Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần hồi 2h52 ngày 7/8 tại Hà Nội, do tuổi cao sức yếu.
Là người có gắn bó lâu dài với con đường binh nghiệp, đến năm 60 tuổi (1991), ông Lê Khả Phiêu mới vào Ban Chấp hành Trung ương. Ba năm sau, ông được bầu vào Bộ Chính trị, rồi Thường trực Ban Bí thư và được bầu giữ cương vị Tổng bí thư.
Không chỉ đơn thuần là "tướng trận mạc"
Chia sẻ về trường hợp của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, ông Vũ Quốc Hùng cho biết đây là nhân sự “khá đặc biệt” khi 60 tuổi mới vào Trung ương, nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn đã vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được bầu làm Tổng bí thư.
Khi ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, ông Vũ Quốc Hùng là Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm việc. Nhớ lại việc ông Lê Khả Phiêu trở thành Tổng bí thư vào năm 1997, ông Hùng nhắc đến bối cảnh giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, có nhiều vấn đề đặt ra cả về lý luận và thực tiễn đối với Việt Nam.
"Tôi khá bất ngờ khi anh Phiêu làm Tổng bí thư vì anh ấy vốn là tướng lĩnh quen trận mạc, chỉ huy ở các chiến trường. Trong hoàn cảnh lúc đó, chọn người lãnh đạo để đảm đương sự nghiệp của Đảng, Trung ương phải nâng lên, đặt xuống", ông Hùng nói.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người ghi dấu ấn trong lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: Trường Sơn. |
Nhấn mạnh xuất thân tướng quân đội, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhưng ông Hùng cho rằng đã có những “cuộc tập dượt” dành cho ông Lê Khả Phiêu bằng việc để ông tham gia Thường trực Bộ Chính trị.
Hơn nữa, vì đã có thời gian làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nên nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu luôn chú ý đến những vấn đề về tư tưởng chính trị.
Ông Hùng đánh giá nguyên Tổng bí thư khi được giao giữ cương vị đứng đầu Đảng đã rất chịu khó, cầu thị. Trong số nhiều vấn đề quan trọng, nguyên Tổng bí thư đã tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Ông là người đã mang lại một luồng gió mới cho xây dựng Đảng.
“Tôi ấn tượng về điều này khi thấy nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu quyết liệt đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới gắn với tiền - hàng - cơ chế thị trường. Ông là người luôn lắng nghe và bằng năng lực thực tiễn đã đề xuất nhiều vấn đề quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, ông Hùng nói.
“Linh hồn” của Nghị quyết Trung ương 6 lần 2
Trong giải quyết vấn đề kiểm tra, kỷ luật Đảng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được đánh giá khách quan, không thiên vị ai, luôn tạo điều kiện cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc theo tinh thần “không có vùng cấm”.
“Có lần, ông dẫn đầu đoàn công tác đến giải quyết vấn đề mất đoàn kết ở tỉnh Hà Tĩnh. Đi cùng ông có đoàn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên ông giới thiệu ngay, tạo thế cho chúng tôi để kiểm tra nội dung này”, ông Hùng kể.
Nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Hùng cho rằng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là linh hồn của Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng (Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 2/2/1999); trong đó có yêu cầu các cấp ủy Đảng và người đứng đầu các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng nơi mình phụ trách.
Theo ông Hùng, Nghị quyết đã tạo nền móng để sau này tiếp tục xây dựng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có công lớn chăm lo, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện đất nước bắt đầu đổi mới với đầy rẫy khó khăn, thách thức.
Ngay khi được bầu làm Tổng bí thư, ông Lê Khả Phiêu đã chọn đúng nội dung đột phá, đó là chỉnh đốn Đảng ngay, thực hiện kiểm điểm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, phát động phong trào tự phê bình và phê bình…
Đến lúc về hưu, ông vẫn quan tâm đến vấn đề này khi luôn theo dõi, cập nhật thông tin, có nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng.
“Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người luôn cầu thị, gần gũi với mọi người, luôn lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến. Trước lời phê bình của dư luận, ông luôn bình tĩnh, không bao giờ bực bội. Đó là bản lĩnh của một vị tướng, của người lãnh đạo”, ông Hùng đánh giá.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sinh năm 1931, quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Trưởng thành từ một binh nhì, ông dần nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong quân đội như Chủ nhiệm Chính trị, Phó tư lệnh Chính trị mặt trận 719; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trên con đường sự nghiệp chính trị, ông cũng lần lượt được giao nhiều trọng trách quan trọng. Tháng 6/1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Một năm sau, ông được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Bí thư Trung ương Đảng.
Tháng 1/1994, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Hai năm sau, tại Đại hội VIII của Đảng, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị.
Ngày 26/12/1997, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), ông Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng bí thư và giữ cương vị này đến tháng 4/2001.