Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người cựu chiến binh hơn 40 năm ghi chép lịch sử

Năm 1972, Tiểu đoàn K3 Tam Đảo trải qua trận chiến 81 ngày đêm. Từ khi đất nước độc lập đến nay, ông Nguyễn Văn Hợi đi khắp nơi để ghi chép lại câu chuyện của đồng đội đã hy sinh.

Ông Nguyễn Văn Hợi là cựu chiến binh, nguyên trợ lý quân lực Tiểu đoàn K3 Tam Đảo thuộc bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị. Trận chiến lịch sử tại Thành cổ năm 1972 là ký sức sâu sắc nhất với người cựu binh già.


Thành cổ Quảng Trị nằm soi mình bên dòng Thạch Hãn, địa danh được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt, bi tráng bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Trong trí nhớ và sự xúc động khôn nguôi, người lính già Nguyễn Văn Hợi lần lượt điểm từng tên, nhớ lại từng khuôn mặt, chỉ từng quê hương của mỗi đồng đội mình.

Tan Hiep Phat anh 1
Giữa hoang tàn do bom đạn nơi chiến địa, các chiến sĩ vẫn lạc quan, tươi cười.

Cả một thế hệ thanh niên đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Họ là những chàng trai 18, đôi mươi đến từ mọi miền quê, nhưng đều chung một điểm chiến đấu - Thành cổ, nơi có dòng sông Thạch Hãn bao quanh.

Trong ký ức của người cựu chiến binh, cuộc chiến vào giữa năm 1972 ấy diễn ra như một huyền thoại. Mỗi chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu với toàn bộ sức mạnh, ý chí và tinh thần dân tộc để viết nên “Khúc tráng ca Thành cổ” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Sự dữ dội, quyết liệt của trận quyết chiến chiến lược này đã trở thành kinh điển khắc khoải, đau nhói: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ là đều thấm máu. Sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 - 16/9/1972, địch đã ném xuống thị xã và Thành Cổ Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót” - ông Hợi hồi tưởng.

Trong trí nhớ còn như in của mình, người lính già Nguyễn Văn Hợi bùi ngùi: “Tôi với các đồng chí liên lạc ra bờ sông Thạch Hãn để đón anh em, nhưng suốt một đêm không có một cái phao nào vào cả. Chỉ còn chơi vơi trên dòng sông Thạch Hãn những tiếng kêu của các đồng chí, tiếng kêu mẹ ơi, chị ơi… Các đồng chí còn đang trẻ lắm, người ta mới rời bàn tay ôm ấp của người mẹ, người chị để vào chiến trường”.

Trải qua 81 ngày đêm với lượng bom đạn dội xuống tương đương 7 quả bom nguyên tử, toàn bộ thị xã và Thành cổ Quảng trị bị san bằng. Hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh với thân thể tan vào gạch đá, hòa quyện vào đất mẹ, cỏ cây và dòng sông Thạch Hãn.

Tan Hiep Phat anh 2
Người cựu binh luôn đau đáu về 81 ngày đêm chiến đấu lịch sử.

Ngày nay Thành cổ là một di tích đầy linh thiêng. Toàn thành được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của hàng vạn người lính đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình thống nhất của tổ quốc.

Mỗi lần trở lại Thành cổ, người cựu chiến binh già Nguyễn Văn Hợi không ngăn được những dòng nước mắt lăn dài trên gò má, trên đôi mắt mờ đục màu thời gian.“Các bạn vào thành cổ rộng mênh mông, trời thì trong xanh như thế, cỏ thì non tơ như thế, nhưng mà đồng đội tôi nằm chật” - ông khẽ thở dài.

Kể từ ngày đất nước thống nhất, suốt bao nhiêu năm qua, người lính già Nguyễn Văn Hợi đã đi khắp nơi, ghi chép lại các mẩu chuyện, tấm gương về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của các đồng đội, đồng chí trong 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Nó không chỉ là một sự tri ân, tưởng nhớ mà còn là một lời xin lỗi giá trị để hình ảnh của các đồng đội, đồng chí còn sống mãi với thời gian, non sông, dân tộc.

Tan Hiep Phat anh 3
Suốt 44 năm qua, ông đi khắp nơi để ghi chép lại những mẩu chuyện về các đồng đội.

“Tôi muốn dòng sông Thạch Hãn hãy mang quyển sách này đi để cho đồng đội tôi được đọc, để đồng đội tôi thấy một điều, những người còn sống không bao giờ quên họ cả. Tổ quốc, nhân dân cũng không bao giờ quên họ” - người lính già tâm sự.

Với những áy náy đau đáu khôn nguôi suốt 44 năm qua, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi chia sẻ: “Tôi muốn tạ lỗi với đồng đội tôi, họ làm nên chiến thắng như thế, họ hy sinh vì tổ quốc như thế, mà chúng tôi, những người đồng đội không làm được gì để đưa họ về với đất mẹ, đưa về với gia đình”. Đây cũng tâm sự của ông với đồng đội, được gửi gắm qua chương trình “Lời xin lỗi” của Đài truyền hình Việt Nam.

“Lời xin lỗi” là chương trình truyền hình thực tế, phát sóng vào lúc 20h từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần trên kênh VTV9. Đạo diễn chương trình cho biết: “Sự kiện ông Trần Quí Thanh xin lỗi người tiêu dùng, kêu gọi mọi người tham gia gửi lời xin lỗi tới nhau đã truyền cảm hứng để ê-kíp thực hiện chương trình”.

Sự kiện này nhận được sự quan tâm và ủng hộ của hàng triệu người trên cộng đồng mạng. Hình thành một trào lưu mới trong văn hóa người Việt với hàng nghìn lời xin lỗi được gửi đi mỗi ngày.

Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc TT Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển cho biết: “Những giá trị truyền thống mang tính dân tộc như yêu thương, đùm bọc, cảm thông và bỏ qua cho nhau đang được đánh thức lại với trào lưu xin lỗi đầy tính nhân văn”.

GS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm hy vọng, nét tươi mới và độ lan tỏa mà trào lưu xin lỗi đang tạo ra sẽ trở thành nét văn hóa ứng xử lâu dài của người Việt chúng ta.




Giang Hoàng Nhơn

Bạn có thể quan tâm