Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đàn ông cụt tay đam mê nghề cắt tóc

Trong lúc đúc gạch, anh Dũng bị máy nghiền nát cánh tay. Không chịu đầu hàng trước số phận, người đàn ông này quyết tâm mày mò, sáng chế ra một cánh tay giả để mưu sinh.

Tại xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), anh Bùi Đình Dũng (38 tuổi, trú thôn 5) được người dân quý mến và quen gọi thân mật là “Dũng cụt cắt tóc”. Dù bị cụt tay nhưng nhờ nỗ lực nên anh đã thành một thợ cắt tóc giỏi.

Chuyện đời, chuyện nghề

Mỗi buổi sáng, để chuẩn bị ngày làm việc mới, anh Dũng đều tranh thủ dậy sớm lau chùi, sắp đặt cẩn thận những dụng cụ hành nghề. Thấy khách ghé vào quán, gia chủ với tay xoay chiếc ghế, niềm nở mời họ ngồi.

Đeo cánh tay giả lên khuỷu vai, tay trái cầm gọn chiếc kéo, anh Dũng bắt đầu cắt tóc. Chỉ sau vài chục phút, gia chủ đã khiến vị khách hài lòng với kiểu tóc mới.

Thao tác cánh tay giả qua lại cắt tóc cho khách, mắt chăm chăm nhìn từng đường kéo, anh Dũng vui vẻ chia sẻ chuyện riêng tư.

Mặc dù bị cụt cánh tay nhưng nhờ khổ luyện, anh Dũng dần trở thành một thợ cắt tóc giỏi.

Mẹ con Dũng bị người bố bỏ rơi khi anh mới hơn 3 tuổi. Nhà nghèo, năm 14 tuổi, Dũng phải nghỉ học rồi bươn chải khắp từ trong Nam ra ngoài Bắc, làm đủ mọi nghề như bán vé số, nhặt rác, phụ hồ, bốc vác… kiếm tiền gửi về giúp mẹ.

Những năm 2000, nghề đúc gạch nở rộ ở xã Hoằng Hải. Nghề này không cần đòi hỏi trình độ văn hóa cao, chỉ cần có sức khỏe. Dũng xin được vào làm và có thu nhập ổn định. Tháng 4/2002, thấy công việc thuận lợi, Dũng có ý định lấy vợ thì bất hạnh ập đến. Trong một lần làm tăng ca, do thiếu may mắn, Dũng bị máy nghiền nát cánh tay phải.

“Hôm đó, một số anh em nghỉ việc nhà nên tôi phải làm thêm. Trong lúc đưa đất vào trong máy, tà áo bị máy cuốn vào trong guồng. Chỉ trong tích tắc, cánh tay tôi bị kéo luôn vào trong. Tôi chưa kịp kêu cứu thì cánh tay đã bị lưỡi dao băm đất chặt đứt rời”, anh Dũng nhớ lại giây phút cánh tay bị nghiền nát gần 12 năm trước.

Trong những ngày tháng nằm viện, anh Dũng bị suy sụp tinh thần. “Tỉnh lại, thấy cánh tay phải không còn nữa, tôi suy sụp vì nghĩ về tương lai tối mù mịt”, anh Dũng chia sẻ. Sau khi xuất viện, anh Dũng quyết định về quê và chỉ được công ty chi trả viện phí, ngoài ra không có một đồng hỗ trợ nào khác.

Trước lúc đi làm, anh Dũng là một thanh niên khỏe mạnh. Bị cụt một cánh tay, không làm việc nặng nhưng anh quyết không chịu đầu hàng số phận. Anh nảy ý định chọn nghề cắt tóc để mưu sinh. “Tôi đã chọn nghề cắt tóc trước thời gian gặp nạn, cắt tóc là nghề tôi đam mê từ nhỏ”, anh Dũng nói.

