Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông mất một bên tinh hoàn do bị chẩn đoán nhầm

Sau ca mổ, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt nhưng không thể lấy lại viên tinh hoàn đã mất.

Mới đây, khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tiếp nhận bệnh nhân nam, 39 tuổi, chưa lập gia đình, trong tình trạng sưng đau tinh hoàn bên trái. Trước đó, bệnh nhân này xuất hiện cơn đau âm ỉ vùng bụng quanh rốn. Tuy nhiên, ông nghĩ đó là triệu chứng của bệnh đường ruột nên tới khám tại một phòng khám tư.

Tại đây, ông được chẩn đoán viêm dạ dày và kê đơn thuốc kháng sinh, giảm đau, bảo vệ niêm mạc dạ dày. Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân vẫn tiếp tục đau bụng âm ỉ, thậm chí lan xuống tinh hoàn. Lúc này, bệnh nhân thử chạm vào tinh hoàn bên trái thấy cứng chắc, rất đau và phải tới khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

nguoi dan ong mat tinh hoan anh 1

Do bị chẩn đoán nhầm thành viêm dạ dày và điều trị muộn, nam bệnh nhân mất vĩnh viên một bên tinh hoàn. Ảnh minh họa: Medical News Today.

Bác sĩ sau khi thăm khám chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn thừng tinh bên trái ngày thứ 2, phải mổ cắt bỏ tinh hoàn do bộ phận này đã hoại tử. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân hiện ổn định, chuẩn bị được ra viện và có hẹn tái khám sau một tháng nhằm đặt tinh hoàn nhân tạo.

Các bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính cho biết việc cắt bỏ tinh hoàn không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe chung của cơ thể. Tuy nhiên, việc này tác động nặng nề đến sức khỏe sinh sản và tình dục.

Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, nếu phát hiện sớm, phẫu thuật kịp thời, tinh hoàn của bệnh nhân sẽ được cứu. Đây là bệnh lý cấp tính do thừng tinh bị xoắn vặn nhiều vòng làm mất nguồn máu nuôi dưỡng tinh hoàn, dẫn đến thiếu máu và hoại tử.

Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, phổ biến nhất là độ tuổi dậy thì (13-19 tuổi). Thông thường, biểu hiện của bệnh là các cơn đau đột ngột, dữ dội, cấp tính ở bên tinh hoàn bị xoắn.

Tuy nhiên, một số trường hợp khởi điểm của cơn đau không xuất phát từ tinh hoàn mà là vùng bụng như trường hợp nói trên gây tâm lý chủ quan cho cả người bệnh và bác sĩ.

Thời gian thiếu máu lâu khiến tinh hoàn hoại tử nhiều hơn. Bệnh nhân đến sớm trước 6 giờ từ khi có triệu chứng đau cấp tính có khả năng giữ được tinh hoàn là 95%. Tuy nhiên, khi đến muốn quá 24 giờ, khả năng bảo tồn chỉ còn khoảng 10%.


Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân nam không nên ngại mà cần đi khám ngay khi có triệu chứng đau cấp tính tinh hoàn, vùng bẹn hoặc bụng dưới. Đặc biệt, người bệnh cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa nam học để được thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Căn bệnh mới có thể gây tử vong, chỉ nam giới mắc

Bệnh nhân mắc hội chứng VEXAS sẽ bị sốt không rõ nguyên nhân, phát ban trên da, ảnh hưởng tủy xương và thậm chí tử vong.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm