Ngày 14/9, câu chuyện Heo Yi Jae giải nghệ vì không thể chịu được tình trạng bắt nạt, quấy rối tình dục khi quay phim vẫn đứng ở trang chủ của cổng thông tin Naver. Đây là một trong những tin tức được công chúng Hàn Quốc quan tâm nhất những ngày qua.
Heo Yi Jae kể cô từng bị một đàn anh đã có gia đình gạ tình khi họ quay phim chung. Nam diễn viên cho rằng anh và Heo Yi Jae vào vai vợ chồng nhưng không cho khán giả thấy sự gắn kết, tình cảm. Bởi thế, anh yêu cầu Heo Yi Jae ngủ chung.
Khi nữ diễn viên bước vào, giọng đồng nghiệp nam rất nhẹ nhàng và bình tĩnh. Anh này nói: “Yi Jae, em có biết mọi người nói gì sau khi xem bộ phim của chúng ta không? Họ nói tôi và em dường như không có tình cảm”.
Khi Heo Yi Jae từ chối, nam diễn viên bắt đầu la hét, ném đồ vào cô. Vụ việc để lại vết thương lớn với Heo Yi Jae. Cô đau khổ mỗi khi nghĩ lại sự việc và quyết định giải nghệ năm 2016.
Nhiều diễn viên, đạo diễn bị vạch trần
Năm 2018, làn sóng #MeToo nhằm vạch trần vấn nạn quấy rối tình dục lan rộng tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Làn sóng tiếp thêm sức mạnh cho nhiều nạn nhân để họ dũng cảm lên tiếng và từ đó, hàng loạt diễn viên, đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc lộ tẩy quá khứ đen tối.
Heo Yi Jae và Ban Min Jeong là nạn nhân của quấy rối tình dục. |
Năm 2018, tòa án tối cao phán quyết nam diễn viên Cho Deok Je - người bị buộc tội quấy rối tình dục khi đóng phim Analog Human - một năm tù giam, hai năm tù treo. Cho Deok Je bị buộc tội có hành vi không phù hợp và cố tình tiếp xúc thân thể với nữ diễn viên Ban Min Jeong trong một cảnh được thực hiện tháng 4/2015.
Ban Min Jeong tố cáo Cho đã cho tay vào quần mà không có sự đồng ý trước của cô. Cho Deok Je phủ nhận cáo buộc nhưng qua quá trình điều tra, tòa án tối cao đứng về phía Ban Min Jeong và xác nhận Cho phạm tội quấy rối tình dục.
The Korea Times nhận định vụ việc cho thấy các diễn viên có thể bị quấy rối tình dục hoặc các hình thức lạm dụng khác trong quá trình quay phim, đặc biệt cảnh quan hệ tình cảm.
Joongang đưa tin nữ diễn viên Choi Yul cáo buộc cô bị đạo diễn Cho Jae Hyun quấy rối. Sau cáo buộc, đạo diễn lên tiếng xin lỗi và bị loại khỏi hàng loạt dự án.
Cuối năm 2020, Kim Ki Duk bị xử thua kiện trong vụ việc nữ diễn viên A và đài truyền hình MBC tố cáo cố đạo diễn có hành vi quấy rối tình dục. Là đạo diễn đình đám, đứng sau thành công của nhiều phim điện ảnh, Kim Ki Duk cùng cáo buộc cưỡng dâm khiến công chúng mất lòng tin vào ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc.
Chương trình PD Notebook của đài MBC vạch trần những chiêu trò gạ gẫm, quấy rối của Kim Ki Duk. Một diễn viên (tạm gọi là A) cho biết Kim cố cởi trang phục và ép cô quan hệ tình dục khi tham dự Liên hoan phim Busan. Kim Ki Duk thường xuyên động chạm vào cơ thể cô, kể cả những bộ phận nhạy cảm. A thậm chí tố cáo Kim ép cô và nữ diễn viên khác quan hệ tình dục 3 người.
Cố đạo diễn Kim Ki Duk và Cho Jae Hyun. Ảnh: Korea Herald. |
Một diễn viên B cho biết cô bị cắt hợp đồng và rời khỏi làng giải trí sau cú sốc gặp Kim tại một quán cà phê. Ở đây, đạo diễn hỏi nữ diễn viên về bộ phận riêng tư và yêu cầu được đi đâu đó để có thể nhìn thấy cô khỏa thân.
