Từ hơn 8h giờ sáng, lực lượng canh gác bắt đầu cho người dân vào viếng mộ Đại tướng. Rất nhiều người dân đã có mặt từ sáng sớm để chờ đón giây phút này. Thậm chí có nhiều người vượt hàng trăm km ngủ qua đêm tại nhà người dân địa phương để chờ sáng ngày được lên tận mắt nhìn mộ Người.
Từ hơn 8h sáng, lực lượng canh gác bắt đầu cho người dân vào viếng mộ Đại tướng. Ảnh Lê Hiếu |
Cô Nguyễn Thị Hòa, trú tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, ôm bó hoa rừng, đứng trước mộ Đại tướng khóc nấc gọi tên người: “Đại tướng ơi! Đại tướng ơi! Đại tướng vì dân vì nước, Đại tướng về đây cho chúng con được ở cạnh người, được hương khói cho người mỗi sớm”. Trằn trọc cả đêm không ngủ vì Đại tướng đã về ở cạnh nhà nhưng vẫn chưa viếng mộ Đại tướng được, sáng nay cô dậy rất sớm tìm hoa trong rừng, cắt những bông đẹp nhất để đến viếng Người.
“Gia đình tôi đã lập bàn thờ Bác Hồ từ lâu nay. Bây giờ Đại tướng về đây, lập thêm bàn thờ Người ngay cạnh. Mỗi ngày rằm, mồng một hàng tháng, không khi nào bàn thờ nhà tôi thiếu hương, hoa dành cho Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Hình ảnh xúc động nhất có lẽ là hình ảnh cụ Tưởng Đỉnh năm nay 85 tuổi, một tay chống gậy, tay kia chống lưng, cụ đi bộ từ nhà ở thôn Thọ Sơn (xã Quảng Đông) lên viếng mộ Đại tướng. Leo đến lưng chừng dốc núi Thọ, cụ Đỉnh tựa vào cây lấy lại sức: “Cụ mến mộ Đại tướng lắm. Hôm qua người đông cụ không đi thăm Đại tướng được, sáng nay phải gắng sức lên thăm bằng được Đại tướng”.
Cụ Tưởng Đỉnh, 86 tuổi vẫn cố gắng chống gậy leo lên núi để được viếng mộ Đại tướng. Cụ cho biết hôm qua người đông cụ không đi thăm Đại tướng được, sáng nay phải gắng sức lên thăm bằng được. |
Không được thuận lợi như người dân Vũng Chùa-Đảo Yến, nhiều người dân ở xa nghe tin Đại tướng về đây an nghỉ đã lặn lội đường xa về thắp hương cho người. Hai mẹ con bác Đinh Thị Sỹ (68 tuổi) đi xe máy vượt 300 km từ Thiệu Hóa (Thanh Hóa) vào tiễn đưa Đại tướng.
“Từ 3 giờ sáng 13/10, hai mẹ con tôi vào đây tiễn người. Đi không ăn không nghỉ mãi đến trưa mới đến. Tối qua, nhờ bà con Vũng Chùa-Đảo Yến tốt bụng mà hai mẹ con có chỗ nghỉ nhờ. Trước kia, chồng tôi là bộ đội lái xe ở đường Hồ Chí Minh. Ngày ông còn sống, ông luôn kể đến vị tướng của dân tộc và chỉ mong muốn được gặp Đại tướng. Do đó, khi Đại tướng mất, tôi vào đây thực hiện di nguyện cho chồng”, bà Sỹ nói.
Người dân quỳ lạy, khóc trước mộ Đại tướng. |
Còn đoàn phật tử 100 người ở Hà Nội đang đi cứu trợ bão lụt ở Quảng Bình nghe tin cũng đến viếng một Đại tướng. “Hôm qua chúng tôi đưa tiễn Đại tướng nhưng đông người quá không vào được. Tối quá ngủ lại thêm một đêm ở vùng đất nơi Đại tướng an nghỉ, nghe tiếng sóng vỗ mà không nguôi thương nhớ Đại tướng. Chúng tôi phải vào viếng Đại tướng mới có thể xuôi lòng về nhà được”, bác Trần Thị Nam, 83 tuổi ở trong đoàn phật tử cho biết, “Không thể nói hết tình cảm của chúng tôi dành cho Đại tướng được. Khó khăn thế nào chúng tôi cũng phải đến thăm Đại tướng. Năm ngoái, chúng tôi đã vào quê hương Đại tướng tặng quà, làm từ thiện”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng đoàn đáp máy bay xuống Vũng chùa viếng mộ Đại tướng vào sáng 14/10. |
Sáng 14/10, dòng người vào viếng mộ Đại tướng kéo dài không ngớt. Nhiều người con khắp Quảng Bình dậy sớm hơn thường lệ, xin phép cơ quan nghỉ một buổi sáng đầu tuần để viếng Đại tướng. Nhiều người ở xa đã nán lại thêm một đến để được tận mắt nhìn thấy nơi Đại tướng an nghỉ, để tận tay đặt bó hoa và vái lạy vị tướng vĩ đại của dân tộc.
Cũng trong sáng nay, Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng đoàn đã đáp trực thăng xuống Vũng Chùa để viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Được biết, trong đêm yên nghỉ đầu tiên tại đất mẹ, có 50 cán bộ, chiến sĩ quân đội được vinh dự giao nhiệm vụ canh gác giấc cho Người. Bên cạnh đó bộ phận điện lực cũng cử người túc trực suốt đêm để phục vụ ánh sáng. Theo dự kiến, trong những ngày tới sẽ liên tục có người về viếng mộ Đại tướng nên việc đảm bảo an ninh trật tự, điện chiếu sáng là rất quan trọng.