Từ chiều 30 tháng Chạp, người Trung Quốc quây quần bên gia đình. Họ cùng trò chuyện vui vẻ và làm sủi cảo, món ăn không thể thiếu trong dịp năm mới. Sủi cảo là món ăn xuất hiện từ thời Đông Hán, ban đầu được coi là một vị thuốc, giúp sưởi ấm cơ thể trong những ngày mùa đông lạnh giá. Ngày nay, người dân ăn món này vào dịp Tết vì nó mang ý nghĩa đoàn viên, hạnh phúc. Ngoài ra, hình dạng của sủi cảo giống nén bạc thời cổ, nên nó cũng mang ý nghĩa tài lộc. 30 Tết là dịp mọi người cùng nặn sủi cảo, ăn uống và xem những chương trình đón năm mới trên truyền hình. Ảnh: Getty. |
Sau khi dành ngày cuối cùng của năm cũ cho việc dọn dẹp nhà cửa, người Hàn Quốc tắm nước nóng trước đêm giao thừa để gột rửa những điều không may mắn. Họ quan niệm rằng nếu ngủ trong khoảnh khắc giao thừa, râu tóc sẽ bạc trắng vào sáng hôm sau và trí óc sẽ kém minh mẫn. Vì vậy, hầu hết người dân xứ kim chi đều thức đón giao thừa. Họ đốt những thanh tre vì tiếng nổ lách tách sẽ xua tan ma quỷ và đem lại hạnh phúc trong năm mới. Ảnh: Getty. |
Giống như nhiều nước châu Á khác, Tết cũng là dịp để người Mông Cổ sum họp và ăn những món ăn cổ truyền. Trước giao thừa, họ sẽ rửa chén bát của mình bằng sữa ngựa. Ngay sau khi năm mới đến, người Mông Cổ thực hiện nghi lễ uống trà. Chén trà đầu tiên được mang ra sân nhà, vẩy khắp các phía. Chén thứ hai dành cho gia chủ, và sau đó là các thành viên trong gia đình. Ảnh: Twistingspoke. |
Nếu năm mới dương lịch, cả thế giới ngóng chờ màn pháo hoa tại cầu cảng Sydney thì Tết là khoảng thời gian dành cho Hong Kong. Là nơi pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, Đông và Tây, người dân Hong Kong thường tập trung ở cảng Victoria nổi tiếng để cùng ngắm màn trình diễn pháo hoa kéo dài 30 phút. Kèm với đó là nhiều tiếng pháo nổ lớn. Đây là quan niệm của người Trung Quốc, rằng tiếng pháo sẽ xua đuổi quỷ dữ cùng những điềm xấu. Ảnh: Getty. |
Người Singapore chia sẻ nhiều nét tương đồng với Việt Nam trong truyền thống đón năm mới. Sau khi có bữa cơm tất niên cùng các thành viên trong gia đình, họ ngồi trò chuyện vui vẻ đón năm mới. Một số khác đến các đền, chùa và chờ đợi khoảnh khắc giao thừa. Năm mới âm lịch là một trong những lễ hội lớn nhất tại đảo quốc sư tử. Trong ngày 30 Tết, nhiều hoạt động vui chơi, ca hát, múa lân diễn ra trên khắp đường phố. Ảnh: Getty |
Dù chuyển sang đón năm mới vào ngày 1/1 dương lịch nhằm tiết kiệm thời gian và tăng lợi ích kinh tế từ năm 1873, Tết của người Nhật Bản vẫn giữ được những nét truyền thống, dù có phần im ắng hơn nhiều quốc gia châu Á khác. Trong đêm giao thừa, người dân đất nước mặt trời mọc có truyền thống ăn mì sợi dài toshikoshi-soba, sau đó tới thăm đền, chùa để cầu nguyện, uống rượu amazake và rút quẻ đầu năm. Ảnh: Getty. |
Ở Việt Nam, người dân quây quần bên gia đình từ chiều 30 Tết. Mọi người trò chuyện và cùng chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa. Khi thời khắc chuyển giao đến, người Việt làm lễ và hóa vàng cho ông bà tổ tiên. Một số người thích ra ngoài, tụ tập ở những địa điểm công cộng và xem những màn trình diễn đón chào năm mới. Ảnh: Getty. |
Mọi nhà ở Đài Loan đều chuẩn bị thật nhiều món ăn để đón tổ tiên ông bà về vui Tết với con cháu. Đêm trước ngày 30 mọi thứ đều sẵn sàng, từ ăn uống, trang phục, nhà cửa và lịch trình đi chơi đều có trình tự rõ ràng, cụ thể. Người Đài Loan thức cả đêm giao thừa để cầu phúc và thọ cho ông bà, cha mẹ. Họ cùng ăn những món ăn truyền thống bên mâm cỗ gia đình, rồi đi chùa cầu may trong những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Ảnh: Getty. |