Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết việc người dân phản ứng như ở trạm BOT Cai Lậy là điều đã được dự báo trước.
Là Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng nguyên nhân xảy ra các “điểm nóng” BOT trên cả nước thời gian qua là do sự phối hợp chưa tốt, đổ lỗi cho nhau giữa trung ương và địa phương.
Che giấu lưu lượng xe qua trạm BOT
- Thời gian qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã vào kiểm tra rất nhiều dự án BOT trên cả nước. Từ góc độ giám sát của Quốc hội, ông thấy vấn đề này thế nào?
- Qua giám sát điểm tại 17 tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, đoàn giám sát chỉ ra 13 hạn chế, bất cập.
Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Công Khanh. |
Trong đó, đa số dự án sau khi triển khai, khi kiểm toán vào thì phải điều chỉnh dự toán phê duyệt trung bình gần 11%. Làm cầu đường thì lẽ ra chi phí xây dựng phải là chủ yếu nhưng thực tế các chi phí khác như dự phòng, lãi vay, quản lý dự án, giải phóng mặt bằng lại chiếm tỷ lệ khá lớn, đến 20-30% tổng mức đầu tư. Điều này làm tăng thời gian cũng như phí dịch vụ, gây bức xúc dư luận.
Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng còn bất cập. Tuyệt đại đa số các dự án BOT giao thông vừa qua là chỉ định thầu. Chỉ một trường hợp là chọn được bằng đấu thầu. Có thể có khó khăn khách quan, nhưng rõ ràng là thiếu cạnh tranh.
Có lẽ nóng nhất, gay gắt nhất là thu phí. Các điểm nóng BOT vừa qua đều vì chuyện này. Nơi thì đặt trạm thu phí ngoài phạm vi dự án, nơi khác cho thu phí cả đường cũ, chạy song song với đường BOT để thu hồi vốn.
Cai Lậy gần giống như vậy. Đầu tư BOT một chút ở quốc lộ 1 cũ rồi kết hợp thu phí cả hai để thu hồi vốn cho cả đường tránh…
Ông Kiên khẳng định sự việc ở trạm BOT Cai Lậy đã được dự báo trước. Ảnh: Thanh Tùng. |
Các dự án BOT không phải là xây dựng tuyến đường mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều đoạn giao cắt đồng mức, nên khó thu phí và gây phiền toái, thậm chí là thiếu công bằng cho người dân sở tại khi hàng ngày phải đi lại nhiều lần qua khu vực đặt trạm.
“Trong hàng chục dự án BOT triển khai ồ ạt chắc chắn không tránh khỏi có những dự án có vấn đề. Còn cái nào tiêu cực, tham nhũng phải chờ cơ quan điều tra”.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Quản lý nhà nước về thu phí đang còn nhiều kẽ hở nên chủ đầu tư có thể che giấu lưu lượng thực tế.
- Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Hiện cách kiểm tra, giám sát chủ yếu vẫn trên sổ sách, báo cáo của chủ đầu tư mà không có sự tham gia của thuế vụ, công an và giám sát của người dân.
Vừa rồi, Tổng cục Đường bộ đã phát hiện số thu bình quân ở BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là 1,97 tỷ đồng/ngày, cao hơn nhiều so với con số báo cáo 1,2 tỷ. Đã có mấy vụ gian lận vé ở trạm thu phí Đại Yên, rồi trạm thu phí trên quốc lộ 5 phải chuyển công an điều tra.
Việc người dân phản ứng đã được dự báo
- Ông nhận xét như thế nào về việc người dân phản đối gay gắt việc thu phí trước đây là ở Bến Thủy (Nghệ An), Cầu Rào (Hà Tĩnh), mới nhất là Cai Lậy (Tiền Giang)?
- Người dân phản ứng như vậy là chính đáng. Đây là điều có thể dự báo, thấy trước được.
Lẽ ra các Bộ GTVT, Tài chính, chủ đầu tư phải chủ động có phương án thu phí hợp lý với cư dân, mà chủ yếu là người có ôtô hoặc kinh doanh vận tải bằng ôtô. Nếu chủ động ngay từ đầu thì đã không xảy ra điểm nóng BOT Bến Thủy.
Tại BOT Cai Lậy, tôi cho rằng phản ứng chủ yếu đến từ giới kinh doanh vận tải địa phương. Họ muốn né phí bằng cách đi vào quốc lộ 1 cũ xuyên qua thị xã. Né thế là không nên, vì mục đích của đường tránh là giảm tải, giảm ùn tắc cho đường nội thị…
“Dự án giao thông nào chẳng phải có đề nghị của địa phương. Vụ Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nói không biết gì cả là không sòng phẳng”.
Ông Nguyễn Đức Kiên nói
- Người dân đã đóng thuế, quỹ bảo trì đường bộ họ có quyền lựa chọn giữa đường BOT và đường đầu tư bằng ngân sách chứ?
- Thực tế ngân sách của ta là vô cùng khó khăn. Ngay như quỹ bảo trì đường bộ, mấy năm gần đây kinh tế khấm khá, phương tiện giao thông tăng trưởng nên mới thu được cỡ 10.000 tỷ đồng/năm.
Con số này vô cùng ít ỏi, thậm chí chẳng đủ cho dặm vá, bảo trì, duy trì chất lượng công trình giao thông.
Các dự án BOT vừa rồi đã làm hơn được thế rất nhiều. Đó là đầu tư nâng cấp mặt đường để tăng tải trọng, hoặc mở rộng được mặt cắt ngang. Việc thu phí hoàn trả kinh phí nâng cấp mặt đường như vậy không phải giờ mới làm.
- Người dân phản ứng tại BOT trên quốc lộ 1 ở An Giang, ôtô đi nhờ chỉ 500 m rồi rẽ sang đường khác về phía Kiên Giang phải nộp phí như sử dụng mấy chục km. Ông có biết chuyện này?
- Đó là lỗi của chủ đầu tư. Lẽ ra ngay từ đầu họ đã phải có giải pháp khắc phục bất cập ấy chứ đừng đợi dân phản ứng. Vừa rồi, họ đã thiết lập hệ thống hai thẻ, một để thu phí, một miễn phí nếu chỉ đi nhờ qua…
- Qua những vụ việc người dân phản đối thu phí ở nhiều địa phương, theo ông các bộ ngành cần phải rút ra kinh nghiệm gì?
- Tôi thấy rằng hiện tượng địa phương, Trung ương thiếu phối hợp, thậm chí đổ lỗi cho nhau rất nhiều.
Tôi từng luân chuyển công tác về tỉnh, thấy rõ là dự án giao thông nào chẳng phải có đề nghị của địa phương, thậm chí là gây áp lực để Trung ương làm. Thế mà vụ Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lại nói không biết gì cả. Như vậy là không sòng phẳng.
Tôi cho rằng những điểm nóng BOT vừa qua là có thể hóa giải được, nếu địa phương, Trung ương phối hợp chặt chẽ, có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
- Liệu có tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong các dự án BOT như người dân đặt nghi vấn?
- Trong hàng chục dự án BOT triển khai ồ ạt như vậy, không tránh khỏi có những dự án có vấn đề. Như BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thanh tra Chính phủ đã kết luận là sai. Chúng tôi khi giám sát cũng nói thẳng là sai.
Còn cái nào tiêu cực, cái nào tham nhũng thì phải cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán mới kết luận được.