Điều chỉnh hơn 20 lần trong năm 2015, liên tiếp giảm kể từ tháng 10 đến nay, giá xăng dầu trong nước hiện đã đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Riêng giá xăng Ron 92 - loại nhiên liệu phổ biến nhất tại Việt Nam - đã về tương đương mức giá của năm 2010, và thấp hơn khoảng 1.500 đồng so với cuối năm 2014. So với mức giá cao nhất được thiết lập vào giữa năm 2014, giá một lít xăng đã giảm hơn 9.200 đồng.
Tuy vậy, giá cuối năm không phải là mức thấp nhất trong 12 tháng, khi vẫn còn cao hơn thời điểm tháng 2/2015 tới 800 đồng mỗi lít. Trong khi đó, giá xăng thành phẩm tại thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Singapore hiện chỉ khoảng 50 USD một thùng, thấp hơn so với tháng 2 gần 15 USD.
Biểu đồ điều chỉnh giá xăng Ron 92 trong năm 2015. Đồ thị: Hạ Minh. |
Năm 2015 cũng ghi nhận mức thay đổi trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, khi thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng. Điều này khiến tổng thuế, phí, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp kinh doanh chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá.
Trên biểu đồ giá xăng thế giới, với mức chi trả tương đương 0,76 USD mỗi lít, người Việt đang phải chịu chi phí nhiên liệu thấp hơn nhiều so với Thái Lan (0,86 USD), Trung Quốc (0,93 USD) hay Singapore (1,34 USD).
Giá xăng dầu năm tới của Việt Nam tiếp tục được dự đoán sẽ biến động khó lường, khi vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu trong điều kiện tỷ giá ở ngưỡng căng thẳng. Thế giới vẫn tồn tại hai nhận định về giá dầu thế giới, khi nhiều chuyên gia cho rằng nhiên liệu này có thể giảm về mức 20 USD, nhưng số khác lại khẳng định giá đã ở đáy và có thể đảo chiều sớm trong năm 2016. Trong khi đó, đồng USD tăng giá mạnh cũng khiến chi phí nhập khẩu xăng dầu tăng, gây áp lực lên giá bán trong nước.
Ngược chiều với xăng, giá gas sau khi đạt mốc thấp nhất trong năm vào tháng 9 đã tăng cao bất thường trong những tháng cuối năm. Chỉ trong 3 tháng, giá khí nhiên liệu đã tăng tới 42.000 đồng cho một bình loại 12 kg, từ mức 265.000 đồng lên 308.500 đồng. Theo các đại lý gas, giá thế giới tăng mạnh do nhu cầu sử dụng những mùa đông ở mức cao khiến giá trong nước cũng tăng theo.
Giá gas tăng mạnh những tháng cuối năm 2015. Đồ họa: Hạ Minh. |
Giá điện năm 2015 cũng gây ra nhiều tranh cãi, khi rất nhiều người dân cho rằng, biểu giá mới 6 bậc thang áp dụng từ ngày 16/3 đã khiến chi phí cho nhà đèn tăng cao đột biến, nhất là trong những tháng cao điểm nắng nóng. Dù thực tế việc áp dụng biểu 6 bậc chỉ làm tăng giá điện bình quân khoảng 7,5% nhưng lại trở thành gánh nặng cho các gia đình tiêu thụ tới bậc cao nhất, trên 400 kWh.
Tháng 8/2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sẽ xây dựng 3 phương án biểu giá điện mới, gồm giữ nguyên 6 bậc thang, giảm còn 3 bậc hoặc bán đồng giá. Tuy nhiên, các phương án này vẫn được cho là chưa xử lý được tận gốc vấn đề, bởi thiếu tính công bằng giữa những người sử dụng, thể hiện sự độc quyền của doanh nghiệp trong ngành, cũng như thiếu tính hợp lý và rời xa định hướng giá thị trường.
Trong khi cuộc tranh cãi về bài toán giá điện chưa kết thúc, giá nước được điều chỉnh tăng ngay trong tháng 9/2015 tại Hà Nội và từ đầu năm với TP HCM, khiến chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình tại hai thành phố lớn nhất cả nước tăng cao.
Giá nước sạch tại Hà Nội điều chỉnh từ ngày 1/10. |
Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO), đơn vị điều hành hệ thống cấp nước Sông Đà và cung cấp nước cho khoảng 70.000 hộ gia đình tại khu vực Tây Nam Hà Nội, công bố tăng giá 20% từ ngày 1/10. Điều đáng nói là dù tăng giá, nhưng trong tháng 10 và tháng 11, tình trạng mất nước do vỡ đường ống, rò rỉ vẫn xảy ra, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân thủ đô.