Các nhà lãnh đạo Đức đã lên án hành động "không thể chấp nhận được" của người biểu tình nhằm vào tòa nhà Reichstag, tức trụ sở quốc hội, hôm 29/8. Một số người mang theo lá cờ đế quốc trước đây, từng được sử dụng tại Đức cho đến khi Thế chiến I kết thúc.
"Những lá cờ đế quốc và những lời tục tĩu cực hữu trước quốc hội Đức là sự tấn công không thể chấp nhận được", Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói trên Instagram. "Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận điều này".
Người biểu tình bên ngoài tòa nhà Reichstag ở Berlin hôm 29/8. Ảnh: Getty. |
Cảnh sát cho biết khoảng 38.000 người, gấp đôi số lượng dự kiến, đã tập trung tại Berlin để phản đối các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm kiểm soát sự lây lan của virus corona, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Cuối ngày 29/8, hàng trăm người đã vượt qua rào chắn và hàng rào cảnh sát để leo lên bậc tam cấp dẫn đến lối vào Reichstag. Họ đã bị cảnh sát ngăn cản trước khi có thể xông vào tòa nhà trong gang tấc. Cảnh sát đã dùng bình xịt hơi cay và bắt giữ một số người.
Cảnh sát ban đầu dường như không thể chống đỡ, vì lực lượng được triển khai ở đó để chặn đám đông rất mỏng.
"Chúng tôi không thể có mặt ở khắp mọi nơi và chính những điểm yếu này trong việc triển khai đã bị lợi dụng, trong trường hợp này là vượt qua các rào cản an ninh để đến bậc tam cấp Reichstag", phát ngôn viên cảnh sát địa phương, Thilo Cablitz, cho biết.
Tòa nhà Reichstag, nơi các nghị sĩ Đức gặp gỡ, có ý nghĩa biểu tượng lớn tại đất nước. Tòa nhà hình mái vòm từng bị Đức Quốc Xã thiêu rụi vào năm 1933 nhằm phá hủy những gì còn lại của nền dân chủ Đức.
Hình ảnh vụ việc hôm 29/8 khiến nước Đức bàng hoàng.
Reichstag là "trung tâm biểu tượng của nền dân chủ của chúng ta", Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer nói với báo Bild. "Không thể chấp nhận được việc nhìn thấy những kẻ cực đoan và những kẻ gây rối sử dụng nó cho mục đích riêng của họ".
Khoảng 300 người đã bị bắt trong các cuộc ẩu đả với cảnh sát, trước tòa nhà Reichstag và cả bên ngoài Đại sứ quán Nga gần đó, nơi người biểu tình ném chai lọ vào cảnh sát.
Chính quyền thành phố Berlin ban đầu quyết định không cho phép cuộc biểu tình diễn ra, vì lo sợ người biểu tình sẽ không thực hiện giãn cách xã hội hoặc tuân thủ các yêu cầu về việc đeo khẩu trang.
Lệnh cấm dẫn đến sự phẫn nộ của các nhà tổ chức và những người ủng hộ họ. Mạng xã hội tràn ngập những thông điệp giận dữ tuyên bố sẽ phản đối bằng mọi cách, trong đó một số người thậm chí còn kêu gọi bạo lực.
Song vào đêm trước cuộc biểu tình, tòa án hành chính của Berlin đã đứng về phía người biểu tình, nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà tổ chức sẽ "cố tình phớt lờ" các quy định giãn cách xã hội và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.