trang, chắc là tích trữ. Mình may mắn mua được hai hộp khẩu trang y tế nhờ bác bảo vệ chỉ chỗ thùng hàng mới mang về bởi người ta cũng mua gần như hết sạch rồi. Lúc đấy thiếu tiền, không chắc mình mua thêm mấy hộp nữa”, Trà kể.

Trà cẩn thận mua 2 loại khẩu trang khác nhau. Một loại có giá 50.000 đồng một chiếc để chống bụi mịn khi đi đường, một loại là khẩu trang y tế dùng một lần.

Giữa dịch corona, cơ quan của Trà không cho nhân viên làm việc ở nhà mà bắt buộc phải lên văn phòng.

“Lên cơ quan, mọi người đều đeo khẩu trang kín mít, những cuộc tám chuyện rôm rả thường ngày cũng ít hẳn đi. Giờ ăn trưa, mọi người ngồi cách xa nhau hơn, ít cười nói. Ngay ngày đầu nhân viên trở lại sau Tết, công ty mình cũng trang bị thêm nước rửa tay, khẩu trang, xịt khuẩn toàn văn phòng”, cô kể.

Dich corona anh 3

Nhiều người dân lo lắng, hoang mang trước tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát. Ảnh: Việt Linh.

Trà cho rằng điều khiến mọi người lo lắng, hoang mang một phần do những thông tin, hình ảnh tràn ngập mạng xã hội. Không ít người thấy rối giữa tin tức thật - giả cũng là yếu tố gây nên tâm lý cảnh giác cao độ.

Trà chia sẻ, cô cảm thấy không khí thủ đô những ngày có dịch khá trầm lắng hơn thường nhật bởi mọi người ngại phải ra đường, đi đến nơi đông đúc.

“Những ngày này khiến mình bị nhạy cảm quá mức, chỉ cần thấy người bên cạnh ho mấy tiếng lại hoang mang, bụng dạ đánh lô tô hết cả lên vì sợ người ta có bệnh. Mong dịch sẽ trôi qua thật nhanh”, Trà bày tỏ.

Không nên quá sợ hãi gây nên hỗn loạn

Vừa từ quê ra Hà Nội để làm việc, Hiền (25 tuổi, giáo viên tại trung tâm) đã nhận thông báo công ty cho nhân viên nghỉ một tuần không lương để tránh dịch corona.

Thay vì về lại quê như các đồng nghiệp khác, Hiền chọn ở lại. Cô cho rằng dịch bệnh không quá đáng sợ nếu mỗi người biết tự bảo vệ bản thân.

"Mình thấy cứ sợ hãi cũng không giúp nguy cơ mình bị nhiễm bệnh mất đi. Biết đâu vội vã về lại quê 'trốn dịch' mình lại dính phải nó trên chuyến xe khách đông đúc. Thế nên cứ bình tĩnh thì hơn", Hiền nói.

Nghe theo hướng dẫn về cách phòng dịch, Hiền đeo khẩu trang lúc đi đường, chăm chỉ rửa tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ và chú ý khi tiếp xúc với người khác. Bản thân cô không quá dè chừng mọi thứ, vẫn thoải mái khi đi ăn ở ngoài hay đi cà phê với bạn.

"Năm nay cứ như có 2 kỳ nghỉ Tết liên tục. Mình cũng có chút lo lắng nhưng không thấy quá sợ hay nghiêm trọng hóa tình hình. Lạc quan mà nói mình thấy ổn khi những chỗ đông người nay vắng hơn một chút, giờ tan tầm mình ra ngoài ít gặp tắc đường hơn. Dù không biết tuần sau tình hình sẽ ra sao, sẽ đi làm hay công ty tiếp tục nghỉ, nhưng trước mắt mình tin dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt", Hiền bày tỏ.

Dich corona anh 4

Nhiều người dân chú ý phòng dịch nhưng không nặng nề về tâm lý. Ảnh: Windy Wedding.

Nguyễn Dung (23 tuổi, giáo viên) cho hay Nghệ An - quê của cô - là một trong số ít những tỉnh chưa có thông báo cho học sinh nghỉ học để tránh dịch.

"Tâm lý của mọi người ở chỗ khá ổn định, có thể một phần do chưa có người lây nhiễm nên thấy an tâm. Nhưng dù sao nếu hoảng sợ quá cũng không giải quyết được vấn đề", Dung bày tỏ.

Trường cấp 2 cô dạy, học sinh và giáo viên được phổ biến mọi lưu ý về cách phòng, chống lây nhiễm virus corona.

Các học sinh trong lớp đeo khẩu trang cẩn thận, các em dùng nước rửa tay do nhà trường chuẩn bị hoặc mang theo từ nhà để dùng.

"Theo mình, không nên quá sợ hãi gây nên hỗn loạn, quan trọng là bình tĩnh, tìm hiểu nguồn thông tin chính thống để nắm bắt được tình hình. Số ca nhiễm tại Việt Nam có tăng nhưng mình khá an tâm khi số ca được chữa khỏi cũng nhiều lên, đó là dấu hiệu đáng mừng", Dung nói.

Đám cưới không một người khách, cô dâu chú rể bịt kín mặt vì corona

Đám cưới chỉ có cô dâu, chú rể và bố mẹ nhà trai. Tất cả đều đeo khẩu trang từ đầu đến cuối hôn lễ để tránh sự lây lan của virus corona.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm