Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân nghi ngờ cá chết không phải do tảo nở hoa

Trước khi xảy ra hiện tượng cá chết, ngư dân ở Thanh Hóa nhìn thấy một dải nước đen bất thường. Sau đó, một số loài hải sản chết và trôi dạt vào bờ.

Ngày 14/9, ông Lê Văn Bình – Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa) cho biết đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Viện nghiên cứu Hải sản vẫn đang tích cực triển khai công tác kiểm tra mẫu nước, tìm nguyên nhân cá chết ở 3 xã vùng biển thuộc huyện Tĩnh Gia.

Ông Bình cho hay nguyên nhân cá tự nhiên và gần 50 tấn cá lồng chết đã được UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng là do hiện tượng tảo nở hoa. Tuy nhiên, người dân nuôi cá lồng ở vịnh Nghi Sơn nghi ngờ có nguyên nhân do ô nhiễm môi trường nước.

nguyen nhan ca chet anh 1
Cá nuôi lồng chết ở vịnh đảo Ngọc (xã Nghi Sơn). Ảnh: Nguyễn Dương.

Trước thời điểm cá chết, người dân trong vùng đã trình báo chính quyền sở tại về việc nhìn thấy một dải nước đen bất thường khi đánh cá ven bờ (phía sau dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn), cách bờ biển 300-500 m. Sau đó, một số loài hải sản như cá bơn, thèn, ghẹ,… cũng bị chết và trôi dạt vào bờ.

“Những loài hải sản này sinh sống ở tầng đáy, có sức chống chọi với tự nhiên tốt nhưng cũng chết là điều bất thường. Hiện nay, cơ quan chức năng nghi vấn, ngoài hiện tượng tảo nở hoa, hải sản chết có thể còn do nguyên nhân khác”,ông Bình nói và cho hay, ngành chức năng đang kiểm tra thêm các nguồn nước thải.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn từng vi phạm rửa ống dẫn dầu

Về thông tin Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành súc rửa đường ống dẫn dầu, ông Bình cho biết, việc này là có.

“Tuy nhiên, sự việc đã diễn ra từ tháng 6. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có kết luận vào ngày 30/8 vừa qua”, ông Bình nói.

Kết luận nêu, thời điểm kiểm tra vào ngày 11/6, Công ty này đang thực hiện thử áp lực và súc rửa đối với đường ống tiếp nhận dầu thô từ phao rót dầu không bến vào nhà máy với chiều dài 35 km.

nguyen nhan ca chet anh 2
Một góc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Nguyễn Dương.

Hoạt động súc rửa nêu trên được tiến hành bằng cách bơm nước biển có hòa thêm hóa chất. Trong 3 ngày (9/6-11/6) Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành xả trực tiếp ra biển. Sau đó, đoàn kiểm tra của Sở TN&MT Thanh Hóa yêu cầu dừng.

Thời điểm này, lượng nước thải từ quá trình súc rửa đã xả ra biển là hơn 42.000 m3/tổng 75.100 m3; trong đường ống vẫn còn lưu giữ lại khoảng 33.000m3.

Theo đánh giá tác động môi trường, nước làm sạch và thử thủy lực không được thải trực tiếp ra môi trường. Việc này phải xử lý bằng cách tách cặn dầu mỡ và xử lý hóa chất bằng cách bơm chất trung hòa vào đường ống nước trước khi bơm xả.

Vì thế, việc Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tự ý xả nước làm sạch và thử thủy lực đường ống tiếp nhận dầu thô không qua xử lý nêu trên là không đúng quy định.

Cũng theo ông Bình, hiện nay ở Khu kinh tế Nghi Sơn đang có 67 cơ sở sản xuất, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, mà chủ yếu được doanh nghiệp xử lý trong hệ thống nội bộ, sau đó xả ra môi trường.

Ngày 13/9, Trung tâm Quan trắc môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã về lấy mẫu nước ở 9 điểm, trong đó có tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy tại các khu vực đường ống xả thải của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để làm rõ thêm nguyên nhân cá chết.

Diễn biến cá chết hàng loạt ở vịnh Nghi Sơn:

Ngày 5-6/9, ngư dân xã Tĩnh Hải khi đánh bắt hải sản tại vùng biển gần bờ (phía sau Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cách bờ biển 300-500 m) thì phát hiện một số loài hải sản như cá bơn, cá thèn, ghẹ… chết bất thường và trôi dạt vào bờ. Theo thống kê, khối lượng hải sản bị chết thu gom khoảng 100 kg.

Sáng 8/9, tại khu vực nuôi cá lồng của ngư dân xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi chết với số lượng gần 50 tấn.

Tại khu vực bờ biển thôn Bắc Yến (xã Hải Yến), người dân lại phát hiện tình trạng cá tự nhiên bị chết trôi dạt vào bờ. Tổng khối lượng hải sản thu gom khoảng 200 kg.

Ngày 10/9, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ký văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về tình hình cá chết bất thường tại vùng biển huyện Tĩnh Gia. Báo cáo cho hay, nguyên nhân ban đầu được xác định do hiện tượng tảo nở hoa.

Kiểm tra nước quanh ống thải Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng Viện nghiên cứu hải sản đã đến 3 xã vùng biển ở Thanh Hóa để lấy mẫu nước, tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt.

Gần 50 tấn cá lồng chết khi biển Thanh Hóa chuyển màu đỏ

Hàng chục tấn cá lồng nuôi tại vịnh đảo Ngọc (Thanh Hóa) chết hàng loạt sau khi nước chuyển màu đỏ đục ngầu. Người dân cho rằng đây là hiện tượng bất thường chưa từng xảy ra.

 



Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm