Axie Infinity, StepN, những GameFi đình đám hiện đã mất vị trí trên bảng xếp hạng lượng người hoạt động hàng ngày. Điều này đồng nghĩa với việc người chơi không còn hứng thú với các tựa game từng dẫn đầu lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo thống kê từ Footprint Analytics, một số GameFi khác như Alien Worlds và Splinterlands hiện dẫn đầu về số lượng người dùng hoạt động hàng ngày. Ngay cả trong mùa giảm giá của thị trường tiền số, lợi nhuận thấp, người dùng vẫn tiếp tục ở lại với Alien Worlds và Splinterlands.
Lượng người chơi cao nhất thuộc về Splinterlands, chiếm 20,09%. Alien Worlds xếp thứ 2 với 12,15% người dùng GameFi.
Bảng xếp hạng những GameFi có lượng người dùng hoạt động hàng ngày. Ảnh: CoinMarketCap. |
Theo CoinMarketCap, dù đây là không phải là những tựa game được nhiều người biết đến nhưng đội ngũ phát triển đã tránh được tình trạng lạm phát của hệ sinh thái trong game.
Cuối năm 2020 đến giữa 2022, GameFi xuất hiện như một cơn sốt trong ngành blockchain. Lúc thị trường lập đỉnh, lĩnh vực này đã có những đợt tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, đến khi thị trường suy thoái, GameFi không còn là một khoản đầu tư có lợi nhuận cao cho người dùng.
Theo báo cáo của Footprint Analytics, các sự kiện trong năm 2022 đã nêu bật những mâu thuẫn cơ bản trong GameFi. Các tựa game NFT này vẫn đặt nặng yếu tố tài chính hơn là lối chơi cuốn hút. Do đó, các dự án được xây dựng trong làn sóng FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội) và có mô hình bất ổn đã suy thoái theo thị trường.
Khi nhiều người dùng quyết định rời đi, việc các vòng tài trợ bị cắt giảm cũng để lại tổn thất lớn. DeFi Kingdoms và Axie Infinity, 2 công ty lớn nhất trong lĩnh vực GameFi, đã lần lượt sụp đổ bất chấp nỗ lực của đội ngũ phát triển và nhà đầu tư.
Theo dữ liệu hàng tháng của Footprint Analytics, thị trường nhìn chung tiêu cực. Tuy nhiều game và dự án sáng tạo hơn bắt đầu xuất hiện, môi trường kinh tế vĩ mô và sự biến động của thị trường tiền mã hóa đã đẩy lượng người dùng còn hoạt động giảm từ mức đỉnh 3,58 triệu tài khoản hồi tháng 1 xuống còn 1,46 triệu vào cuối tháng 6.
Lượng người dùng mới cũng giảm dần xuống còn 500.000. So với tháng 5, số người dùng đang hoạt động giảm 26,9% và số người dùng mới giảm 16,1%.
Đầu năm 2022, toàn thị trường đã có xu hướng giảm giá trong bối cảnh vĩ mô bất ổn, lạm phát gia tăng. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, chỉ số S&P 500 đã khiến Bitcoin mất hàng tỷ USD vốn hóa. Đợt sụt giảm của Bitcoin kéo theo cú đổ sập của toàn bộ thị trường tiền mã hóa.
Chỉ số Fear & Greed Index cũng giảm sâu, đạt trạng thái sợ hãi tột độ. Dữ liệu trên chuỗi khối cho thấy nhà đầu tư GameFi cũng dần dần giảm sút. Đến nay, chỉ số tâm lý của nhà đầu tư có phần phục hồi. Tuy vậy, giá các loại tiền số vẫn chưa phản ứng mạnh mẽ.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.