Theo chương trình học về Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, tôi và hai người bạn có cơ hội được thực tập 10 tháng tại Nhật Bản, bắt đầu từ giữa tháng 12/2022.
Khi mới sang, tôi mang trong mình sự cảnh giác, lúc nào cũng sợ bản thân làm việc chưa đủ chỉn chu. Thêm vào đó, từ lúc ở Việt Nam, tôi hay bị thầy cô "hù" rằng sếp người Nhật khó tính lắm, nên có chút sợ.
Nhưng rồi may mắn, tôi gặp được những người hướng dẫn, đồng nghiệp thân thiện ở khách sạn nơi thực tập, đặc biệt là người chú tôi hay gọi vui vẻ là "ba", một phần rút gọn từ tên chú là Chiba và chú cũng trạc tuổi bố mẹ tôi ở Việt Nam.
Thời tiết Hokkaido rất lạnh, mỗi khi tan làm, chú hay cho chúng tôi ngồi nhờ xe về ký túc xá cho ấm. Có lần, bạn tôi mới sang bị dị ứng thời tiết, tiếng Nhật cũng chưa vững, chính chú giúp đưa bạn đi, đòi thanh toán cả viện phí, mua thức uống.
“Hình ảnh chú lúc đó sao mà giống một người ba quá” - cả đám bọn tôi đều cùng nghĩ như vậy. Thế là tôi ngỏ lời hỏi chú: “Con có thể gọi chú là baba được không, vì chú ấm áp như ba con vậy”.
Thật vui vì chú đồng ý liền, còn nói chú cũng cũng xem tụi tôi như con gái, và vì tụi tôi ở xa gia đình sẽ có nhiều thứ khó khăn, hãy xem chú như ba của mình, một người ba Nhật Bản, có khó khăn gì cứ nói, chú sẽ giúp đỡ bất cứ lúc nào.
Tối hôm trước đi làm về, chúng tôi thấy "ba" để sẵn hộp đồ ăn tặng trước cửa, có kẹo, nước ngọt, rượu và chocolate mà chúng tôi nói thích. Ngoài ra, có một tờ ghi chú viết tay: "Hôm nay cũng là một ngày mấy đứa đã vất vả rồi. Cảm ơn mấy đứa vì lúc nào cũng cố gắng làm việc giúp ba. Ba đứa hãy chia nhau ăn nhé".
Tôi luôn tự nhủ bản thân phải sống tử tế, để đổi lại sự tử tế của người khác. Có lẽ, "ba" chính là một trong những ví dụ cho thấy điều đó hiệu nghiệm.
(Đỗ Hiền, Nhật Bản)