Ông Ove, 59 tuổi, bỗng một hôm nhận được lời đề nghị “Ông nghỉ ngơi một chút cũng tốt mà” từ chỗ làm hơn một phần ba thế kỷ ông trung thành gắn bó.
Vừa mất vợ cách đó 6 tháng, lại trở thành người thừa thải trong xã hội, ông lão ít nói, cộc tính, gàn dở và cay nghiệt này bèn tìm cách tự tử theo ‘phong cách Ove’: được chuẩn bị trước, tính toán tỉ mỉ để không làm phiền đến ai. Nhưng mỗi lần Ove bắt đầu thực hiện ý định thì luôn có một sự việc gì đó bất thình lình ập đến khiến ông phải tạm gác lại “thôi để mai”.
Hẳn nhiên, bạn cũng đoán được là, khi một người nuôi ý định rời bỏ cuộc sống mà lắm thứ trong đời cứ thản nhiên "làm phiền" anh ta thì kết quả là anh ta chẳng thế chết được! Một câu chuyện không quá bất ngờ về kết quả nhưng chi tiết dẫn đến nó quả thật đáng theo dõi.
Những trang sách về cuộc đời Ove dần hé mở, từ những ngày ông còn là cậu bé 9, 10 tuổi theo chân bố phụ việc trên đường ray xe lửa cho đến lúc gặp người phụ nữ của đời ông - bà Sonja.
Tác phẩm Người đàn ông mang tên Ove của nhà văn Fredrik Backman. |
Tiếng cười giễu nhại ‘thế hệ máy tính’, chuộng vật chất
Sẽ hơi quá lời nếu nói Người đàn ông mang tên Ove là cú tát vào thế hệ smartphone, phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, tông sùng chủ nghĩa tiêu dùng đến mức mất đi những kỹ năng cơ bản. Nhưng rõ ràng, những gì được nhìn qua đôi mắt ông già có phần gàn dở, nguyên tắc và bảo thủ ấy không phải không có lý.
“Ngày nay mọi người thay đổi đồ đạc của mình thường xuyên đến nỗi những bí quyết giữ bền các thứ trở thành thừa thãi. Không còn ai quan tâm đến chất lượng nữa.
Giờ đây mọi thứ đều được vi tính hóa, làm như người ta không thể xây nổi một căn nhà trước khi một tay tư vấn thiết kế nào đó trong chiếc áo sơ mi chật căng mở cái máy tính xách tay của hắn lên. Làm như đó là cách người ta xây nên Đại hý trường La Mã và các kim tự tháp Giza.
Chúa ơi, họ đã xây được cả ngọn tháp Eiffel vào năm 1889 trong khi ngày nay không ai vẽ nổi bản thiết kế căn nhà một tầng mà không bị gián đoạn vì phải chờ sạc pin điện thoại di động. Trong thế giới hiện tại, mọi thứ trở nên lỗi mốt trước cả khi chúng được phát minh ra.
Cả một đất nước đứng vỗ tay cho việc không ai còn có thể làm bất cứ cái gì một cách đúng đắn nữa và thoải mái vinh danh sự tầm thường. Không còn ai biết thay lốp xe, lắp một cái công tắc dimmer, lát vài viên gạch, trét matit một bức tường hay tự kê khai thuế.”
Trong đôi mắt của Ove, thế giới dường như đã sụp đổ kể từ cuộc đổ bộ của Internet, của chủ nghĩa tiêu dùng. Nó khiến đám đàn ông trở nên: “ba hoa mồm mép như thể cái gì cũng biết mà chẳng thể làm gì, râu ria tỉa tót, thay đổi công việc, vợ và ô tô tùy theo ý thích”. Ở thời của Ove, “Điều làm nên một người đàn ông không phải là lời nói mà chính là hành động của anh ta.”
Ông Ove tự hỏi: “Nếu cái gì người ta cũng có thể dùng tiền mua được thì còn gì là giá trị? Giá trị của một con người nằm ở đâu?”
Và ông lão càng không tài nào hiểu được “những người trẻ cứ luôn miệng ra rả về việc "tìm kiếm bản thân". Ông thường xuyên nghe điều đó từ những người đồng nghiệp ngoài ba mươi tuổi. Họ chỉ toàn nói rằng mình cần nhiều ‘thời gian rảnh rỗi’ hơn, như thể đó là mục đích duy nhất của việc đi làm: đạt đến điểm mà họ không phải làm việc nữa.”
