Lorde Cai, một người chuyển giới nữ sống ở Trung Quốc, tìm thấy niềm vui khi nói về cuộc sống của mình trên mạng xã hội.
Cô thường làm các video "biến hình" từ một người đàn ông xuề xòa thành một phụ nữ xinh đẹp, theo đuổi hình tượng "cô gái thành thị". Cai có hàng trăm nghìn người theo dõi trên mạng, cho đến khi mọi thứ bị đảo lộn vào cuối năm 2020.
Cai cho biết lệnh cấm sao nam ẻo lả của chính phủ đã ảnh hưởng tới cộng đồng người chuyển giới nước này. Ảnh: Wu Huiyuan/Sixth Tone. |
Khi chia sẻ rằng mình sử dụng nhà vệ sinh nữ, cô lập tức bị dân mạng tấn công do chưa thực hiện liệu pháp hormone hay phẫu thuật chuyển giới.
"Chưa bao giờ tôi sợ đến thế. Tôi hiểu rằng không phải ai cũng thông cảm và nhận thức được vấn đề này, đó là bản dạng giới của tôi", cô nói với Sixth Tone.
Với cộng đồng người chuyển giới ở xứ tỷ dân, làn sóng bạo lực mạng không hề xa lạ. Song sau khi Trung Quốc cấm các sao nam "nữ tính, ẻo lả" xuất hiện trên tất cả phương tiện truyền thông, những influencer là người chuyển giới cũng bị kéo theo.
Lo mất kế sinh nhai
Theo Sixth Tone, lệnh cấm sao nam theo hình tượng "tiểu thịt tươi, nương pháo" là một phần trong chiến dịch giải quyết cuộc khủng hoảng nam tính ở Trung Quốc.
Nhiều nam influencer đã bị tạm dừng hay đóng tài khoản mạng xã hội vĩnh viễn với nguyên nhân này.
Dù không trực tiếp nhắm đến cộng đồng người chuyển giới, lệnh cấm này lại khiến các ý kiến xuyên tạc, kỳ thị xuất hiện tràn lan trên Internet.
Điều này đẩy họ vào cảnh sợ hãi, bị lạm dụng, đứng trước nguy cơ mất tài khoản kết nối và cũng là nguồn sinh kế hàng ngày.
Ngày càng nhiều người chuyển giới ở Trung Quốc khởi nghiệp với vị trí influencer trên mạng xã hội. Ảnh: Wu Huiyuan/Sixth Tone. |
Vài năm qua, ngày càng nhiều người chuyển giới ở xứ tỷ dân khởi nghiệp dưới tư cách influencer. Họ thường đăng video, phát sóng trực tiếp trên các nền tảng như Bilibili, Xiaohongshu và Taobao.
Tuy nhiên, số lao động chuyển giới được tuyển dụng vào các vị trí như vậy không được thống kê, do hầu hết không công khai danh tính, giới tính trong phần mô tả.
Các công ty đã tìm cách chiêu mộ họ vì muốn đem tới một "luồng gió mới" cho thị trường vốn đã cạnh tranh này.
Yoki Xu, cựu nhân viên tại một công ty ở Thượng Hải, từng tuyển một số nhân sự là người chuyển giới để bán mỹ phẩm qua livestream vào năm 2019.
"Họ trở nên nổi tiếng rất nhanh vì có ngoại hình, tiểu sử đặc biệt. Ban đầu, người xem có thể nhấn vào vì tò mò, nhưng sẽ nán lại lâu khi dần tin tưởng người bán", Xu nói.
Việc xuất hiện trên livestream đem lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng người chuyển giới, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về lâu dài. Ảnh: Gilles Sabrié/The New York Times. |
Ánh mắt tò mò của công chúng khiến nhiều người trong cộng đồng LGBT lo ngại. Song, khi số lượng influencer là người chuyển giới tăng lên, sự hiển thị của cộng đồng cũng trở nên rõ nét hơn.
