Bloomberg cho biết tổng số tiết kiệm tích lũy từ khi Covid-19 bùng phát đã đạt mức 2.300 tỷ USD ở Mỹ và gần 400 tỷ euro (khoảng 464 tỷ USD) ở khu vực đồng euro.
Sau khi các lệnh phong tỏa dần nới lỏng, số tiền gửi ở các ngân hàng châu Âu giảm nhẹ trong tháng 8, riêng ở Italy vẫn tăng, trong khi ở Mỹ không sụt giảm.
“Các gia đình trong khu vực đồng euro đã tích lũy được khoản tiết kiệm khổng lồ trong thời gian đại dịch - thời điểm chi tiêu giảm và trợ cấp chính phủ tăng. Dù hiện tại người dân chưa chi tiêu nhiều, khoản tiết kiệm trên sẽ giúp họ thanh toán chi phí năng lượng tăng cao", bà Maeva Cousin, chuyên gia kinh tế châu Âu, cho biết.
Dù vậy, nhu cầu tiêu dùng thấp có thể khiến các doanh nghiệp khó tăng giá hàng hóa để cải thiện doanh thu.
Người dân phương Tây chưa sớm chi tiêu khoản tiền tiết kiệm được trong suốt đại dịch. Ảnh: Kantar. |
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã sớm cảnh báo người dân sẽ "chưa vội chi tiêu" khoản tiền họ tích lũy trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn trông đợi vào khả năng phục hồi tăng trưởng dựa trên thúc đẩy tiêu dùng.
Hiện tại, nghiên cứu tâm lý tiêu dùng của Ủy ban châu Âu (EC) chưa cho thấy triển vọng bùng nổ các giao dịch lớn. Người dân Anh vẫn thận trọng và muốn tiết kiệm, trong khi tâm lý tiêu dùng sụt giảm suốt mùa hè qua tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lo ngại về khả năng bùng phát của đại dịch, tốc độ hồi phục và triển vọng việc làm là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng của người dân, bên cạnh một số đặc điểm về nhân khẩu.
ECB cho biết thói quen tiêu dùng đã thay đổi theo hướng tích cực từ năm 2020. Dù vậy, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, tình trạng khan hiếm hàng hóa vẫn khiến việc chi tiêu gặp khó khăn.