Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông sành sỏi quạt cổ nhất Sài Gòn

Hỏi ông chủ quán cà phê, tôi mới biết khi xưa ông làm nghề bán quạt cổ trên đường Lê Công Kiều mà tên tuổi của tiệm đã vượt xa khỏi biên giới Việt Nam.

Quán cà phê của "ông vua" quạt cổ

Góc quán quen tôi hay ghé khi có dịp đi qua cầu Thị Nghè lọt thỏm trong con hẻm dài chừng 20 thước. Tôi là người vốn yêu cái cầu kỳ và trầm mặc của Sài Gòn hoa lệ. Nên thay vì tìm kiếm những của hiệu san sát nhau đầy hào nhoáng, tôi lại thường đi sâu vào những con hẻm lâu đời, đầy quen thuộc ở đây, một nét đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có.

Ông Hà Văn Ngọc vui vẻ kể lại kỷ niệm gắn với nghề làm quạt cổ.

Dịp tình cờ, tôi kiếm được một quán café nhỏ với biển hiệu tiếng Pháp đơn giản là Merci. Cũng tại nơi đó tôi gặp ông chủ quán dáng người nhỏ con, mái tóc dày nhưng sợi bạc đã gần phủ kín. Ông tạo cho tôi cảm giác thân thuộc của người Sài Gòn, và qua vài lần bắt chuyện tôi mới biết ông từng là chủ tiệm đồ cổ Ngọc Hà nổi tiếng ở đường Lê Công Kiều (quận 1).

Ông giới thiệu họ tên đầy đủ Hà Văn Ngọc, cùng vợ là bà Hồng Kim Hà được xem là những người mở quán bán đồ cổ đầu tiên ở đường Lê Công Kiều. Theo ông, gọi là đồ cổ cho sang, chứ thật ra ban đầu nơi đây chỉ bán đồ cũ ở lề đường, xuất phát điểm là vài tiệm đầu những năm 1980. Khi đó, gần như tất cả các mặt hàng được mua bán trao đổi hết sức đơn giản theo nhu cầu người mua hàng là chủ yếu.

Đến khoảng năm 1995 thì đa phần các hàng quán ở đây đều có cửa hiệu đàng hoàng. Phố Lê Công Kiều mặc nhiên cũng trở thành nơi bán đồ cổ nổi tiếng ở Sài Gòn. Là nơi lui tới thường xuyên không chỉ của dân mê đồ cổ, mà còn cả của những người ngoại quốc muốn tìm những món đồ đẹp, độc, lạ.

Tiệm Ngọc Hà ban đầu cũng như nhiều quán khác trên đường Lê Công Kiều. Tuy nhiên, do có người em trai rành về cơ khí nên ông Ngọc xác định mặt hàng chủ đạo là quạt, đèn, máy may,… Nhưng bán chạy nhất vẫn là quạt trần, vì đây là loại hàng nhà nào cũng cần, đặc biệt các loại quạt trần cũ của nước ngoài luôn tạo được sự tin tưởng đặc biệt với khách hàng bởi độ bền và sự im lặng gần như tuyệt đối khi vận hành.

Tiệm Ngọc Hà trở nên nổi trội hơn bởi các đơn đặt hàng quạt trần, các thương lái cũng quen mối, khi thu được mặt hàng này từ ve chai, tiệm đồ cũ,… lập tức liên lạc với ông Ngọc để thương lượng giá cả.

Chiếc quạt trần cỡ lớn nhìn khá hầm hố nhưng khi vận hành không phát ra tiếng động nào.

Ông Ngọc cho biết thêm, dù chiếc quạt có hư đến đâu cũng có thể thu vào được một vài bộ phận để sửa và bảo hành phụ tùng cho sản phẩm cũ. Vì một số bộ phận rất khó kiếm được phụ tùng tương xứng để thay thế trên thị trường. Dù đã lớn tuổi nhưng ông chủ vẫn nhớ rõ các thương hiệu quạt trần cổ nổi tiếng các nước được khách hàng ưa chuộng như: Eole (Pháp), Emi (Hà Lan), Schoeller (Đức), Marelli (Ý).