Anh Dũng chia sẻ, để có thể sống nhờ nghề cắt tóc, đối với người bình thường đã khó, với anh công việc đó càng vất vả. “Tôi bảo chọn nghề cắt tóc thì liền bị người thân ngăn cản. Họ nghĩ tôi bị cụt tay thì không thể sống nhờ nghề đó. Một vài người dân còn cho rằng đầu óc tôi có vấn đề”, anh Dũng nhớ lại.

Clip anh Dũng cắt tóc cho một vị khách.

Bất chấp bị ngăn cản, anh Dũng quyết tâm theo nghề. Anh nhận định, muốn cắt được tóc, bắt buộc anh phải sắm được một dụng cụ có chức năng như một cánh tay. “Học hỏi trên báo đài, tôi bắt đầu mày mò mô phỏng một cánh tay giả trên giấy, sau đó nhờ thợ hàn chế tác theo. Cánh tay giả tôi thiết kế khớp chặt vào khủy vai, phía dưới nhỏ dần và đầu mút được cố định bởi một chiếc lược”, anh Dũng giới thiệu.

Thời gian đầu, anh Dũng cắt ngượng tay nên chưa theo ý muốn. Tuy vậy, anh được khách hàng tỏ ra thông cảm, họ đến với anh ban đầu chủ yếu là do tò mò và muốn giúp đỡ.

Mất gần nửa năm, anh Dũng mới thành tạo nghề, cánh tay giả bắt đầu chiều lòng gia chủ. Tiếng lành đồn xa, tiệm cắt tóc của anh bắt đầu thu hút đông khách.

Kể về những khó khăn gặp phải, anh Dũng trầm ngâm: “Cái khó nhất là làm sao để khách hàng hài lòng chứ không phải làm họ cảm thông vì mình khuyết đi bộ phận nào trên cơ thể. Những điều ấy, mình có tâm huyết ắt sẽ vượt qua được thôi. Tôi sẽ cố gắng dần hoàn thiện tay nghề”.

Anh Nguyễn Văn Tâm, một khách hàng nhận xét, anh Dũng là người có tâm huyết với nghề. “Chú ấy bị tàn tật nhưng cắt rất đẹp. Tôi và chú ấy là hàng xóm của nhau, gia đình họ sống rất gương mẫu, hiền lành”.

Một gia đình hạnh phúc

Anh Dũng không chỉ được người dân ngợi khen bởi tay nghề cắt tóc giỏi. Người đàn ông này còn có một gia đình hạnh phúc. “Cuộc đời tôi có được như ngày hôm nay là nhờ ở vợ rất nhiều”, anh Dũng nói.

Không chỉ cắt tóc giỏi, anh Dũng còn là một người chồng, người cha mẫu mực.

Vợ anh là chị Lê Thị Quyên (38 tuổi). Họ cưới nhau năm 2011, hiện đã có một đứa con trai gần 2 năm tuổi. Để đến được với nhau, hai vợ chồng anh Dũng đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn.

Anh Dũng kể, anh không nghĩ một người tàn tật như mình sẽ được một ai đó thương yêu. Việc được chị Quyên đồng ý làm vợ khiến anh vô cùng hạnh phúc và lạc quan. Nhận lời yêu thương nhau, hai người về xin phép gia đình thì bị thân nhân phản đối kịch liệt, nhất là ở phía nhà chị Quyên. “Đến với anh ấy, tôi bị người thân phản đối kịch liệt. Sau này, thuyết phục mãi nên họ mới đồng ý. Đối với tôi, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, miễn sao hai người yêu thương nhau thật lòng là được”, chị Quyên chia sẻ.

Với nghề cắt tóc, anh Dũng kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày, dù chưa đủ lo cuộc sống gia đình nhưng vợ chồng anh rất hạnh phúc, đứa con gần 2 tuổi ngoan ngoãn. “Anh ấy là người chồng tốt, tôi rất hạnh phúc và mãn nguyện khi gắn bó với anh ấy”, chị Quyên nói.

Duy Cảnh

Bạn có thể quan tâm