Mất cả hàng hóa
Ông Phạm Quang Đông, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Nội Bài (Niags) cho biết, việc mất cắp trước đây xảy ra khá phổ biến; không chỉ hành lý của khách mà cả hàng hóa. Đặc biệt, năm 2014 rộ lên nhiều. Từ đầu năm 2015, công tác an ninh, kiểm soát nhân viên được xí nghiệp siết chặt, việc mất đồ giảm rõ rệt.
Ông Đông dẫn chứng, trước đây các trường hợp hành khách báo mất, quên đồ được tìm thấy và trả lại rất ít (như tháng 1 vừa qua chỉ có 9 trường hợp trả lại, nhưng tháng 7-8 có tới gần 30).
Cùng với đó, số tiền nhặt được trả lại cũng tăng lên, như tháng 1 chỉ có 68 triệu đồng được trả lại, tháng 2 là 77 triệu đồng, tới tháng 8 đã có hơn 1 tỷ đồng.
Theo ông Đông, công nhân bốc xếp hành lý và làm vệ sinh tàu bay là những đối tượng nhạy cảm; quá trình làm việc tiếp xúc trực tiếp với hành lý và đồ của hành khách bỏ quên. Do đó, các biện pháp ngăn chặn trộm cắp được hướng chủ yếu tới những người này.
Cơ quan chức năng dự kiến sẽ gắn camera vào người khuân vác để giám sát. |
Ông Đông liệt kê hàng loạt biện pháp Niags đã triển khai, như: Lắp đặt máy quay cố định và di động ở những vị trí nhạy cảm (bốc và trả hành lý, hầm hàng tàu bay…); tuyên truyền, ký cam kết không trộm cắp, tiếp tay cho hành vi trộm cắp; lập tổ đảm bảo an toàn, an ninh hàng hóa; kiểm soát đồ của nhân viên, xử lý nghiêm nhân viên vi phạm… Tuy vậy, ông Đông thừa nhận, vẫn chưa thể ngăn chặn được hoàn toàn việc trộm cắp, lấy đồ của hành khách.
Dù hầu hết vị trí làm việc của nhân viên bốc xếp hành lý đều có camera, nhưng theo ông Đông, không loại trừ nhân viên lợi dụng những “điểm mù”, hoặc câu kết để “qua mặt” camera. Do đó, hàng tháng Niags đều tổ chức đánh giá, xem lại băng ghi hình quá trình làm việc với một số chuyến bay nhạy cảm, như các chuyến bay từ châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…
“Đây là những đường bay hành khách có nhiều đồ giá trị, nguy cơ trộm cắp cao. Kiểm tra thấy hành vi nghi vấn sẽ điều tra, tìm hiểu, xử lý nếu nhân viên sai phạm”, ông Đông nói.
Từ đầu năm 2015, Niags đã buộc thôi việc 3 nhân viên vệ sinh tàu bay lấy đồ hành khách bỏ quên. Trong đó, có 2 nhân viên vệ sinh tàu bay nhặt được iPad, 1 người nhặt được sách điện tử khách bỏ quên và “tạm thời đút túi”, khi về qua cửa an ninh bị phát hiện.
Về nguy cơ nhân viên bốc xếp lấy đồ của khách khi vận chuyển hành lý nối chuyến quốc tế đi nội địa (vòng ra phía ngoài khu cách ly nhà ga T2 Nội Bài nhà ga quốc tế), ông Đông cho biết: Không còn lối đi nào cho hành lý nối chuyến nên phải đi vòng ra phía ngoài nhà ga. “Chúng tôi đã biết và kiến nghị nhiều lần với các cơ quan chức năng về kẽ hở này”, ông Đông nói.
Công nhân bốc vác phải bảo lãnh
Tại buổi làm việc với Tiền Phong, bà Đoàn Thị Quỳnh Hoa - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Niags cho biết: “Trước khi được nhận vào làm, công nhân phải có người trong công ty bảo lãnh, cam kết về trách nhiệm”, bà Hoa nói.
Về việc tuyển và sử dụng lao động thời vụ, bà Hoa nói, do đặc thù công việc. Khi hết hợp đồng thời vụ (3 tháng), Niags cho công nhân nghỉ 10-15 ngày, sau đó mới ký lại hợp đồng thời vụ khác. Với đối tượng này, mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, cộng tiền ăn (30.000 đồng/ngày), phụ cấp độc hại (15.000 đồng/ngày). Tuy nhiên, họ không được nhận các chế độ về bảo hiểm, thưởng, thu nhập bình xét hàng tháng.
Với lao động có hợp đồng từ 1 năm trở lên, theo bà Hoa, mỗi 6 tháng xí nghiệp sẽ tổ chức bình xét lương 1 lần, do đó có người tăng, người giảm. Với lao động khoảng 20 năm làm tại Niags, mức lương cứng hưởng hàng tháng khoảng 5,3 triệu đồng (chưa trừ bảo hiểm), thưởng, phụ cấp độc hại, tiền ăn và mức lương bình xét 300.000, 500.000 và 700.000 đồng/tháng (tùy vào mức độ hoàn thành công việc, nếu mắc lỗi khoản này có thể không được nhận).
Cũng theo Niags, thông tin về mức lương đăng trong bài viết được hiểu là mức lương cứng mà người lao động nhận được nếu đi làm đảm bảo ngày công và hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài lương cứng, hàng tháng, người lao động được hưởng thêm lương đánh giá trên cơ sở kết quả lao động.
Theo đó, ai làm việc tốt sẽ được lương đánh giá cao hơn. Việc phân chia 2 khoản lương này nhằm khuyến khích người lao động và tạo công bằng. Ngoài ra, người lao động còn được nhận các khoản thu nhập khác (lương bổ sung theo kết quả sản xuất kinh doanh, thưởng an toàn bay, tiền thưởng dịp lễ tết như 1/1 dương lịch, tết nguyên đán, 30/4 và 1/5, 2/9, trợ cấp làm việc trong môi trường độc hại…).
Thực tế 8 tháng năm 2015, người lao động thuộc nhóm nghiệp vụ này đã nhận trung bình 7,2 triệu đồng/tháng, thấp nhất 5,5 triệu, cao nhất 9,5 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, đối với nhân viên bốc dỡ hành lý, vệ sinh tàu bay được kiểm tra kỹ ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ, rời tàu bay.
Tuy vậy, bà Phương thừa nhận, việc kiểm tra trực quan (nhìn, sờ nắn, vuốt) vẫn không thể thực hiện với toàn bộ công nhân. Về việc bố trí nhân viên nữ kiểm tra trực quan nhân viên nam, theo bà Phương là do thiếu nhân lực.