Albert Einstein là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới với các phát minh và nghiên cứu có tính cách mạng trong lĩnh vực toán học, vật lý và thiên văn học. Theo tài liệu của Đại học Hebrew (Israel), đồng nghiệp và là người bạn có tác động lớn nhất đến sự nghiệp của Einstein là Michelle Besso.
Michele Angelo Besso (1873-1955), là một kỹ sư người Thụy Sĩ, sinh ra và lớn lên tại Italy. Mặc dù thể hiện sự thông minh vượt trội ở bộ môn toán học, Besso vẫn bị đuổi khỏi trường vì không thể hòa nhập với các học sinh khác, một điểm khá tương đồng với câu chuyện thời niên thiếu của Einstein.
Tình bạn bắt đầu từ thời sinh viên
Năm 1896, cả 2 đều đang học khoa kỹ sư điện tử tại Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ, Einstein lúc này chỉ là một thanh niên 17 tuổi chưa có bất kỳ thành tựu nào. Ông lần đầu gặp Besso tại một buổi hòa nhạc ở Zurich.
Besso học chuyên ngành kỹ sư điện, trong khi Einstein theo đuổi ngành vật lý. Cả hai nhận ra họ có một điểm chung là "luôn muốn tìm ra những định luật chính xác trong cuộc sống".
Einstein đề cao sự thông minh của Besso và từng gọi ông là "người mang tư tưởng tương đồng nhất tại châu Âu" trong các hoạt động khoa học.
Ảnh chụp chung hiếm hoi của Albert Einstein (trái) và Michele Besso. Ảnh: Albert Einstein Archives/Hebrew University. |
Lớn hơn Einstein 6 tuổi, Besso dễ dàng giúp người bạn trẻ một chân làm việc tại văn phòng cấp bằng sáng chế Thụy Sĩ. Tại đây, Besso giới thiệu Einstein với các công trình của Ernst Mach, một nhà vật lý và triết học Áo, người đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nghiên cứu về sóng xung kích. Sau này, Einstein thừa nhận Mach đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách ông nghiên cứu về thuyết tương đối.
Einstein bắt đầu tập trung cho các nghiên cứu liên quan tới thuyết tương đối từ năm 1905 đến năm 1917. Einstein và Besso có thói quen gặp nhau để thảo luận về các bài toán khó của nhân loại như sự chuyển động của các phân tử, thuyết lượng tử ánh sáng...
Năm 1922, Einstein tìm đến Besso để trao đổi về khái niệm 2 vũ trụ song song. Dường như cuộc thảo luận giúp thông suốt nhiều vấn đề cho nhà khoa học, khi sau đó 5 tuần, Einstein hoàn thành nghiên cứu "Điện động lực học của các vật thể chuyển động", một phần quan trọng của thuyết tương đối hẹp.
Duy trì tình bạn bằng thư tay suốt 50 năm
Năm 1933, Einstein đang trong chuyến công tác tại Mỹ thì Adoft Hitler lên nắm chính quyền, khiến ông vô tình không thể trở lại nước Đức. Einstein buộc phải sống tại Mỹ và chính thức trở thành công dân nước này vào năm 1940.
Khoảng thời gian tại Mỹ, Einstein vẫn duy trì thói quen thảo luận về các vấn đề khoa học với Besso thông qua thư tay. Theo các văn bản thu thập được, cả 2 bắt đầu viết thư tay cho nhau từ năm 1905 và kết thúc khi Besso mất, quá trình này kéo dài suốt 50 năm.
Thomas Venning, Trưởng bộ phận Sách & Bản thảo tại Christie’s London, cho biết đã khám phá những góc nhìn rất khác về Albert Einstein thông qua các bức thư tay.
"Nó giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc, ở đó có sự phấn khích về mặt trí tuệ, sự hài hước và đáng mến. Chúng thường kết thúc với những kết luận khoa học rất bất ngờ", Thomas cho biết.
Einstein và Besso duy trì thói quen trao đổi kiến thức qua thư tay suốt 50 năm. Ảnh: Christies. |
Đối với đa số người đọc, những nội dung trao đổi của 2 nhà khoa học là rất khó hiểu, như thuyết tương đối rộng và đặc biệt, "hằng số vũ trụ", dịch chuyển của các vạch quang phổ, định nghĩa "mũi tên thời gian", lý thuyết trường thống nhất, cơ học lượng tử...
Tuy nhiên, nội dung của những lá thư tay đã tiết lộ một Einstein hài hước và lém lỉnh, như là việc ông rất quý thời gian được vui chơi cùng các người con. Ông chế giễu sự trịnh trọng của các quan chức Berlin hay cho rằng "chán ngắt" khi tham gia các buổi họp quốc hội liên bang. Einstein còn thể hiện sự dằn vặt trong cuộc hôn nhân đầu tiên khiến ông không thể ở gần bên các người con của mình...
Besso mất ngày 15/3/1955 tại quê nhà Geneva. Trong lá thư cuối cùng gửi cho gia đình của Besso, Einstein không giấu được lòng thương xót.
"Besso đã bắt đầu hành trình sang một thế giới mới. Những nhà khoa học như chúng tôi, những người luôn tin vào vật lý, hiểu rằng khoảng cách giữa hiện tại, quá khứ và tương lai chỉ là một khoảnh khắc của ảo ảnh", Einstein viết.
Đúng 3 tuần sau, Albert Einstein qua đời vào ngày 18/4/1955, kết thúc hành trình vĩ đại của ông trong việc khám phá những quy tắc bí ẩn của vũ trụ.