Người dân ở 'chiếc nôi cách mạng' Cuba lưu luyến thời Castro
Thứ năm, 19/4/2018 18:09 (GMT+7)
18:09 19/4/2018
Người dân ở vùng rừng núi Sierra Maestra nói họ biết ơn những gì mà gia đình Castro và cuộc cách mạng cách đây hơn nửa thế kỷ đã mang đến cho họ cũng như cho đất nước.
Sierra Maestra là vùng rừng núi hiểm trở ở phía đông nam và là nơi cao nhất Cuba. Trong những năm cuối thập niên 1950, lãnh tụ Fidel Castro đã xây dựng căn cứ tại đây và tiến hành cuộc kháng chiến chống lại chế độ độc tài Fulgencio Batista.
Với nhiều người dân địa phương, họ vẫn một lòng biết ơn chương trình cải cách ruộng đất cũng như những tiện nghi hiện đại mà cuộc cách mạng mang lại. Kỷ nguyên Castro sắp sửa kết thúc khi Chủ tịch Raul Castro, em trai cố Chủ tịch Fidel Castro, trao lại quyền hành cho người kế nhiệm, là nhiều ký ức đẹp đẽ mà người dân ở đây cảm thấy lưu luyến.
Ông Raul Castro, 86 tuổi, sẽ từ chức chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba vào ngày 19/4. Người kế nhiệm dự kiến là chính trị gia 57 tuổi Miguel Diaz-Canel, sẽ đánh dấu lần đầu tiên một người ngoài dòng họ Castro lãnh đạo Cuba.
Lãnh tụ Fidel, người lãnh đạo Cuba trong nhiều thập kỷ trước khi chuyển giao cho em trai, qua đời năm 2016, đã quốc hữu hóa nhiều tài sản nông nghiệp lớn sau khi lên nắm quyền. Vì lý do này, nhiều người Cuba rời bỏ quê hương và quan hệ Mỹ - Cuba đóng băng trong hàng chục năm.
Song với chính sách này, quyền sở hữu đất được trao miễn phí cho những nông dân từng đi thuê đất, những người làm việc ở nông trường và những người lính canh. Nhiều nông dân sau đó cùng nhau làm việc dưới sự bảo hộ của nhà nước và hợp tác xã.
Santo Domingo là ngôi làng gần nhất với "Comandancia La Plata", căn nhà nhỏ nơi ông Fidel ẩn náu cũng là "tổng hành dinh" của lực lượng du kích. Người dân ở đây nói họ vẫn "nợ" cuộc cách mạng do gia đình Castro dẫn dắt.
"Tôi có cuộc sống vui vẻ: Tôi có nơi để trồng trọt chăn nuôi, tôi có gia súc gia cầm", nông dân Paulo Alvarez, 55 tuổi, chia sẻ. "Tôi biết ơn cách mạng vì điều đó. Trước đây không được như vậy".
Chính phủ Cuba cũng xây dựng trường học, bệnh viện, đường xá ở những nơi xa xôi như Santo Domingo, ngôi làng có vài trăm cư dân nằm lọt giữa rừng.
Chủ tịch Raul đã mở cửa nền kinh tế nhà nước của Cuba cho các doanh nghiệp tư nhân nhằm thúc đẩy tăng trưởng và cắt giảm số tiền nhà nước dùng để trả lương. Trong ảnh, người dân chờ ghi hình một chương trình truyền hình tại Santo Domingo.
Anh Luiz Enrique Perez nghỉ việc dạy tiếng Anh vì lương thấp. Anh chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch tại di tích "Comandancia La Plata", nơi thu hút đông du khách đến Cuba, với thu nhập tốt hơn.
"Raul đã mang lại nhiều điều tốt cho Cuba trong 10 năm qua", anh Perez nói. "Ông ấy đã thay đổi đời sống xã hội của đất nước, với các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, các điểm phát Wi-Fi, Internet, di động".
"Cuba sẽ là nơi tốt nhất thế giới để sống nếu mức lương nhà nước đủ tốt", anh Perez nói.
Gần 60 năm sau cuộc cách mạng, Cuba đang đứng trước thềm của một kỷ nguyên mới khi người cuối cùng của gia đình Castro rời cương vị lãnh đạo đất nước này.
Nhiều thế hệ người Cuba mong muốn nhà lãnh đạo mới tiếp tục tiếp nối những điều anh em ông Castro đã làm đồng thời mang lại thay đổi mới mẻ sau cuộc chuyển giao chính trị lịch sử.
Trong 60 năm với hai nhà lãnh đạo mang tên Castro, Cuba đạt được nhiều thành tựu dù gặp không ít khó khăn bởi cấm vận của Mỹ hay sự suy yếu của đồng minh.