Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Chúc (tên thường gọi Ba Chúc) nép mình bên sông Sài Gòn, dưới chân hai cây cầu Bình Lợi và cầu sắt Bình Lợi. Gọi là ngôi nhà nhưng thực tế chỉ như một lán trại tạm bợ bằng ván gỗ ghép lại.
45 năm làm chuyện bao đồng
Ông Ba Chúc lao thuyền ra giữa sông Sài Gòn để kiểm tra tình hình khi phát hiện có vật thể lạ trên sông. |
Ông Ba Chúc kể làm nghề vớt xác cũng ngót nghét 45 năm, lênh đênh sông nước từ nhỏ nên ông thuộc từng ngã rẽ, con nước nổi trôi.
"Từ lúc 8 tuổi tôi đã theo bố đánh bắt cá trên sông. Lần đầu tiên nhìn thấy xác chết, tôi nôn thốc nôn tháo, sợ lắm. Thế nhưng, bố tôi bảo người chết trên sông rất tội nghiệp. Họ lạnh lẽo, cần hương khói và một đám tang tử tế. Sau đó, tôi nối nghiệp bố đến giờ", ông Ba Chúc nhớ lại.
Đến bây giờ, ông không nhớ hết mình đã tham gia vớt xác, cứu bao nhiêu người trên dòng sông Sài Gòn. Số điện thoại của ông được người ta lan truyền khắp nơi. Ai di chuyển trên sông Sài Gòn, các kênh rạch khu vực Thủ Đức, Bình Thạnh... hễ thấy thi thể hay người thân của người tự vẫn không tìm được xác cũng đều gọi cho ông.
Ngôi nhà tạm bợ của người đàn ông 45 năm làm nghề vớt xác trên sông Sài Gòn. |
Như trường hợp cậu sinh viên 19 tuổi, quê Bình Định, bị mất tích bí ẩn hồi đầu tháng 2 năm nay, người thân của em khóc nức nở gọi đến nhờ ông tìm kiếm.
"Tôi nhận lời ngay và chỉ sau một ngày đã tìm thấy được thi thể của em nổi ở gần khu vực cầu sắt Bình Lợi. Thi thể khi đó đã phân hủy rồi. Sau khi vớt xác lên bờ, tôi được công an giữ lại hiện trường, lấy lời khai đủ thứ vì lúc đó dư luận đồn thổi án mạng. Phải nhiều ngày sau phía công an mới kết luận là cậu này tự tử”, ông kể.
Đối với người đàn ông 45 năm vớt xác trên sông Sài Gòn, ranh giới giữa sống - chết vốn rất mong manh, chỉ cách nhau hơi thở. Căn nhà ông ở cũng được thiết kế với hướng nhìn về dòng sông, cửa ngôi nhà luôn rộng mở để giúp ông dễ dàng quan sát. Khi nhìn thấy nước bắn lên hay tiếng động xé nước, hoặc có người tri hô, điện thoại gọi cầu cứu, ông lao thuyền ra ngay để cố giành lại sự sống cho nạn nhân.
Buổi trưa mới đây nhất, khi ông đang ngủ thì vợ kêu có người định nhảy cầu. Ông lao thuyền chạy đến dưới cầu Bình Lợi và suốt 2 giờ canh chừng bên dưới phòng bất trắc xảy ra. Đồng thời, ông gọi báo công an để họ đến khuyên ngăn thanh niên này. May mắn, người này được công an đến khuyên ngăn và đã "hồi tâm". Người nhà sau đó cũng đến và đưa anh này về.
Ông Ba Chúc lênh đênh sông nước, ngót nghét đã 45 năm hành nghề vớt xác trên sông Sài Gòn. |
“Sao chú lại cứu con, xin hãy để con được chết"
Ông Ba Chúc nhớ như in khoảnh khắc lúc 24h một đêm của năm trước. Ông giật mình bật dậy bởi tiếng nhảy "ầm" xuống nước như xé tan sự tĩnh mịch của màn đêm.
Lao vội ra chiếc thuyền đang cập sát nhà, ông Ba Chúc nổ máy tiến thật nhanh đến khu vực cầu Bình Lợi. Ông thấy hai người, một là cô gái trẻ, người sau là anh thanh niên. Cả hai đều bị đuối nước vì lúc đó nước đang lên cao.
