Chợ Đông Ba. Ảnh: Minhnguyet.47, yunatyty. |
Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã không thôi xúc động với hình bóng những người đàn bà nhỏ bé và tần tảo. Họ đẩy xe, cắp rổ hay quang gánh đi bộ trên những con đường dài để mưu sinh, thân thể như những bức tượng đồng đen chuyển động.
Bên trong hàng quán của họ, những thứ tầm thường hiện lên mới mẻ như được phủ một lớp bụi óng ánh, trĩu nặng thơm thảo.
Những sắn khoai, mắm muối, gạo cơm… lấp lánh dưới bàn tay người đàn bà, cho ra một mùi vị no đủ, một cảm giác ấm êm cho những đứa con ngây thơ đang đợi họ trở về.
Nhìn cách họ vuốt phẳng phiu từng tờ bạc lẻ rồi xếp thành cuộn gọn gàng, tôi tưởng như những đồng tiền đó đã bay hết vị tanh nồng bạc bẽo mà thơm tho như giấy mới.
Ngày mai những tờ bạc ấy sẽ thoát kiếp để đầu thai thành sách vở, áo mới, cơm ngon cho bầy con trong mái ấm của người đàn bà. Những người đàn bà chưa bao giờ biết từ chối hay phản bội con cái họ.
Họ cũng chưa bao giờ hé môi than thở cực nhọc với chồng con điều gì, mà luôn luôn câu trả lời là “có”, mỗi khi chồng con họ yêu cầu.
Sách Những người đàn bà phi thường. Ảnh QM. |
Như mẹ Na chẳng hạn, bà cũng bị chồng bỏ nhưng bà có cách xử lý khôn ngoan. Bà chọn cách yêu thương những đứa con gấp đôi, bù đắp gấp đôi vào những thiếu hụt trống trải mà chồng để lại.
Na là bạn học chung cấp 1, cấp 2 với tôi. Na mắt hí, trắng bóc, tròn tròn và êm êm như thể toàn thân cô ấy được làm bằng bánh dẻo. Ngược lại, mẹ cô ấy xương xóc, gân guốc và khắc khổ.
Tuy bằng tuổi nhau nhưng Na nấu nướng, dọn dẹp giỏi hơn tôi gấp mấy lần, vì mẹ cô ấy cả ngày ngoài chợ mà nhà cô ấy lại không có chị giúp việc.
Hồi ba Na chưa bỏ đi, nhà Na là gia đình khá giả có tiếng trong xóm. Mấy anh lớn đều ăn mặc rất lịch sự, đồng hồ và xe đạp của họ luôn sáng bóng khiến cả xóm phải xuýt xoa ngưỡng mộ.
Ba Na làm thầu đồ gỗ, tiền đem về nhiều nên trong nhà tiêu xài rất rộng rãi. Vậy mà em út Na chưa kịp chào đời thì ông ấy đã đột ngột đi theo người đàn bà khác, bỏ mặc mấy mẹ con hụt hẫng trong căn nhà đã quen với sung túc đầy đủ.
Mẹ Na nói về việc đó, việc ba Na có vợ nhỏ, bằng một thái độ bình tĩnh xa cách kiểu như ai đó muốn né sang một bên khi đi ngang qua vũng sình.
Tôi rất quý Na và cả gia đình cô ấy. Na khéo tay, siêng năng, vui vẻ và giữ gìn sách vở rất gọn gàng, sạch đẹp.
Dù bề ngoài là vậy, nhưng bên trong, cả nhà Na đang chông chênh lạc lối, một điều gì đó mà tôi cảm giác mỗi ngày mỗi rõ nét.
Tôi chưa bao giờ được gặp ba Na, chỉ nghe cô ấy kể sơ sài và lãnh đạm rằng ông ấy đang có một gia đình khác với những đứa con khác, nhưng dù sao thì cũng không còn quan trọng nữa.
Ngược lại, mẹ Na có mặt trong mọi câu chuyện, trong từng cái chén ăn cơm, trong từng ca nước trong vắt, trong từng bữa cơm được Na dọn ra nóng hổi cho cả mấy anh em, dù dì ấy bận cả ngày ngoài chợ.
Mẹ Na có một sạp hàng gia vị ở chợ Đông Ba và đó luôn là một điểm đến hấp dẫn. Mùi ớt bột, mùi ngũ vị hương, mùi măng khô,… quyện lại với nhau xông lên nồng nàn sống động, mỗi khi tôi cùng Na len vào giữa những lối đi nhỏ chật ních trong lòng chợ nóng hầm hập để đến sạp của dì xin tiền mua đồ dùng học tập.
Mẹ Na đứng lọt giữa những bao gia vị mở sẵn được xếp thành những tầng cao thấp ngay ngắn, miệng bao vấn xuống để lộ ra các loại bột gia vị khác nhau, màu hổ phách, vàng thẫm hay nâu đỏ vun lên thành chóp nhọn. Khuôn mặt bà giãn ra nhẹ nhõm khi nhìn thấy chúng tôi.
Khuôn mặt ấy càng không giấu được niềm tự hào óng ánh khi nhắc đến những đứa con học giỏi trong thiếu thốn của mình.
Tôi đâu có biết cả những năm tháng dài một mình buôn bán và nuôi con, những uất hận sầu luỵ của dì ấy được cất giấu đâu đó rất kỹ, dưới tận đáy những bịch gia vị thơm nồng.
Còn với con cái và với cả bạn bè của chúng, dì ấy bao giờ cũng là một người đàn bà ấm áp, luôn đặt mình trong chế độ sẵn sàng, để đáp ứng bất kỳ một mong muốn nào của bầy con bảy đứa.
Mẹ Na không bao giờ nói “không”.
Mà sạp gia vị thì càng ngày càng chật vật, các anh Na đã thành thanh niên, nhu cầu cũng lớn hơn và nhất là họ cần chút tiền để làm vốn liếng. Mẹ Na bắt buộc phải vay mượn nợ nần.
Người đàn bà bất hạnh đó nuôi con ăn học đàng hoàng, tươm tất không kém gì một gia đình khá giả có đầy đủ cha mẹ, bằng cách bán lần bán hồi đồ đạc trong nhà, cho đến bước đường cùng là cả căn nhà. Những khoản vay mượn của dì không thể xoay xở trông cậy vào đâu được nữa.
Ngày Na thông báo cho tôi biết là cả nhà sắp phải đi Sài Gòn, tôi lo lắm, hỏi mọi người vào trong ấy có bà con gì không, cả nhà sẽ làm gì…, nhưng cô ấy không biết.
Cô ấy nói cứ đi cái đã rồi tính, rồi sẽ có cách, họ sẽ buôn bán nhỏ lẻ hay lao động tay chân gì đó, miễn là đoạn tuyệt được hoàn toàn với quá khứ sung túc mà mãi hoài họ vẫn không thể từ bỏ.
Tôi cứ băn khoăn sao việc mất chồng lại trở thành một khiếm khuyết lớn lao trong cuộc đời người đàn bà như vậy.
Trong khi với đàn ông, người vợ nói cho cùng cũng chỉ như một mảnh ghép gắn vào cho cuộc đời họ thêm phần hoàn hảo. Nếu lỡ có mất họ cũng dễ tìm thấy mảnh ghép mới…