Bạn có giật mình không khi đọc những dòng này?
Sự phát triển của công nghệ và Internet giảm áp lực lao động lên mọi việc, giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, thu hẹp mọi khoảng cách, song cũng vì vậy, con người trở nên lệ thuộc và yếu đuối hơn.
Sự khác biệt này hay đúng hơn là mâu thuẫn thế hệ nảy sinh từ việc người già không sao hiểu được bọn trẻ cũng như người trẻ cười nhếch mép vào sự chậm thích nghi của người già. Bài toán này có được giải hay không tùy thuộc vào cái nhìn bao dung và sự chấp nhận lẫn nhau của cả hai bên.
Nhà văn, blogger người Thụy Điển Fredrik Backman. |
Câu chuyện tình bạn của hai người đàn ông giản đơn
Người đàn ông mang tên Ove thu hút độc giả không từ những châm biếm mà từ câu chuyện yêu thương lấp lánh bên trong. Đằng sau ông Ove với vẻ bề ngoài vụng về, nguyên tắc, dửng dưng, hay cáu gắt và có những lời lẽ dễ tổn thương là một trái tim ấm áp, không chấp nhận đầu hàng trước những bất công đè xuống cuộc đời vợ chồng ông, không bao giờ đứng yên cam chịu những kẻ yếu thế bị bắt nạt.
Nó thuộc về một phần bản năng che chở của phái mạnh, đồng thời cũng là một phần tính cách thuộc về những người đàn ông của thế hệ cũ. Thế hệ của những gã cao bồi như John Wayne. Ít nói nhưng trọng lời hứa, danh dự và bảo vệ lẽ phải.
Nói như bà Sonja, Ove và Rune - ông bạn hàng xóm - là những người sinh nhầm thời. Họ là “những con người chỉ chờ đợi một vài thứ đơn giản từ cuộc sống. Một mái nhà trên đầu, một con phố yên tĩnh, một chiếc xe đàng hoàng và một người phụ nữ để yêu thương trọn đời. Một công việc mà họ thấy có ích. Một ngôi nhà có những thứ đều đặn bị hỏng để họ luôn có cái mà sửa.
Mọi người đều muốn một cuộc sống đàng hoàng nhưng định nghĩa hai chữ đó khác nhau với mỗi người. Với Ove và Rune, ‘ĐÀNG HOÀNG’ chỉ đơn giản là họ phải tự xoay xở, không dựa dẫm vào người khác một khi đã trưởng thành. Họ cảm thấy tự hào khi có thể kiểm soát, khi làm đúng, khi biết con đường nào cần phải đi và làm thế nào để vặn một con ốc.”
Đó là những người đàn ông có thể đỏ mặt tía tai, sống chết bảo vệ quan điểm cá nhân trước cuộc họp toàn khu phố nhưng trước bất bình chung thì sẵn sàng ra tay hợp lực. Đó là những người đàn ông ăn vận bình thường, không bao giờ can dự vào chuyện của người khác như một nguyên tắc bất di bất dịch nhưng sẵn sàng ăn vận đàng hoàng sang nhà nói chuyện với gã chồng say rượu hay đánh đập vợ con.
Cũng chính hai người đàn ông có vẻ không đội trời chung đó cùng ra ngân hàng của thành phố và trở về với cuốn sổ mà người phụ nữ có thể xem như một món quà hoặc một khoảng vay nhưng tuyệt đối không được từ chối. Sẵn sàng xuống xe tóm cổ một tay xăm mình láo lếu, bóp kèn inh ỏi giữa đường giữa sá.
Đây chính là lý do vì sao Ove và Rune nhanh chóng trở thành bạn của nhau, và cũng nhanh chóng trở thành nửa không đội trời chung với người còn lại.
Hơn 35 năm, cả hai ném cho nhau ánh mắt hình viên đạn qua hàng rào trong khoảng sân sau giống nhau, ngôi nhà giống nhau. Hai gã đàn ông ít nói, hết lòng yêu thương vợ con, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để hai người phụ nữ của đời mình hạnh phúc, đành bất lực nhìn những điều không may gián xuống đầu họ.
