Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa có văn bản trình Chính phủ đề nghị cho bay kiểm tra “Đường bay vàng”, báo cáo của bộ GTVT thể hiện quyết tâm thực hiện đường hàng không thẳng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh qua không phận Lào, Campuchia.
Tiến sĩ Trần Đình Bá (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam), người từng đề xuất và “theo đuổi” đề án đường bay thẳng hay còn gọi là “đường bay vàng” này từ năm 2012 đã chia sẻ sự vui mừng với Zing.vn.
- Ông nhận xét như thế nào về đề nghị của Bộ trưởng Đinh La Thăng về bay thử nghiệm "đường bay vàng"?
- Quyết tâm của Bộ trưởng là tuyệt vời vì ông phải đột phá vào một ngành vận tải công nghệ cao nhưng hiện đang tiến khá chậm. Chúng ta có thế mạnh cả về trí tuệ, nhân lực, hạ tầng, khí hậu, xã hội ổn định nhưng ngành hàng không Việt Nam chưa xứng tầm với những thế mạnh đó.
Chính Bộ trưởng Thăng đang tìm cách cứu các doanh nghiệp hàng không. Đúng như ông đã nói, lãnh đạo cục hàng không phải bơi cùng doanh nghiệp để biết nguyên nhân thất bại của họ.
Đây cũng là tin vui cho những ai từng tâm huyết, lao động trí tuệ, hiến kế GTVT, đặc biệt cho ngành hàng không.
- Lý do nào khiến ông luôn theo đuổi, bảo vệ “Đường bay vàng” trong một thời gian dài khi luôn bị phản đối, có lúc nào ông muốn dừng lại?
- “Hàng không là đường bay thẳng nối hai điểm vận tải” là quy luật kinh tế hàng không thế giới mà tôi nhận thức được từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước khi thực tế tại Học Viện Hàng không Riga – Liên xô (sau này nâng cấp thành Đại học Hàng không), nơi đào tạo hàng trăm chuyên gia , tiến sĩ Hàng không cho Việt Nam. Tuy nhiên, một số chuyên gia hiện nay ở trong nước lại cho rằng bay vòng kinh tế hơn bay thẳng!
Bị phản đối nhưng tôi vẫn làm theo lương tâm của một nhà khoa học. Tôi nghiên cứu nghiêm túc, có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm chứ không phải để rơi vào “vĩ cuồng” hay “hoang tưởng" như bị gán ép.
Là một người hiểu về hàng không, không ai không thấy đau khi hàng không liên tục thua lỗ.
Sơ đồ và công thức tính hiệu quả kinh tế đường bay HN - TP.HCM, HN - Cần Thơ và HN - Phú Quốc hình “quả chuối“ theo phương pháp Trần Đình Bá. Ảnh: Thanh Tuyền. |
- Mới đây, cựu phi công Mai Trọng Tuấn cho rằng ý kiến của nói Đường bay vàng rút ngắn được 26 phút là hoang tưởng?
- Tôi nghĩ rằng đây không phải lúc để nói thế này thế kia. Một tính toán đưa ra phải dựa trên cơ sở khoa học, tính toán chính xác. Anh nói thì anh phải bảo vệ được chính kiến của mình.
Việc tiết kiệm như thế nào, lãi, lỗ ra sao, ông Tuấn hay ông Bá nói đúng thì nên để các tiến sĩ hàng không của bộ Giao thông Vận tải kết luận. Họ sẽ tính toán được lãi hay lỗ của một đường bay.
"Hàng không là đường bay thẳng nối hai điểm vận tải là quy luật kinh tế hàng không thế giới. Vậy mà chuyên gia HK hiện nay lại cho rằng bay vòng kinh tế hơn bay thẳng mới đau chứ!" - Tiến sĩ Trần Đình Bá.
- Đường bay vàng sẽ đem lại hiệu quả và lợi ích gì cho người dân Việt Nam?
- Trước hết, đường bay đem lại lợi ích cho các nước theo Hiệp định Bầu trời mở rộng ASEAN khi cùng bắt tay khai thác tài nguyên không gian. Các nước thu được lệ phí nhiều triệu USD mỗi năm.
Việt Nam sẽ giảm khối lượng khí thải, giảm mật độ dân dụng trên trục Bắc –Nam. Ngoài ra, việc giảm giờ bay sẽ tăng vòng tăng chuyến để giảm thiểu chậm chuyến hủy chuyến, nhân dân tiết kiệm thời gian bay để tăng giờ làm việc bổ ích, được giảm giá vé…
- Theo ông hiện Việt Nam còn khó khăn, vướng mắc gì khi triển khai đường bay này?
- Còn gì khó khăn nữa đâu, Bộ trưởng đã dọn đường bay thẳng giúp rồi. Quyết định bay thử nghiệm là sáng suốt và cần thiết.
Tôi mong muốn Bộ trưởng giao công việc này cho các tiến sĩ Vụ Vận tải, vụ Khoa học công nghệ Bộ GTVT.
Làm ăn kinh tế là phải chính xác, đặc biệt là công nghệ hàng không. Như vũ trụ, năng lượng hạt nhân, dầu khí phải tính toán chính xác bằng “định lượng” để tránh việc bị thua lỗ do ngộ nhận và hiện tượng tranh công đổ lỗi cho nhau.
Các vụ vận tải – KHCN và các vụ của bộ GTVT phải lập quy trình thử nghiệm nghiêm túc để đảm bảo tính pháp lý và có cơ sở chính xác cho Chính phủ và Bộ trưởng GTVT quyết định và phải chịu trách nhiêm trước thành bại của ngành hàng không!
Tiến sĩ Bá phân tích những hiệu quả của Đường bay vàng mang lại |
- Việt Nam sẽ phải trả phí khi bay qua không phận của Lào và Campuchia, chưa kể chúng ta sẽ không chủ động nếu gặp sự cố khi qua không phận các nước này, ông nghĩ sao về những khó khăn này?
- Cái gì cũng có cơ sở, lệ phí theo thông lệ quốc tế và thỏa thuận ký kết, không ai nỡ làm khó mình vì tất cả đều có lợi. Vấn đề là mình phải hạch toán, tính toán một cách có cơ sở khoa học.
Còn việc sự cố, nếu nghĩ như thế thì không ai dám bay qua không phận các nước khác và cũng chả ai dám bay. Mình bay qua nước bạn, các nước bạn bay qua mình. Khi gặp sự cố, các nước đều phải tạo điều kiện giúp đỡ khi cần hạ cánh hoặc giúp về cứu nạn cứu hộ…
- Xin cảm ơn ông!
Đường bay vàng - Tiết kiệm 300 triệu USD mỗi năm
Với đường bay hiện tại, mỗi chuyến bay bị lãng phí thêm hơn 26 phút so với “đường bay vàng”, con số lãng phí hằng năm tính được sẽ là trên 25.000 giờ bay, gần bằng với tuổi thọ sử dụng của một chiếc máy bay Airbus A330 với thời giá hiện nay là 175 triệu USD.
Kèm theo thời gian bay kéo dài đó, các chuyến bay đã phải tiêu tốn hết hơn 60.000 tấn nhiên liệu. Các hãng hàng không phải trả tiền lương 25.000 giờ bay cho phi công ngoại, chi phí cho phi công, tiếp viên, nhân viên bay... tổng cộng những khoản chi phí này lên tới khoảng 300 triệu USD mỗi năm.
- Tiến sĩ Trần Đình Bá