"Tôi luôn tin mạng xã hội sẽ giúp cộng đồng LGBT+ ở Trung Quốc thể hiện mạnh mẽ hơn, khiến xã hội hiểu rõ về họ hơn", Yang Yifan, nhà nghiên cứu của Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc, nói.
Mạng xã hội đã đem đến việc làm ổn định hơn cho người chuyển giới - nhóm đối tượng bị phân biệt đối xử sâu sắc ở nơi làm việc.
Báo cáo năm 2017 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của cộng đồng này là gần 12%, cao hơn gần ba lần so với tỷ lệ chung trên cả nước vào thời điểm đó.
"Công việc này không phức tạp, ai cũng có thể làm được. Hơn nữa, nó cũng giúp cộng đồng phát triển hơn", Huang Xi, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Trans Wellbeing Team, nói.
Thế nhưng, Xi lo ngại điều này khiến các influencer trong cộng đồng tự đặt mình vào thế nguy hiểm. Bằng cách chia sẻ cuộc sống của mình trên mạng, họ có thể chịu sự tấn công, phân biệt đối xử nặng nề trong tương lai.
"Bạn có thể làm việc này để sống trong thời gian ngắn. Còn về lâu dài, tôi không chắc nó có ảnh hưởng gì xấu tới gia đình, sự nghiệp của bạn hay không", Xi nói.
Làn sóng kỳ thị gia tăng
Chiến dịch cấm sao nam ẻo lả chỉ làm tăng thêm những lo ngại này. 2 influencer lĩnh vực làm đẹp là Xi và Cai đều cho biết nó đã tác động lên một vài sao mạng trong nửa cuối năm 2021 như Kang Yaya, Feng Xiaoyi, Benny Dong.
Họ không phải người thuộc cộng đồng LGBT, song đều nổi tiếng vì đã vượt khỏi các chuẩn mực nam tính truyền thống.
Benny Dong, influencer mảng làm đẹp, phải thay đổi hình tượng sau khi lệnh cấm buộc nhiều người có ảnh hưởng trên mạng phải dừng hoạt động. Ảnh: Bilibili. |
Kang, một sinh viên đại học, thường hóa trang thành các nhân vật nữ trong các câu chuyện cổ tích trong video của mình. Anh đã phải công khai xin lỗi vì "đã có ảnh hưởng xấu" tới cộng đồng, sau khi bị khóa tài khoản trên Douyin.
"Tôi là nam giới nhưng đã ăn mặc như phụ nữ và gây ảnh hưởng xấu. Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả", Kang viết trên Weibo cá nhân.
Một vụ việc khác diễn ra từ tháng 1 khi Jin Xing, người chuyển giới nổi tiếng nhất Trung Quốc, bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi.
Jin Xing, người chuyển giới nổi tiếng nhất Trung Quốc, cho rằng việc bị cắt bỏ hình ảnh khỏi chương trình thực tế bà tham gia là sự phân biệt đối xử. Ảnh: Wang Ruizhong/VCG. |
Jin bị cắt bỏ toàn bộ hình ảnh khỏi chương trình thực tế Shine! Super Brothers và Work for Dreams mà không một lời giải thích. Jin coi sự việc này là "phân biệt đối xử và lạm dụng quyền lực".
Cai cho biết chiến dịch trên không nhắm tới cộng đồng LGBT, song cách sử dụng từ "nữ tính, ẻo lả" lại khơi dậy sự kỳ thị với nhóm thiểu số như họ.
Nhà nghiên cứu Yang cũng đồng tình.
"Dù không trực tiếp nhắm đến, cộng đồng LGBT+ cũng phải chịu áp lực nặng nề khi phải thể hiện bản thân một cách cẩn trọng", ông nói.
Tuy nhiên, Cai cho biết cô sẽ không sống trong sợ hãi. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cô đã quay về nhà và đăng tải video ấy lên Bilibili.
"Tôi không muốn che giấu bản dạng giới của mình nữa. Nếu mất tài khoản mạng xã hội, tôi sẽ lui về làm việc sau hậu trường", cô nói.