Mãi đến tận 12h trưa 15/10, khi những đợt gió bớt gào rú và những giọt mưa bắt đầu thưa dần thì gia đình bà Nguyễn Thị Ngát, phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) mới dám mở nhỏ cánh cửa để ra ngoài.
Bà Ngát kể, từ chiều ngày 14/10, gia đình đã mua dây thép chằng kéo nhà cửa cẩn thận với hi vọng sẽ ngủ ngon giấc. Nhưng không ngờ đến khoảng 12h đêm, những đợt gió mạnh thúc liên hồi.
“Tôi nằm trên gác nghe gió thổi mà cứ ngỡ như tiếng máy bay gào thét. Cường độ cơn bão này mạnh hơn nhiều so với cơn bão Xangsane năm 2006”, bà Ngát nhớ lại rồi chỉ tay về phía mái tôn - nơi cơn bão đã thổi bay từ lúc 2h sáng ngày 15/10 nói tiếp: "Chỉ trong chốc lát, nước mưa xối xả vào ngôi nhà trống hoác. Rất may, khi chiều tôi cảnh giác nên đã đem toàn bộ vật dụng cất vào nhà trong nên không bị ướt”.
Gió thổi bay mái tôn của nhà dân. |
Không may mắn như bà Ngát, tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, ngôi nhà kiên cố của bà Huỳnh Thị Thu Hoa (trú tổ 15) bị tốc mái hoàn toàn. “Gió rít cả đêm nên mọi người trong nhà đều không ngủ được, tập trung ở tầng 1. Đến 5h30 sáng, gió đánh càng mạnh, chúng tôi đang ngồi thì toàn bộ mái nhà ở tầng 2 bị bão thổi bay. Tất cả đồ đạc, áo quần đều bị mưa ướt sạch, hư hết”, bà Hoa kể.
Chị Nguyễn Thị Thanh, sống trên đường Nguyễn Tất Thành, kể: "Chừng 2h sáng, khi gió rít liên hồi, tôi nhìn qua kính cửa sổ thì thấy cột sóng biển dâng cao khoảng 4m. Gió rít liên tục khiến cây gãy đổ, trụ điện ngã nghiêng, tôn từ các mái nhà bay tung tóe dưới làn mưa. Sóng biển không còn ầm ào mà đánh vào bờ bằng những tiếng nổ đì đùng hung dữ. Suốt đêm qua, cả 5 người trong gia đình tôi đều không dám chợp mắt".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết dù đã được báo từ nhiều ngày trước và đã chuẩn bị nhiều phương án phòng chống nhưng do cơn bão số 11 bất ngờ ập vào đất liền lúc 1h sáng nên gây thiệt hại rất lớn cho các tỉnh miền Trung. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại ban đầu đã có 3 người chết, 3 người mất tích và 11 người bị thương. Có hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, sập và ngập sâu trong nước.
Những tin nhắn hoảng hốt trong đêm bão dồn dập
Trong đường dây nóng trực bão có hàng chục tin nhắn cập nhật thông tin của bạn đọc từ miền Trung gửi về, trong đó không ít những lời hốt hoảng vì bão quá dữ dội.
23h khuya ngày 14/10, thời điểm gió giật mạnh ập vào các tỉnh miền Trung, chúng tôi nhận được tin nhắn của một bạn đọc từ Đà Nẵng: "Hiện tại ở Nam ô gió to quá mấy anh ơi. Nằm trong phòng trọ mà không dám ngủ. Mái tôn cứ nhảy rầm rầm. Gió lúc này không khác già siêu bão năm 2006 đánh vào Đà Nẵng. Mong mọi nhà đều được an toàn".
Khi cơn bão chuẩn bị đổ bộ, toàn TP.Đà Nẵng chìm trong bóng tối vì cúp điện, ngoài trời thì gió rít từng cơn khiến cho người dân càng thêm lo sợ, nhất là những sinh viên sống ở phòng trọ một mình. Một bạn đọc ở số 018671... nhắn tin: "Bão chưa vô bờ mà đã ảnh hưởng rất lớn. Điện cúp toàn TP, gió rít mạnh, không dám ngủ. Mong sao bão hạ cấp". Thời điểm này, tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) gió cũng thổi mạnh. Và ngay lập tức, bạn đọc ở số 0985515... gửi thông về đường dây nóng.
Bạn đọc cập nhật thông tin gửi về tòa soạn. |
Thời điểm 0h sáng ngày 15/10, gió bắt đầu thổi mạnh hơn, mưa nặng hạt. "Cả TP chìm trong bóng tối. Gió bây giờ giật liên tục và rất mạnh. Mình không dám đứng ở ngoài lâu. Chỉ biết ngoài màn đêm kia là một thứ âm thanh hỗn độn. Cả Đà Nẵng sẽ thức trắng cùng bão", bạn đọc ở số 0165902... nhắn tin. Trước đó, bạn đọc này cũng thông tin quận Hải Châu bị cúp điện, những nhà có mái tôn bị hất tung, bay phần phật trong đêm tối.
Lúc 1h sáng, trong khi mọi người di chuyển đến nơi an toàn thì cũng có nhiều bạn sinh viên ngủ lại phòng trọ. Khi tâm bão đi qua, gió thổi bay mái tôn khu trọ thì mới... hối hận. Bạn sinh viên ở số 0905309... nhắn tin: "Em đang ở khu vực quận Liên Chiểu. Phòng trọ không có cửa sổ nên mưa đã ướt cả giường nằm. Mái tôn trên đầu chắc không trụ vững nữa rồi. Biết rứa hồi chiều lên trường Bách khoa để trú bão cho yên tâm".
Còn bạn sinh viên ở số 0120592... thì cho biết lúc 3h sáng: "Ở Hòa Khánh Bắc không một sinh viên nào dám ngủ. Ngoài trời tối thui, gió giật mạnh. Thỉnh thoảng có tiếng va đập lớn làm tin muốn rớt ra ngoài. Còn lo lắng cho mẹ già ở Huế không biết giờ này ra sao".
Càng về sáng, những tin nhắn không chỉ là thông báo, cập nhật tình hình mà còn hỏi dồn dập khi nào bão tan, bao giờ có điện. "Gió giật mỗi lúc một mạnh hơn, mái tôn cứ đập lên đập xuống. Chưa có khi nào tôi sợ hãi như thế này. Điện lại mất, sóng điện thoại lúc có lúc không, nếu mất sóng thì khi có chuyện không biết liên lạc với ai và như thế nào nữa", bạn đọc ở số 01699... viết.
Không những nhắn tin, nhiều bạn đọc ở Huế, Quảng Nam gọi vào đường dây nóng để hỏi bao giờ bão đến? hiện bão số 11 đã đến đâu rồi? sao không thấy điện mở? Người trực trở thành người dự báo bão... bất đắc dĩ và căn cứ trên bản tin dự báo thời tiết để thông báo lại cho bà con và không quên động viên để bà con bớt sợ.