"Mọi thứ ngổn ngang. Tôi chưa tính được gì cả. Thoát chết là may mắn lắm rồi", anh Nguyễn Đức Hải (ngụ huyện Kỳ Sơn) nói khi vừa trở về nhà sáng 3/10, để dọn dẹp tiệm sửa xe, đào từng lớp bùn, lấy xe máy, máy móc, dụng cụ làm nghề còn sót lại sau trận lũ quét rạng sáng 2/10.
Người đàn ông này chưa thể thống kê hết thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng chưa thể tìm ra phương án đền bù cho khách hàng.
Chạy lũ lúc rạng sáng
Gia đình anh Hải là một trong số hàng nghìn hộ dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang dọn lớp bùn dày hơn 1 m, cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau trận lũ lịch sử.
Ghi nhận của Zing chiều 3/10 - một ngày sau cơn lũ quét, con đường từ thị trấn Mường Xén vào các bản Hòa Sơn, Sơn Hà (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chỉ toàn đất đá, cây cối ngổn ngang.
Rất may có nhiều vật chặn trước cửa nên nhà tôi kịp thoát thân.
Anh Nguyễn Đức Hải
Các hộ dân tộc Thái, Mông ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, bao đời nay sống bên suối Huồi Giảng đang gánh hậu quả nặng do cơn lũ quét gây ra.
Anh Nguyễn Đức Hải nhớ lại khi đang ngủ say khuya 1/10, anh nghe tiếng đập cửa từ hàng xóm, gọi dậy chạy lũ. Mắt nhắm mắt mở nghĩ chỉ là mưa lớn như mọi khi, lúc đầu anh Hải chưa vội. Nhưng rồi anh giật mình khi thấy nước cao quá đầu gối, kèm theo nhiều đất đá ào ào đổ xuống trước cửa nhà.
Người đàn ông này vội gọi vợ con dậy, lục tìm giấy tờ trong tủ rồi mở toang cửa sau để chạy lên ngôi nhà hai tầng gần đó lánh nạn.
"Rất may có vật chặn cửa trước nên nước vào từ từ, nhà tôi kịp thoát thân. Nếu không, nước lũ có thể cuốn trôi cả gia đình tôi", anh Hải kể.
Tiệm sửa xe máy của anh Nguyễn Đức Hải bị vùi trong lớp bùn sau trận lũ quét. Ảnh: Phạm Trường. |
Dọn dẹp căn nhà cấp 4 với lớp bùn đất ngang đầu gối, bà Lương Thị Ỏn (42 tuổi) khóc nghẹn khi kể về trận lũ.
Từ tối 1/10, trong cơn mưa lớn, gia đình anh trai bà Ỏn vội gửi nhờ đồ đạc qua căn nhà cấp 4 của bà, phòng mưa lớn hư hại tài sản. Đến khuya, dòng nước lớn cùng đất đá ào vào nhà, ngập tới ngang hông. Bỏ lại tất cả đồ đạc của gia đình và anh trai, bà Ỏn chạy lũ để giữ mạng.
"Tiếng động ầm ầm từ xa vọng đến, nước lũ kèm theo cây cối, đất đá chảy cuồn cuộn. Lúc đó, tôi chỉ biết làm sao thoát chết", bà Ỏn nói và cho rằng lũ quét đợt này nghiêm trọng hơn nhiều so với trận lũ lớn năm 2011 và 2018.
Trận lũ năm 2011 và 2018 chỉ dâng cao chứ không kèm theo đất đá với áp lực mạnh, như đợt rạng sáng 2/10.
Không còn một bộ quần áo
Sinh sống ở bản Hòa Sơn nhiều năm nay, chị Lằm Thị Nhỏm (38 tuổi) chưa khi nào chứng kiến trận lũ lớn như vậy. "Gia đình tôi mất hết tài sản. Một bộ quần áo cho con đi học cũng không còn, chỉ có lớp bùn đất dày bám vào nhà", chị Nhỏm thở dài.
Một bộ quần áo cho con đi học cũng không còn, chỉ có lớp bùn đất dày bám vào nhà.
Chị Lằm Thị Nhỏm
Chị Nhỏm kể từ chiều 1/10, trời mưa to. Đến khuya, nước dâng cao, toàn bộ tài sản trôi theo dòng nước. Gia đình chị Nhỏm chỉ kịp chạy thoát thân chứ không đem theo tài sản gì.
Khi trở về nhà, người phụ nữ này bàng hoàng khi căn nhà trơ trọi, toàn bộ bàn, ghế, giường, tủ,... trong nhà trôi theo dòng nước lũ.
Thống kê chưa đầy đủ của chính quyền, trận lũ quét qua thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ làm trôi 13 nhà, khiến 50 nhà bị ngập, 19 hộ bị sạt lở và 3 nhà kiên cố bị sạt hoàn toàn.
Hiện xã Tây Sơn vẫn bị cô lập do sạt lở và nước ngập dọc tuyến đường. Còn tại xã Tà Cạ, bộ đội đã buộc tre qua suối Huồi Giảng để tiếp cận hiện trường, giúp người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Sáng 3/10, bản Hoà Sơn và Sơn Hà (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn chìm trong nước lũ. Ảnh: Phạm Trường. |
Ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết trước khi lũ quét đổ về, địa phương đã đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, còn tài sản không kịp chuyển vì lũ đổ về quá nhanh. Hiện chính quyền huy động tất cả lực lượng bộ đội, công an, bắc cầu tạm qua suối để tiếp cận các vùng bị thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục, sớm ổn định cuộc sống.
Có mặt tại vùng tâm lũ Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, chỉ đạo các lực lượng, khẩn trương hỗ trợ người dân có nơi ăn chốn ở, không để dân đói rét do mưa lũ.
Địa phương sẽ điều động các lực lượng địa phương khoảng 300 chiến sĩ giúp dân dọn dẹp, khắc phục. Tỉnh cũng sẽ điều động các lực lượng vũ trang có mặt tại Kỳ Sơn khắc phục, xử lý bùn đất, sớm ổn định đời sống nhân dân.