Hai tháng nay, nông dân các xã Nga Thanh, Nga Thủy, Nga Tân, Nga Tiến... (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) vào mùa thu hoạch cói để làm chiếu. Do thời tiết nắng khắc nghiệt kéo dài, họ phải dậy từ 2-3h, chong đèn ngoài cánh đồng làm việc để tránh nóng. |
Ông Hoàng Văn Sơn (57 tuổi, thôn 1, xã Nga Tân) cho biết vợ chồng ông thường dậy sớm, mang theo bóng đèn tích điện, bình ắc quy ra đồng. "Phải như vậy chứ nắng lên bỏng rát là không làm được. Ngày thì chúng tôi ăn vội bữa sáng để làm, ngày thì không kịp cả ăn", ông Sơn nói. |
Ông Mai Văn Thức (thôn 2, Nga Tân) cho biết thường thì các thành viên trong gia đình sẽ đi thu hoạch cói với nhau. "Nếu diện tích lớn, chủ ruộng phải thuê thêm lao động với mức chi trả 150.000-200.000 đồng/ngày", ông Thức nói. |
Sau khi cắt, người nông dân sẽ gom cói lại thành từng bó. |
Cói được phân thành 3 loại, cây cao trên 1,75 m dùng dệt chiếu loại 1 hoặc đưa đi xuất khẩu. Loại trung bình dài 1,5-1,7 m dệt chiếu cá nhân. Còn cói chết khô dùng để đun nấu hoặc lợp mái. |
Việc chẻ cói cần phải có 2 người và máy tự chế chuyên dụng. Đây là công đoạn mất khá nhiều thời gian và công sức bởi nếu không kịp thời, cói để lâu sẽ héo dẫn đến khó làm. |
Sau khi chẻ cói, người dân sẽ phơi ngay ngoài đồng hoặc dùng xe chở về sân nhà phơi. |
Để dệt thành chiếu, cói phải trải qua 3-4 ngày phơi nắng. Thời tiết năm nay thuận lợi cho việc phơi cói, bởi nếu gặp mưa, cói sẽ hư hỏng, không thể dệt thành chiếu. |
Khi mặt trời lên cũng là lúc công việc thu hoạch cói của người nông dân kết thúc. Họ căng vải che nắng, nghỉ ngơi tại chỗ. Lúc này, nhiều người mới có thời gian ăn bữa sáng. |
Chiếu Nga Sơn được dệt thủ công, nổi tiếng từ xa xưa vì có sợi cói bóng đẹp, nhỏ, dài và mềm mại. Với giá thành hợp lý và sản phẩm phong phú về màu sắc, chiếu Nga Sơn là lựa chọn của nhiều người dân. |
Ngoài kiếm sống, người dân Nga Sơn duy trì nghề để giữ gìn những truyền thống mà cha ông để lại. Lãnh đạo huyện cho hay địa phương này có hơn 700 ha diện tích trồng cói, lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. |