Minh họa: Adobe Stock. |
Bài “Bờ em” có chút siêu thực mà ngồn ngộn ý tình. Mảnh thu, đêm, sóng... đồng lõa vẽ nỗi buồn phụ nữ, hoang hoải đến vô cùng.
“Mảnh thu sót hững hờ soi hẻm phố / Bóng một người buồn nữ vắt ngang song / Đêm đồng lõa, đêm duềnh lên như sóng / Xô mãi bờ em / Đêm dài dài tận vô cùng”.
Bài thơ “Thốc gió”, trong tập cũng là một bài thơ hay, tình ý thẳm sâu “Khát vọng, xanh còn ẩn náu / Dỗ buồn giấc dỗi hờn đêm / Từ khi người thành kẻ lạ / Em dần đơn lẻ rồi quen”.
Câu thơ cuối trôi chảy nhưng khiến người nghe se thắt ruột, gan, nghe mà muốn bật trào nước mắt về sự nhẫn nhịn, chịu đựng của người phụ nữ!
Thơ Phúc Đinh ở lãnh địa tình yêu như mặc định, chấp nhận thua thiệt, chấp nhận đơn lẻ, cô đơn, thành quen… cô độc cũng không là gì “Phố giờ thiêm thiếp giấc sâu / Một thao thức, cúi gục đầu rưng rưng / Và đêm, đêm cứ dửng dưng / Một em cô độc cũng không là gì (Cô độc). Sự cô độc cũng nhận hy sinh về mình như số mệnh phải chịu chứ không hờn, trách ai!
Sách Vỗ dọc mùa đêm trắng. |
Với tâm thế tay không đòi hái trời, đòi bước qua vũ trụ… người ta có thể nghĩ nhà thơ Phúc Đinh sẽ có những hành động “Chọc trời khuấy nước mặc dầu”. Nhưng chị chỉ là người phụ nữ bình thường, cực kỳ nữ tính, bao dung và mẫn cảm. Chị nhìn biển trời chỉ trong đáy mắt, nhưng chỉ cần một lát cắt thôi cũng đủ làm cả một mùa say: “Ta thấy biển trời trong đáy mắt / Ném ánh nhìn ma mị sáng mai nay / Đã tưởng ngàn năm tim băng giá / Lát cắt thôi, nút vỡ một mùa say” (Lát cắt).
Còn rất nhiều bài thơ trong tập cho thấy nhà thơ Phúc Đinh mẫn cảm, tinh tế: “Có phải mùa đông đang sang đấy / Áo thu thay trên ngọn cỏ gầy / Và xác lá xếp dày mặt đất / Thu giũ buồn ở lại thu đi…” (Mùa đông không phải thế). Một mùa thu biết thay áo mới, biết thức, ngủ, thở, biết khát khao, biết buông bỏ… Mùa thu biết giũ buồn ở lại thu đi như một người phụ nữ mạnh mẽ cá tính.
Tập thơ Vỗ dọc mùa đêm trắng phần nhiều là thể thơ tự do, nhưng cũng không ít bài sử dụng lối thơ lục bát truyền thống, đậm chất ca dao, dân ca, như bài thơ “Tháng tư”. Nhà thơ sử dụng các biện pháp đảo ngữ, điệp ngữ tạo ấn tượng mạnh về sự vận động của hoa, lá, cỏ cây, thời gian và tình cảm con người như sông, như sóng… lúc êm ái, lúc dập dồn: “Âm ve, màu phượng, tán bàng / Nét thương hạ cũ cứ bàng hoàng vây / Mái trường, bè bạn, cô thầy / Và bao ký ức một ngày. Hình như / Sóng chao, từ độ, đến chừ / Đêm xao xác lá, đêm ừ ngược đêm / Bên thềm. Nhớ. Nhớ. Gọi tên / Xô con sóng hạ, chao bên phía. Người / Em cầm. Từ ấy. Lạc trôi / Bao thương hạ cũ đầy - vơi. Một chiều”.