Với khối tài sản cổ phiếu ước đạt khoảng 1.850 tỷ đồng, ông chủ của tập đoàn Tôn Hoa Sen - Lê Phước Vũ đứng thứ 7 trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2013. Vào top 10 từ đầu năm, duy trì vị trí dù thị trường chứng khoán biến động mạnh, khối tài sản cổ phiếu của ông Vũ khiến giới doanh nhân bất ngờ, bởi tăng tới 123% trong vòng 1 năm (số tuyệt đối là 1.079 tỷ đồng). Đây là tỷ lệ lên giá mà chưa một đại gia nào trên sàn có được, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.
Không chỉ nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt, ông Lê Phước Vũ còn là một nhà hảo tâm, tài trợ từ thiện có tiếng. |
Cùng với con số tăng trưởng của thị giá cổ phiếu, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng ngay trong thời điểm thị trường bất động sản và xây dựng Việt Nam đóng băng và nền kinh tế vẫn chịu tác động lớn của khủng hoảng. Lãi sau thuế 11 tháng của HSG vượt 43% kế hoạch, chạm mốc 570 tỷ đồng, tạo dựng vị thế độc tôn trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, khi nắm tới 42% thị phần tôn nội địa.
Thực tế, năm 2013 là một dấu mốc ấn tượng của ông lớn ngành xây dựng, khi thông tin về bản thân vị này và cả doanh nghiệp phủ sóng khắp các mặt báo và phương tiện truyền thông. Người ta đặt cho ông biệt danh là “kẻ ngược sóng”, khi thường xuyên thực hiện những quyết định kinh doanh không giống ai nhưng lại đạt được thành công vang dội trong bối cảnh khủng hoảng.
Trong lúc nhiều doanh nghiệp thu hẹp kinh doanh thì Tôn Hoa Sen lại đầu tư hàng loạt máy móc mới, mở rộng nhà xưởng, đưa nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với quy mô hàng đầu Đông Nam Á vào vận hành chỉ sau 10 tháng, với cái lý rằng "giá thiết bị khi đó rẻ". Đến năm 2011, tính toán của ông chủ Tôn Hoa Sen phát huy tác dụng khi dòng tiền của doanh nghiệp này được cải thiện đáng kể, cùng với hệ thống phân phối riêng được thiết lập trải dài tại nhiều quốc gia trong khu vực. Từ đây, Tôn Hoa Sen xuất khẩu sang Thái Lan, Indonesia... và giúp doanh nghiệp vững vàng và phát triển mạnh ngay trong khủng hoảng.
Một trong những quyết định giúp tên tuổi của Tôn Hoa Sen nổi bật trong năm qua là việc chi hơn 1,5 triệu USD để đưa chàng trai kỳ diệu nhất thế giới Nick Vujicic đến Việt Nam diễn thuyết vào những ngày cuối tháng 5/2013. Số tiền này được chi vào đúng lúc nhiều doanh nghiệp đang phải cắt giảm chi phí, thu hẹp hoạt động khiến không ít người cảm thấy giật mình. Riêng ông chủ Tôn Hoa Sen chia sẻ rằng, đây là một hoạt động tốt cho cộng đồng, do đó, dù chi bao nhiều tiền thì “tôi vẫn không thấy tiếc”.
Sự kiện làm nổi bật tên tuổi của Tôn Hoa Sen năm 2013 là mời Nick Vujicic đến Việt Nam. |
Cùng thời điểm Nick Vujicic đến Việt Nam, cổ phiếu của Tôn Hoa Sen bất ngờ tăng gần 10% thị giá, giúp giá trị tài sản trên sàn của ông Vũ cộng thêm 170 tỷ đồng chỉ trong 2 phiên giao dịch. Khi đó, cổ phiếu HSG đạt mức thị giá cao nhất sau hơn 3 năm niêm yết, ở mức 51.000 đồng/đơn vị. Nhiều người đánh giá ông chủ Tôn Hoa Sen đã có được nhiều hơn số tiền 30 tỷ đồng bỏ ra, vì dù vô tình hay cố ý, sau sự kiện này, hình ảnh của tập đoàn đã đến gần với mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nửa năm sau khi Nick Vujicic đến Việt Nam, khi nhìn những biển quảng cáo dọc nhưng quốc lộ lớn, nhiều người Việt có thể không biết gì về ông chủ của HSG, nhưng hình ảnh chàng trai không chân tay bên cạnh câu nói cổ vũ ý chí con người và logo hình hoa sen đã in dấu đậm nét trong lòng họ.
Sinh năm 1963, quê gốc tại Quảng Nam, người đàn ông vừa qua tuổi ngũ tuần này tốt nghiệp trung cấp giao thông tại Phú Tài, Bình Định với kết quả xuất sắc và được giữ lại làm giảng viên. Tuy nhiên, do cơ chế đãi ngộ lúc đó không giúp ông Vũ đỡ đần gia đình nên người đàn ông này từ chối. Năm 1994, với số vốn trong tay chỉ vỏn vẹn 2 chỉ vàng và 200.000 đồng, ông Vũ và vợ quyết định mở cửa hàng bán tôn nhỏ. "Khi đó ngoài số tiền thuê cửa hàng 500.000 đồng/tháng, tôi còn phải đi vay mượn để có tiền cọc 5 triệu đồng cho chủ nhà. Vốn tính không thích vay mượn, số tiền đó đã khiến tôi trăn trở rất nhiều".
Chủ nhân của khối tài sản gần 100 triệu USD vẫn còn nhớ rõ, lần đầu tiên cầm trên tay số tiền lãi 650.000 đồng mà "vui mừng tới phát khóc". Từ đây, ông tích lãi trả món vay, mở rộng kinh doanh, lập công ty ban đầu với vốn điều lệ 30 tỷ và 22 công nhân, rồi lãnh đạo tập đoàn có vốn hơn 570 tỷ đồng và hàng ngàn lao động.
Vẫn giữ thói quen tính toán lời lãi từ những ngày đầu lập nghiệp, ông Vũ chia sẻ rằng giờ đây, mỗi ngày ông đều yêu cầu cấp dưới báo cáo tài chính trong ngày, dù có đi công tác nước ngoài. "Đôi khi tôi cũng cảm thấy mệt, vì mình điều hành một công ty và lo cho cuộc sống của hàng ngàn người. Nhưng thương trường như một cuộc đua, nó không có giới hạn về tốc độ. Nếu thắng chặng này thì chặng sau không có sự lựa chọn nào khác, buộc phải tiếp tục tăng ga chứ không thể dừng được".