CNN cho biết một người đàn ông 31 tuổi đã thiệt mạng hồi tuần trước sau khi bị chẩn đoán nhiễm vi khuẩn ăn thịt người khiến ông này bị viêm cân mạc hoại tử.
Nạn nhân là ông Josua Zurita, từng giúp đỡ người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Harvey sửa chữa nhà cửa sau lũ lụt. Ông này đến bệnh viện ngày 10/10 sau khi tay trái bị nhiễm trùng nghiêm trọng.
Bão Harvey gây lụt kinh hoàng tại Mỹ. Ảnh: Getty. |
Trước đó, một phụ nữ 77 tuổi mang tên Nancy Reed cũng bị tấn công bởi loài vi khuẩn tương tự sau trận lũ lụt lịch sử do bão Harvey. Bà đã qua đời hồi tháng 9.
Những con vi khuẩn chết người trong cơn bão cũng khiến ông J.K.Atkins bị nhiễm trùng sau khi đi thuyền qua vùng nước lũ để kiểm tra tình hình. Khác với hai nạn nhân trên, ông may mắn sống sót.
"Chúng tôi bất ngờ vì ba trường hợp này, nhưng sau khi tiếp xúc với những công trình và người bị thương mà bị nhiễm khuẩn thì không quá bất ngờ...", bác sĩ Philip Keiser, làm việc tại cơ quan y tế hạt Galveston, cho biết.
Ông Keiser nhận định những vết thương do loài vi khuẩn ăn thịt người gây ra không phải là điều phổ biến. Số liệu thống kê cho thấy từ năm 2010, khoảng 700 đến 1.100 ca diễn ra mỗi năm trên toàn nước Mỹ.
Nhiều loại vi khuẩn có thể gây ra viêm cận mạc hoại tử. Sau khi xâm nhập vào cơ thể nạn nhân, chúng gây nhiễm trùng và lan nhanh, đặc biệt là tới những vết thương hở.
"Khi nó lan nhanh, nó sẽ xâm nhập vào khoảng giữa cơ bắp và da, giết chết dây thần kinh và mạch máu", bác sĩ Keiser nói.
Để phòng tránh tử vong, nạn nhân cần chăm sóc vết thương hở một cách kỹ lưỡng và sạch sẽ.
Trước đó, bão Harvey đổ bộ vào bang Texas của Mỹ hồi cuối tháng 8, cướp đi sinh mạng của 60 người, khiến 1 triệu người phải rời nhà cửa, phá hủy khoảng 200.000 ngôi nhà.
Harvey là cơn bão mạnh nhất Mỹ phải hứng chịu trong 12 năm qua, kể từ siêu bão Charley năm 2004. Thống đốc bang Texas nói cơn bão tồi tệ nhất tấn công bang này trong vòng 50 năm đã gây thiệt hại lên tới 180 tỷ USD, con số cao hơn cả thảm họa do bão Katrina gây ra năm 2005 (120 tỷ USD).