'Người biểu tình' được bầu là 'Nhân vật của năm 2011'
Lịch sử chỉ được định nghĩa khi người ta nhìn lại quá khứ, nhưng vụ tự thiêu của một người bán hoa quả ở Tunisia vì bị đối xử bất công đã làm lên lịch sử với các cuộc biểu tình lan rộng trên toàn cầu.
>>Những khoảnh khắc ấn tượng nhất năm 2011
>>Những con số ấn tượng nhất năm 2011
Chính vì lí do đó, tạp chí Time đã quyết định trao danh hiệu Nhân vật của năm 2011 cho “Người biểu tình”, bởi những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp năm châu với sự tham gia của hàng chục triệu người đã khiến thế giới thực sự thay đổi.
Trang bìa tạp chí Time khi người biểu tình được chọn là "Nhân vật của năm 2011". |
Ít ai ngờ, việc một chàng thanh niên vô danh, tự thiêu trên một tuyến phố gần như không có tên trên bản đồ Tunisia lại châm ngòi cho cuộc biểu tình lật đổ các nhà độc tài ở Tunisia, Ai Cập, Libya và làm rung chuyển chế độ ở Syria, Yemen và Bahrain. Thập chí, nó còn khiến cho người Mexico can đảm đứng lên chống lại các băng đảng ma túy, người dân Hi Lạp vùng dậy chống lại các nhà lãnh đạo vô trách nhiệm, rồi khiến người Mỹ đổ xuống đường phản đối bất bình đẳng trong thu nhập.
Theo ước tính, biểu tình đã làm rúng động nhiều quốc gia có tổng dân số lên tới 3 tỷ người, đồng thời tốn giấy mực của báo chí trên toàn thế giới, nhiều hơn bất cứ sự kiện nào khác trong lịch sử.
Dù phải chống chọi với dùi cui, khiên chống đạn, lựu đạn hơi cay hay thậm chí là họng súng, nhưng các cuộc biểu tình vẫn kiên cường và bền bỉ. Dù bắt nguồn từ những bất đồng cá nhân, nhưng hành động dũng cảm của họ đã mang lại sức mạnh lớn lao cho tập thể để đủ sức đốn hạ những thành trì vững chắc bao nhiêu năm thống trị.
Các cuộc biểu tình còn đánh dấu sự nổi lên của thế hệ trẻ nhằm quyết định tương lai đất nước. Tại Ai Cập, 60% dân số tham gia biểu tình dưới 25 tuổi đã khiến chính quyền của Tổng thống Mubarak sụp đổ, đồng thời khiến chính quyền quân sự chuyển tiếp điêu đứng. Đa số lực lượng nổi dậy giành chính quyền ở Libya đều là thanh niên, và họ chính là nhân tố quan trọng mang lại thắng lợi cho Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya NTC.
Ngoài ra, đây là lần đầu tiên những người biểu tình sử dụng công nghệ cao để kêu gọi mọi người tham gia và hưởng ứng. TV, điện thoại và các mạng xã hội là công cụ giúp “virus” biểu tình phát tán theo cấp số nhân.
Chàng trai tự thiêu làm nên lịch sử và người mẹ mất con. |
Quay lại với chàng thanh niên tự thiêu ở Tunisia, qua đó vô tình châm ngòi cho các cuộc biểu tình rầm rộ. Anh tên là Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, làm nghề bán hoa quả ở trị trấn Sidi Bouzid, cách Tunis gần 200km về phía Nam. Một buổi sáng thứ sáu cách đây gần một năm, ngày 17/12/2010, anh cũng dọn hàng như bao ngày khác. Và những gã cảnh sát địa phương xuất hiện, phạt tiền và tịch thu hàng hóa của anh như những gì họ vẫn thường làm trong nhiều năm qua. Không những thế, một trong số những kẻ cậy quyền đó đã đánh đập và xúc phạm nhân phẩm của chàng trai trẻ. Quá bức xúc, Bouazizi đi thẳng tới nơi làm việc của các quan chức địa phương để khiếu nại nhưng không được phản hồi. Quá uất nghẹn, Bouazizi đã tự thiêu để thể hiện sự phản đối, bởi ở Tunisia, nhân phẩm là điều không thể xúc phạm.
Hành động của chàng trai đã thực sự tạo ra những tác động lớn lao đối với người dân Tunisia và cả nhân loại. Trong các đoàn người biểu tình nhằm phản đối chế độ chính trị ở Tunisia, hình ảnh của Bouazizi luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Anh đã trở thành biểu tượng trong lòng người dân bị chèn ép trên toàn thế giới.
Chính vì những ảnh hưởng và tác động to lớn đó, tạp chí Time đã quyết định lựa chọn “Người biểu tình” từ hàng loạt những gương mặt xuất sắc nhất năm để trở thành nhân “Nhân vật của năm 2011”.
Trịnh Duy
Theo Bưu điện Việt Nam