“Có thể không ai trong hai người tha thứ được cho bản thân vì đã không thể trao cho người phụ nữ họ yêu điều mà các bà muốn hơn hết thảy”. Những điều không thể bày tỏ ấy lớn dần, im lặng để rồi bùng nổ.
Hóa ra, cáu bẳng và thích gây gỗ là cách họ giao tiếp với nhau mà mãi đến khi về già, Ove mới vỡ lẽ rằng, cả ông và Rune đều không thể tha thứ được cho chuyện chấp nhận buông xuôi đó. “Chúng ta luôn cho rằng mình còn đủ thời gian để hành động vì người khác. Còn thời gian để nói chuyện cùng họ. Thế rồi một điều gì đó xảy ra và chúng ta đột ngột bị bỏ lại cùng hai chữ ‘giá như’ trong đầu.”
Và Ove, ở tuổi 59 đã quyết định “chơi tới bến” để ban bảo trợ xã hội không đưa ông bạn đáng thương bị alzhimer ra khỏi nhà, khỏi vòng tay của bà vợ Anita.
A man called Ove cũng đã được chuyển thể thành phim năm 2015 với diễn viên Rolf Lassgård trong vai Ove. |
Câu chuyện của tình yêu và những người hàng xóm
Yêu một ai đó, luôn cần rất nhiều dũng cảm và bao dung. Yêu một người đàn ông giản đơn, sự dũng cảm còn cần nhiều hơn thế, bởi chắc chắn, người phụ nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Cuộc hôn nhân của Ove và Sonja đâu phải lúc nào cũng màu hồng. Tính cách của ông đôi lúc quá đáng khiến bà cảm thấy khó thở và buồn giận. Sonja hạnh phúc vì bà biết cách chấp nhận, biết bao dung và nhìn ra những điểm tốt đẹp trong con người ông.
“Yêu một người cũng giống như dọn tới một ngôi nhà. Lúc đầu ta phải lòng nó vì sự mới mẻ. Mỗi buổi sáng ta ngỡ ngàng tự hỏi liệt tất cả có thuộc về mình hay không như thể sợ ai đó sẽ đột nhiên xông vào nhà và bảo rằng đã có một sai sót nghiệm trọng và lẽ ra ta không được ở một nơi tuyệt vời như thế này.
Thế rồi năm tháng trôi qua, tường nhà bắt đầu xuống màu, lớp gỗ rạn nứt dần và ta bắt đầu cảm thấy yêu ngôi nhà này bởi những khiếm khuyết của nó hơn là vì những điểm hoàn hảo. Ta thuộc tất cả mọi ngóc ngách xó xỉnh trong nhà. Ta biết làm thế nào để chìa khóa không kẹt lại trong ổ khi ngoài trời đang lạnh, tấm ván sàn nào bị võng xuống khi có người bước lên và cách mở tủ áo sao cho nó không kêu cọt kẹt.
Chính những bí mật nho nhỏ ấy mới là thứ biến ngôi nhà thành một tổ ấm.”
Người đàn ông mang tên Ove là cuốn sách về tình yêu thương giữa những người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng và về những giá trị đã được xác lập mà Ove, đơn giản là người duy trì những giá trị đó.
Tình thương đó tưởng mãi mãi sẽ khép lại khi bà Sonja nằm xuống. Nhưng nó đã được cú tông xe rơ-móc trời gián của cặp vợ chồng Patrick - Parvaneh đánh thức. Và một chuỗi sự kiện hài hước sau đó, với con mèo cô độc và bị thương giữa trời rét căm căm,… trở thành những thanh củi duy trì ngọn lửa ấy, chờ ngày bừng sáng.
Những mối quan hệ tưởng chừng như phiền nhiễu ấy chính là sợi dây níu Ove với đời sống này, khiến ông cảm thấy có ích, có mục đích sống. Chẳng phải, nỗi sợ lớn nhất của con người chính là trở nên vô dụng trong tập thể, trong xã hội hay sao?
Cuộc sống có màu gì? Tùy thuộc vào việc bạn nhìn nó bằng đôi mắt như thế nào.