Bị cái nghèo đày đọa đến nỗi phải đợ con và tìm tới cái chết, nhưng nghị lực sống phi thường đã nâng bà đứng lên làm lại cuộc đời, chặt hết những đốt tay hoại tử để xây nhà.
Người đàn bà ấy tên là Trần Thị Hằng, bảy mươi mốt tuổi, quê ở xã Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Trong biệt thự ba tầng khang trang vào bậc nhất vùng đất lúa, bà Hằng kể lại câu chuyện đời mình - cuộc đời của một người vô thừa nhận, bị hắt hủi và khinh miệt.
|
Từ đôi bàn tay cụt, bà Hằng đã gây dựng được khối tài sản giá trị. |
“Tôi không thể chết”!
Sau khi tốt nghiệp ĐH Tài chính kế toán, năm 1967 cô gái trẻ Trần Thị Hằng xung phong vào chiến trường miền Nam. Bom đạn trên đường hành quân không giết chết bà nhưng sốt rét rừng lại khiến bà sống dở, chết dở, da xanh như tàu lá, tóc không còn một sợi.
Được đưa ra Bắc những tưởng chờ chết, nhưng bà vượt qua và tiếp tục công tác tại Bộ Tài chính. Hai năm sau, một quả bom rơi sát nơi bà làm việc. Bà tắt thở, được đồng đội bó chiếu, nhưng lúc ấy bà choàng dậy nói vỏn vẹn: “Tôi không thể chết”.
Nghỉ việc về quê chồng ở Bắc Ninh, ngày bà lên bàn đẻ cũng là lúc chồng bà đào ngũ. Cái tiếng vợ kẻ đào ngũ bắt đầu những khổ đau ám ảnh bà và con trai bé bỏng. Họa vô đơn chí, lúc này bà bắt đầu thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh phong quái ác.
Ngày chồng bà ra tù, những mong hạnh phúc được đắp bù. Tréo ngoe, người đàn ông ấy cũng ruồng rẫy bà đi theo người con gái khác. Đường cùng, bà dắt con trai tên là Tú Anh về Thái Bình – nơi bố bà đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Chuỗi ngày đau khổ của bà Hằng và đứa con trai bắt đầu dài hơn, khủng khiếp hơn. Chính quyền địa phương nghi bà “trốn chúa lộn chồng” lại mang bệnh hủi trong người nên không nhập khẩu cho bà. 10 năm ròng, không hộ khẩu, người đàn bà ấy đã có lúc tìm đến cái chết. Nhưng vì đứa con, bà phải sống.
Hàng ngày, bà Hằng đặt con vào một bên quang gánh, đầu còn lại đặt hòn đá cho cân rồi quảy ra chợ. Đứa con chính là tín vật để bà cầm nợ cho chủ hàng lấy mớ rau con cá bán kiếm lời. Đêm đến, bà đem tiền về chuộc lại con. Có ngày, hàng ế bà đành chịu xa con một đêm mà lòng đau hơn xát muối.
|
Ngôi nhà khang trang được bà Hằng xây bằng máu và nước mắt. |
Vượt mọi trầm luân
Sau nhiều năm ròng rã, cuối cùng bà Hằng cũng dành dụm được 1 triệu đồng. Bà mua cái ao hoang phải vay nặng lãi thêm 1 triệu đồng nữa. Khoản tiền ấy, 10 năm sau mới trả xong, lãi cũng đẻ thêm ra 10 triệu đồng.
Ngày đi làm thuê, đêm về bà lại gánh đất lấp ao.
Khi cái ao sâu phẳng dần, đủ để dựng nhà, đôi vai bà cũng chằng chịt những chai, những sẹo. Nghĩ những đêm hai mẹ con vạ vật khắp nơi trên vỉa hè đất Bắc, dù trong tay không một đồng xu, bà Hằng vẫn ước ao có một cái nhà thật to để bù lại cho con trai những ngày cơ cực.
Bà bắt đầu làm thêm, gánh đá cát cùng trăm thứ hàng khác cho người ta. Bà nhận bốc than, hót cả phân chuồng dù đôi tay đang bị “hủi” ăn mòn. Thế nên không chỉ mình mẩy mà bàn tay cũng đau đớn như muôn nghìn kim đâm chích.
Khi có đủ cát, đá, bà Hằng bắt đầu tự tay nhào đất đóng gạch như lực điền. Đôi tay bị “hủi ăn” cứ mòn dần rồi hoại tử.
Vì không có hộ khẩu, không được nhập viện nên bà nghĩ ra một cách điều trị khủng khiếp.
Bà nung đỏ con dao cùn, kê tay lên hòn gạch, miệng cắn một cây chuối non, rồi cứ thế chặt từng đốt ngón tay cho đến khi cả hai bàn tay không còn ngón nào. Ngất đi tỉnh lại, máu tóe thành dòng, bà lại dùng bồ hóng trộn cát thay thuốc cầm máu.
Khi bà cụt hết ngón tay, dân làng mới ập vào trói nghiến “con hủi” lại, giải bà lên bệnh viện như kẻ tội đồ.
Bác sỹ khám xong, kết luận bà không bị phong. Họ trả bà về với 10 viên thuốc Tetaxilin trị giá 10 buổi đi chợ. Thế nhưng, dân làng chính thức liệt bà vào hàng những “con hủi” cần xa lánh.
Tú Anh lúc ấy đang học lớp 3, vì bị bạn bè nguyền rủa, có kẻ còn dọa giết nên bà Hằng đành đưa con xuống Nam Định gửi vào một trại trẻ mồ côi. Bà để lại bức thư vỏn vẹn mấy chữ: “Tú Anh mồ côi, xin hãy thương lấy cháu”.
Bà ra sông Thái Hạc trầm mình. Chấp chới sắp chết thì ông lão thuyền chài đi qua, vớt bà lên khuyên: “Chết dễ, chứ sống khó lắm cháu ạ!”.
Nghĩ về câu nói đó, bà Hằng đón Tú Anh về. Ngôi nhà đang dở dang, bà tiếp tục đóng gạch, gánh đá. Từ một con lợn, bà gây đàn rồi thành trang trại lớn. Ngôi nhà xây mười mấy năm mới xong. Ngày hoàn thành, bà Hằng hét lên: “Tôi còn sống”.
Với tâm niệm: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi đau của con người mà chăm lo cho bộ da của mình”, ngày ngày bà vẫn băm bèo nấu cám, vẫn đi làm thuê kiếm tiền thiên hạ. Bà kiếm không phải cho mình mà cho những mảnh đời cần được an ủi hơn bà.
Tú Anh bây giờ đã có vợ và hai cô con gái đẹp như thiên thần. Gia đình hạnh phúc nhưng vẫn không quên được ký ức những ngày tháng cơ cực phiêu dạt, anh làm giám đốc của một công ty xây dựng, số tiền kiếm được anh cùng mẹ đi làm từ thiện khắp nơi.
Trong lúc trò chuyện, thi thoảng tôi lại nhìn trộm đôi tay cụt ngủn mà bà Hằng đã từng lấy dao chặt đi từng đốt. Đôi tay ấy, hiện rõ những kiên gan và sự bền bỉ phi thường.