Công dân Italy lên máy bay vận tải quân sự C130 sơ tán khỏi Khartoum, Sudan. Ảnh: Reuters. |
Andrew Mitchell, Bộ trưởng Phát triển và Vấn đề châu Phi, cho biết đã có khoảng 2.000 công dân Anh tại Sudan đăng ký với Bộ Ngoại giao Anh, Guardian đưa tin ngày 24/4.
"Chính phủ đang tìm mọi cách có thể để đưa họ rời khỏi Sudan, nhưng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào", ông nói.
Anh đã sơ tán các nhân viên ngoại giao và gia đình khỏi Sudan vào ngày 23/4, song công dân Anh cần chờ thêm chỉ dẫn mới.
Một người Anh tên William nói với BBC rằng ông đã phải tự tìm cách sơ tán khỏi Sudan, trong khi nhiều quốc gia khác đã sơ tán công dân của họ.
Ông cho biết mình đã rời Khartoum trên xe buýt của ông chủ người Sudan. "Chúng tôi hoàn toàn không nhận được gì ngoài những lời vô nghĩa của chính phủ", ông William nói.
Trong khi đó, bà Iman Abugarga nói rằng mình cảm thấy hoàn toàn bị bỏ rơi bởi chính phủ Anh. "Thật xấu hổ khi họ đã giải quyết tình hình này sai lầm", bà nói.
Công dân và viên chức ngoại giao Tây Ban Nha đang chờ được sơ tán. Ảnh: Reuters. |
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Anh Alicia Kearns thúc giục chính phủ thường xuyên giữ liên lạc với công dân Anh tại Sudan, sau khi BBC cho biết những công dân mắc kẹt chỉ nhận 2 tin nhắn yêu cầu ở trong nhà.
"Điều này chỉ ra họ đã không học được gì từ vụ sơ tán khỏi Afghanistan", bà Kearns nói.
Dù bối cảnh khác nhau, quy trình sơ tán khỏi Sudan đã được so sánh với thời điểm Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021. Khi đó, hàng nghìn công dân đã không thể xuất cảnh đến Anh.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết những nỗ lực cứu trợ tại Sudan sẽ rất hạn chế, cho đến khi các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.