Để chơi được quạt cổ cũng cần lắm công phu, giá của một chiếc quạt bình thường loại nhỏ rơi vào tầm giá khoảng 3 – 7 triệu/chiếc. Nhưng với phòng diện tích lớn thì cần loại quạt lớn hơn với giá từ 20 – 30 triệu/chiếc. Để gắn được quạt lên trần cần gia cố chắc chắn vì trọng lượng quạt đôi khi lên đến 30 – 35 kg. Nếu đặt đơn hàng khoảng 4 – 5 chiếc, giá có thể lên tới hơn 100 triệu đồng.

Những vị khách đặc biệt

Không kể đến những khách hàng là các diễn viên, ca sỹ như: Hồng Nhung, Thanh Lam, Quang Linh,… Ông Ngọc vẫn còn nhớ như in đơn hàng của tài tử điện ảnh Hồng Kông – Trương Gia Huy mua quạt trần, quạt bàn và điện thoại.

Ông cũng cho biết uy tín mà Ngọc Hà có được còn do chính sách bảo hành chu đáo của tiệm. Quạt trần mua được ban đầu, ông làm lại rất kỹ lưỡng mới giao cho khách nên nếu có hỏng hóc tiệm sẽ phục hồi với chi phí rẻ, nhưng hầu như rất ít khách hàng phàn nàn về chất lượng các sản phẩm ở tiệm.

Quán café tập trung những món đồ cổ đẹp và lạ mắt.

Ông vẫn còn nhớ gia đình Tổng giám đốc Elf Gaz đến mua quạt trần, hơn chục năm sau gặp lại vẫn khen chất lượng số quạt họ đã mua. Hay một vị khách trẻ được bạn giới thiệu đến tiệm sau thời gian mua một cây quạt về dùng đã nói với ông: “Con mong chiếc quạt mua ở tiệm chú phát ra tiếng kêu để cháu có thể đến tiệm bảo trì và sơn lại màu mới nhưng đến giờ vẫn không nghe được tiếng động gì!”.Ông Ngọc cười nói với khách: “Nếu cháu muốn làm lại màu mới, cứ mang đến đây chú làm cho không tính phí”.

Ông Ngọc cũng không khỏi ngạc nhiên khi nhiều khách nước ngoài dù mua đồ ở tiệm khác do không tìm thấy món đồ đó ở tiệm của ông, nhưng vẫn mang lại nhờ ông đóng gói hàng giúp, ban đầu ông không nhận, nhưng khách hàng năn nỉ: “Chỉ có chỗ anh đóng hàng thì tôi mới yên tâm. Vì tiệm anh đóng hàng rất kỹ, không bị hư hại khi vận chuyển xa”.

Ông Ngọc cũng kể tên một số nhà hàng, khách sạn lớn đã sử dụng sản phẩm quạt của tiệm như: Khách sạn Continental, nhà hàng Ngọc Sương…

Khách hàng nước ngoài làm việc ở các cơ quan ngoại giao, công ty quốc tế cũng rất yêu thích mặt hàng quạt trần của tiệm Ngọc Hà. Trong số đó có vị khách người Na Uy để lại cho ông ấn tượng hết sức đặc biệt. Vị khách này khá lớn tuổi, ăn mặc giản dị và chỉ thường đi bộ trên phố Lê Công Kiều, khi lần đầu tới mua quạt khách giới thiệu mình tên Gens Otterbech.

Ông Otterbech yêu cầu mua một cây quạt loại lớn và tốt nhưng hỏi liệu có thể giao hàng trong ngày mai lúc 11h không. Ban đầu ông Ngọc không nhận vì đơn hàng theo quy trình thường phải làm trong một tuần. Tuy nhiên, ông Otterbech trình bày lý do ngày mai là trở về Na Uy nên ông Ngọc thông cảm nhận lời.

