Ông tiếp chuyện tôi dưới bóng mát của cây trứng cá giữa cánh đồng. Chúng tôi ngồi trên những viên đá chẻ. Một khúc cây to chừng cao 0,6 m đặt ở giữa làm bàn, trên đó là những ly nước mát. Ánh nắng chói chang của buổi trưa như muốn thiêu đốt cả tất cả.
Ông là Trần Đức Mạnh, 55 tuổi. Không có duyên với khoa cử nhưng ông lại có điều kiện tiếp xúc với máy móc từ những ngày còn nhỏ. Những trăn trở, mày mò đã khiến cho ông có một kiến thức rộng cùng đam mê lớn về cơ khí.
Ông Trần Đức Mạnh. |
Rút một điếu thuốc, châm và nhả khói, ông chậm rãi cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông. Cuộc sống làm bữa mai lo bữa chiều khiến cho tôi vô cùng lo lắng. Tôi đã từng đi cày thuê để kiếm sống cho gia đình. Vợ tôi phụ với tôi trong rất nhiều công việc. 2 đứa con đang tuổi ăn học vẫn đến trường đều đặn.
4 năm trước, tôi bị ngất khi đang cày giữa đồng. Tỉnh lại, tôi choáng váng khi biết mình bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, còn gì bi đát hơn? Tôi trở về nhà nằm chịu những cơn đau hành hạ thể xác...
Nhưng rồi tôi cũng phải vào viện vì còn nước còn tát. Tôi trải qua 12 lần hóa trị. Gia sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Hai đứa con tôi dự định bỏ học vì không có tiền ...
Mang trọng bệnh nhưng ông Mạnh vẫn làm việc.
|
Cận kề cái chết mới thấy quý cuộc sống, lúc này tôi chỉ còn 38 kg, thân thể da bọc xương. Bác sĩ cho biết sự sống của tôi không thể kéo dài hơn 2 tháng.
Những người khác nghe vậy chắc chắn sẽ suy sụp nhưng với tôi thì không. Tôi quyết định phải mạnh mẽ đứng lên. Gác chuyện bệnh tật sang một bên, tôi tiếp tục sống và cố gắng vượt qua".
Ông Mạnh tiếp tục kể: "Tôi lại ra đồng, nhìn những đám ruộng phủ đầy rơm mà thấy tiếc. Ngày trước rơm được cho không, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy nhưng hiện nay chủ ruộng bán 500 nghìn/ha tại đồng.
Nếu sử dụng lao động tay chân để thu gom thì giá thành rơm sẽ tăng cao hơn nữa. Tôi nghĩ giá có một máy cào rơm thì hay biết mấy ... Vào chơi ở một vựa phế liệu gần đó, tôi gặp một chiếc xe trong tình trạng bán phế liệu. Nhìn qua chiếc xe, trong đầu tôi nghĩ ngay đến máy cào xúc rơm. Tôi mua với giá 2 triệu đồng và bắt đầu tìm tòi.
Chiếc xe này là xe địa hình cấy lúa còn mới, do Nhật sản xuất có giá thành đến nửa tỷ đồng, chỉ hỏng một vài bộ phận. Người ta không biết sửa chữa nên phải bán phế liệu.
Máy cuộn rơm. |
Tôi mở các bộ phận rồi nghiền ngẫm. Thêm cái này bớt cái kia, cuối cùng tôi cho máy ra đồng. Rơm được máy gom lại thành đống và cũng từ máy, rơm được chuyển lên xe một cách nhanh chóng. Nếu 1 ha ruộng rơm cần đến 10 lao động làm trong một ngày thì với chiếc máy này chỉ cần 1 người làm trong 1 giờ".
Câu chuyện bị cắt ngang. Bà Mạnh, vợ ông, từ ngoài đồng bước vào. Bà nói với ông, rơm cuộn được hơn một nửa rồi. Trong lúc ông trò chuyện với chúng tôi, bà và 2 con vẫn miệt mài làm.
Trên đồng, chiếc máy cuộn rơm ông vừa chế tạo xong đang cuộn những cuộn rơm tròn trịa đẹp mắt. Sau đó máy đưa những cuộn rơm đó lên xe ...
Bà Mạnh cho biết, trong thời gian ông mang bệnh, người thân, bạn bè có phụ giúp một ít tiền cùng với những khoản bảo hiểm dùng để chữa bệnh đã giúp họ có một số tiền.
Ông bà quyết định dùng số đó đóng tiền học cho con. Cũng nhờ vậy mà 2 cháu cũng đã có những thành công nhất định trong việc học.
Bà nói tiếp: "Thời gian ông nhà tôi chế ra máy xúc rơm đa năng thì cũng đã đến thời kỳ bác sĩ cảnh báo, không quá 2 tháng. Vậy mà ông vẫn bình thường và đang tiếp tục nghiên cứu thêm máy cuộn rơm. Có thể nhờ sự say mê nghiên cứu tìm tòi, có lúc quên cả ăn, đã khiến cho căn bệnh ông vơi đi".
Số lượng sản phẩm ông chế tạo ra càng lúc càng nhiều và được nhiều cơ quan ghé mắt đến.
Nhìn ông, không còn dáng dấp gì của một người mang căn bệnh trầm kha với nét mặt tươi tỉnh, nước da sạm nhưng vẫn hồng hào.
Ông nói: "Với tôi, một sự lạc quan và niềm đam mê cơ khí cháy bỏng giúp tôi vượt qua. Sắp tới đây tôi sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều máy mới.
Trên đồng ruộng, gốc rạ còn trơ ra đó. Nếu không cắt, gốc ra sẽ sản sinh ra nhiều chất độc hữu cơ có hại cho đất. Cắt nó đi và gom lại để gieo trồng nấm rơm lại cho nhiều kết quả tốt".
Chiếc máy cắt gốc rạ và cuộn rơm đã hình thành và đang chạy thử. Hy vọng thành công này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong đó có cuộc sống của nhiều gia đình. Đam mê để quên bệnh tật, chuyện có lẽ bây giờ mới thấy.