Theo đánh giá của giới phân tích, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, mang trong mình tiềm năng phát triển của một thị trường bán lẻ còn non trẻ, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư cũng như bán lẻ trong khu vực.
Kẻ đến
Từ năm 2014, thị trường đã chứng kiến hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập. Trong đó, việc Berli Jucker mua lại Metro Cash & Carry Vietnam là hợp đồng mua bán lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Sau đó không lâu, Central Group, gã khổng lồ bán lẻ của Thái Lan, đã mua lại Big C Vietnam và Nguyễn Kim Trading.
Năm 2015, Emart - nhà bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc cũng chính thức gia nhập sân chơi với một trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD tại TP.HCM.
Cũng là một ông lớn đến từ Hàn Quốc, Lotte Mart đã và đang khá thành công với hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại trên khắp cả nước.
Chuỗi trung tâm thương mại Aeon Mall tăng trưởng doanh thu đều đặn qua các năm. Ảnh: Aeon Việt Nam. |
Aeon, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đến từ Nhật Bản, cũng đang từng bước mở rộng mạng lưới với trung tâm thứ 5 tại Hà Đông, Hà Nội đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2019.
Cũng từ Nhật Bản, Takashimaya đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2016 với vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM.
Theo bà Lê Thị Huyền Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Việt Nam của JLL, nhu cầu thuê cao giúp đảm bảo hiệu suất hoạt động theo hướng lạc quan cho các trung tâm thương mại, đặc biệt là các dự án tại khu vực trung tâm với vị trí đắc địa.
Số liệu của JLL cho thấy trong quý III/2019, diện tích lấp đầy vẫn duy trì ổn định khoảng 90% ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm. Thị trường đang chứng kiến hiện tượng các khách thuê với nhu cầu trên 1.000 m2 rất khó có thể tìm được một vị trí phù hợp trong các trung tâm bán lẻ hiện tại.
Người đi
Tuy nhiên, bà Trang cũng nhận định thị trường bán lẻ vẫn có những gam màu tối với sự cạnh tranh và đào thải ngày một khắc nghiệt.
Việc rút khỏi thị trường của các thương hiệu lớn như Auchan, việc thu hẹp mạng lưới hoạt động của Parkson tại thị trường nội địa, hay tình trạng hàng loạt các thương hiệu cửa hàng tiện lợi nước ngoài chật vật giành miếng bánh thị phần hoặc chuyển nhượng cho các đối thủ nội địa như trường hợp của Shop & Go đã cho thấy đây không hẳn là một sân chơi dễ dàng.
Vingroup quyết định sáp nhập chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+ vào Tập đoàn Masan từ đầu tháng 12/2019. Ảnh: Nikkei. |
Gần đây nhất, tập đoàn Vingroup tuyên bố rút khỏi mảng bán lẻ, nhượng lại VinCommerce cho Masan đã gây xôn xao dư luận. Trong khi Masan Consumer đang hoạt động ổn định với lợi nhuận 3.000-4.000 tỷ đồng mỗi năm, mảng bán lẻ của Vingroup vẫn đang lỗ hơn 5.100 tỷ đồng.
Với bối cảnh kinh doanh kinh doanh không mấy khả quan, Central Group cũng tuyên bố tái cấu trúc Big C để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhìn vào sự thăng trầm của các ông lớn bán lẻ trên thị trường có thể thấy thị trường bán lẻ Việt Nam là miếng bánh đầy tiềm năng nhưng không phải ai cũng có thể năm bắt được cơ hội chiếm lĩnh thị phần.
Theo bà Trang, ngoài yếu tố tiên quyết là lựa chọn được vị trí có mật độ dân số và sức mua tốt, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng cũng như sự cạnh tranh đến từ sàn thương mại điện tử đã khiến việc phát triển một mô hình bán lẻ phù hợp với thị trường mục tiêu trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của một thương hiệu.
Minh chứng cho sự quan trọng của việc chọn đúng mô hình kinh doanh, vị chuyên gia cũng dẫn ra một số trường hợp thất bại tại thị trường như Parkson, Auchan hay Shop & Go.
"Đối với Parkson, vấn đề nằm ở mô hình cơ cấu khách thuê kém đa dạng, tập trung quá nhiều vào nhóm ngành thời trang và mỹ phẩm, trong khi ăn uống và giải trí đang là lĩnh vực thu hút khách đến tiêu dùng. Việc thiếu tính khác biệt về mô hình trong bối cảnh thị trường đầy cạnh tranh cũng là bài học từ sự ra đi của Auchan và Shop & Go.