Ngày hôm đó tất cả nhân viên của tiệm đều tập trung làm cây quạt trần theo đơn đặt hàng. Sản phẩm được hoàn thành xong trước giờ hẹn chỉ khoảng hơn 2 tiếng. Đúng 11h khách đến nhận hàng, ông Ngọc nói: “Tôi đã hoàn thành và giao hàng đúng như đã hẹn nhưng ông nên cẩn thận lúc vận chuyển vì lớp sơn mới vẫn chưa khô hoàn toàn”.

Những chiếc quạt để bàn cổ được ông Ngọc trưng ở những nơi dễ thấy nhất.

Ông Otterbech dành rất nhiều lời khen cho đơn hàng đầu tiên này, cũng từ đó ông trở thành khách ruột, đồng thời là người dắt mối cho tiệm. Ông Otterbech rất ít khi giới thiệu về mình, ông Ngọc cũng không tiện hỏi khách nên lai lịch của ông Otterbech có lẽ sẽ mãi là bí ẩn nếu không có ngày ông nhờ một người Việt làm việc cùng đến lấy hàng. Khi đó ông Ngọc mới biết ông Otterbech là Đại sứ Na Uy ở Hà Nội, lúc hết nhiệm kỳ ở Việt Nam ông Otterbech cũng cố gắng quay lại phố Lê Công Kiều đề chào tạm biệt ông Ngọc.

Tìm niềm vui lúc tuổi xế chiều

Đã trải qua bao thăng trầm của nghề làm quạt trần ở phố Lê Công Kiều, ánh mắt ông Ngọc vẫn ánh lên niềm vui khi kể về công việc thời còn trai trẻ. Giờ đây đã lớn tuổi, các con không còn muốn theo nghề cũ, ông nảy ra ý định mở một quán café đồ cổ làm nơi giao lưu với những người cùng sở thích.

Không gian quán tại những vị trí trung tâm là hai loại đồ mà ông Ngọc mê sưu tầm nhất: quạt trần và máy hát. Ông kể cho tôi về những chiếc máy hát ông có, với đủ các kích cỡ, mà đa số phải quay tay để lên dây cót, mới hát được. Trong những máy hát ông cho tôi xem có chiếc máy hát lớn ngang chiếc bàn làm việc, chiếc thì có thể xách tay bởi gấp nhỏ được, bỏ gọn vào ba lô du lịch. Tất cả chúng đều chạy bằng đĩa than, loại đĩa mà ông thường nói vui: “Nếu muốn có đĩa thuộc loại hàng “độc” có khi giá trị còn hơn cả chiếc máy hát”. 

Chiếc máy hát phải quay tay (lên dây cót) chạy bằng đĩa than có tuổi đời hơn 100 năm.

Cũng như quạt, phụ tùng máy hát thường rất khó kiếm, ông Ngọc luôn thủ sẵn cho mình một số phụ kiện thay thế như kim máy hát. Vì kim chỉ chạy đúng với loại máy của nó. Ngay cả việc tháo lắp cũng không đơn giản, chẳng hạn như chiếc máy hát xách tay. Chỉ cần không nhớ các bước xếp theo trình tự thì sẽ không đóng nắp hộp của thiết bị được. Đó là chưa kể việc lắp sai rất dễ làm gãy, hư một số linh kiện.

Vì yêu thích máy hát nên với những chiếc máy hiếm ông Ngọc đặc biệt yêu thích, chỉ lấy ra cho những người quen thân xem chứ không bán. Ông cho biết, đã từng có người trả ông vài trăm triệu cho một chiếc máy hát cổ nhưng ông từ chối, bởi ông xem chúng như những đứa con tinh thần khi tuổi đã xế chiều!

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=882&id=531871

Theo Đồng Thần/Công an TP.HCM

Bạn có thể quan tâm