"Tôi vớt cả hai lên thuyền, nếu chậm 1-2 phút thì chắc họ không thể sống nổi. Cô gái tái mét mặt, nước mắt giàn giụa vì nỗi đau bị chồng phụ bạc. Còn anh thanh niên chạy xe công nghệ cũng nằm trên thuyền thở dốc. Anh này chạy ngang qua thấy cô gái nhảy cầu nên lao theo cứu. Cả hai sau đó cảm ơn tôi vì đã cứu sống mình", ông nhớ lại.
Căn nhà của ông Ba Chúc có hướng nhìn về phía cầu Bình Lợi, cửa luôn mở toang giúp vợ chồng ông có thể dễ dàng quan sát động tĩnh. |
Ông Ba Chúc nói người tìm đến cái chết bằng cách nhảy cầu tự tử thường là lúc quẫn bách, trầm cảm, tuyệt vọng trong cuộc sống. Khi phát hiện, ông sẽ cố gắng lao thuyền nhanh nhất để đến với họ và gọi báo công an phối hợp.
"Nếu như họ nhảy xuống sông thì mình ở dưới sẽ ứng cứu kịp. Tuy nhiên, có nhiều người khi mình tiếp cận thì bị quẫy đạp, hất tay mình ra. Như trường hợp cách đây gần 10 năm, cô gái buồn chuyện gia đình nhảy cầu và được tôi phát hiện, cứu kịp lên bờ. Khi được cứu, cô gái trách "Sao chú lại cứu con, xin hãy để con được chết”, ông Ba Chúc kể.
Lúc đó, ông nhẹ nhàng khuyên: "Con kiến còn mong cầu sự sống huống chi con người. Bao người vào viện chi biết bao tiền để cố giành sự sống còn chẳng được. Tự nhiên mình đang khỏe mạnh đi tìm cái chết có phí cuộc đời không? Mình sống trên đời chưa đền đáp công ơn cha mẹ, chưa làm tròn bổn phận con thì chết có đành không? Tôi tuyệt đối không để ai ra đi ngay trước mắt mình, đặc biệt là khi tôi còn có thể cứu được họ", ông nói.
Ông Ba Chúc cười hiền và cho biết sẽ cố gắng theo đuổi nghề vớt xác chết cho đến khi khả năng còn cho phép. |
Dù vậy, nhiều vụ ông thấy nước bắn, nghe tiếng kêu cứu nhưng khi ra tới nơi đã không kịp, người nhảy cầu bị nước nhấn chìm, mất tích và tới hai ngày sau ông mới tìm thấy thi thể.
"Những lúc như thế tôi tức mình lắm, tôi thấy lương tâm mình bị dằn vặt. Tôi trách mình sao không nhanh hơn chút, ít ngủ đi một chút thì đã cứu được họ rồi", ông buồn bã.
Bà Nguyễn Thị Hinh, vợ ông Ba Chúc, cho biết nhiều người được ông Ba Chúc cứu vẫn thường xuyên đến nhà để nói lời cảm ơn. Vì nhờ có ông, họ được sống tiếp quãng đời còn lại.
Vợ chồng ông Ba Chúc sống giản dị bên trong căn nhà tạm bợ ven sông Sài Gòn. |
Hiện nay, ngoài việc vớt xác, ai kêu gì thì vợ chồng bà làm việc đấy. Nhà có 5 người con gái nhưng các con đều đã lập gia đình, chỉ còn hai vợ chồng bà nương tựa nhau.
Tuy nhiên, bà Hinh cũng bày tỏ lo lắng vì số người nhảy cầu thời gian qua nhiều hơn, có thời điểm 3 ngày vớt 3 xác liên tục. Trong khi đó, tuổi ông Ba Chúc ngày một cao, sự nhanh nhẹn cùng sức khỏe ngày một yếu đi.
"Có lúc tôi ngăn không cho ông đi nữa vì công việc cứu người nhảy cầu có thể khiến ông gặp nguy hiểm đến tính mạng nhưng ông năn nỉ, hứa sẽ cẩn thận", bà Hinh nói.