Ngày 2/7, ông Nguyễn Văn Quỳ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, cho biết sẽ cho kiểm tra thông tin một người dân đào được một số pho tượng bằng kim loại gần núi Tàu (xã Phước Thể, Tuy Phong).
Những pho tượng người dân đào được gần núi Tàu. Ảnh: Người dân cung cấp. |
Theo thông tin ban đầu, chiều 1/7, gia đình một người dân địa phương dùng xe múc đào ao trong vườn nhà thì phát hiện một số pho tượng bằng kim loại màu vàng. Vị trí đào được các pho tượng nằm gần núi Tàu, ngọn núi được cho là nơi cất giấu 4.000 tấn vàng của quân đội Nhật.
Những vật được tìm thấy ở độ sâu khoảng 5 m gồm một bình hồ lô, một tượng phật cưỡi cá chép, 2 con cóc ngậm tiền. Các cổ vật được đúc hoa văn tinh xảo, dưới đế có khắc chữ Hán. Mỗi cổ vật có trọng lượng từ 1 đến 1,6 kg.
Ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch huyện Tuy Phong, cho biết chỉ nắm thông tin vụ việc qua báo chí. Huyện sẽ tiến hành xác minh thông tin trên.
“Có thể người dân đào được nhưng không trình báo chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ xác minh thông tin trên”, ông Huỳnh Văn Điển cho hay.
Các pho tượng đều bằng kim loại màu vàng, được đúc tinh xảo và có khắc chữ Hán bên dưới. Ảnh: Người dân cung cấp. |
Núi Tàu nổi tiếng với hành trình tìm kho báu 4.000 tấn vàng của quân đội Nhật kéo dài hơn 20 năm của ông Trần Văn Tiệp (ngụ tại Phú Nhuận, TP. HCM). Ông Tiệp cho rằng mình có trong tay bản đồ nơi chôn giấu kho báu của quân đội Nhật chôn tại núi Tàu thời Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Năm 1993, UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép cho ông Tiệp thăm dò để tìm kho báu. Sau nhiều lần gia hạn nhưng việc tìm kiếm không kết quả, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chấm dứt hành trình tìm kiếm kho báu 4.000 tấn vàng này. Đến nay kho báu 4.000 tấn vàng của quân đội Nhật ở núi Tàu vẫn là một bí ẩn.
Núi Tàu (chấm đỏ) nổi tiếng với thông tin kho báu 4.000 tấn vàng của quân đội Nhật. Ảnh: Google Maps. |