Theo nữ diễn viên C, cô bị Kim Ki Duk xé quần áo và tát mười cái.
Trong PD Notebook, nữ diễn viên C cáo buộc cả Kim Ki Duk, Cho Jae Hyun và quản lý của Cho Jae Hyun cưỡng hiếp cô.
“Kim Ki Duk, Cho Jae Hyun và quản lý của Cho giống những con linh cẩu trên phim trường. Họ đã gõ cửa phòng tôi mỗi đêm. Nó giống địa ngục. Họ đã rất điên cuồng với vấn đề tình dục và có vẻ đó là mục tiêu của họ chứ không phải làm phim”, cô nói trong chương trình PD Notebook.
C cho biết cô thường chứng kiến hoặc nghe thấy những người khác bị ép quan hệ tình dục và tự hỏi liệu đó có phải cái giá phải trả để tham gia phim của Kim Ki Duk hay không.
“Tôi bị rách rất nhiều quần áo ở đó. Nhưng nó không tệ như những gì người khác đã trải qua. Lúc đó, chúng tôi không ai còn đủ bình tĩnh để có thể an ủi, chăm sóc nhau. Tất cả đều mất trí”, C nói.
Sau đó, Kim Ki Duk kiện nữ diễn viên A và nhà sản xuất của chương trình PD Notebook vì hành vi phỉ báng, đưa tin sai sự thật. Nhưng tòa án đã bác bỏ đơn kiện của Kim Ki Duk với lý do những cáo buộc chống lại Kim không thể bị đánh giá là sai sự thật.
Nguy cơ bị lạm dụng khi quay cảnh tình cảm
Theo bài viết đăng tháng 4 của The Korea Times, một số hãng phim ở Hollywood tạo ra nhiều biện pháp để bảo vệ diễn viên, đặc biệt khi họ quay cảnh nóng. Tuy nhiên, không giống ở Hollywood, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc chưa coi trọng vấn đề này.
Park Joo Seok, một giám đốc điều hành của xưởng phim có trụ sở tại Seoul, cho biết anh ấy chưa nghe bất cứ điều gì về việc điều phối nhân viên bảo vệ diễn viên khi quay cảnh thân mật.
"Tôi đã tham gia sản xuất một số bộ phim nhưng không hãng phim nào từng thuê nhân viên hỗ trợ trong cảnh thân mật. Trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, hầu như không có thể chế nào hỗ trợ các diễn viên đóng cảnh sex", anh nói với tờ The Korea Times.
Kim Dong Won, phó chủ tịch của Taewon Entertainment cũng xác nhận thông tin trên. Nữ diễn viên Ra Mi Ran cho biết cô từng thực hiện một cảnh nóng mà không nhận được sự bảo vệ. Nếu không có các biện pháp thích hợp, diễn viên cần tự chăm sóc bản thân để đảm bảo họ không bị quấy rối tình dục hoặc trở thành nạn nhân của hành vi sai trái trong quá trình quay phim.
Một số diễn viên hạng A luôn cảnh giác với những bộ phận cơ thể bị lộ ra ngoài và sử dụng đồ bảo hộ để quay cảnh tình cảm. Những diễn viên ít nổi tiếng, không thể hoặc không được phép sử dụng diễn viên thay thế phải sử dụng thiết bị bảo vệ. Thiết bị này giúp họ tránh tình huống “lộ hàng” hoặc ngăn đồng nghiệp lợi dụng cảnh thân mật để quấy rối.
Yoon Jin Seo ám ảnh sau khi quay cảnh tình cảm. |
Thông thường nhân viên trong bộ phận trang điểm hoặc trang phục giao cho nữ diễn viên những thiết bị như vậy trước khi quay cảnh tình cảm. Tuy nhiên, họ không được đào tạo chuyên nghiệp để đối phó với các khía cạnh pháp lý. Ngoài ra, vấn đề tâm lý cũng quan trọng bởi không phải ai cũng đủ dũng cảm để phân định rõ ranh giới giữa cảnh quay với lạm dụng tình dục.
Trong buổi họp báo ra mắt bộ phim Secret Love - một bộ phim tình cảm xoay quanh người phụ nữ yêu em trai của người chồng đã khuất - nữ diễn viên Yoon Jin Seo nói việc quay cảnh ân ái là điều khó khăn đối với tất cả diễn viên. "Thời gian đó, tôi kiệt quệ cả về tinh thần và thể chất", cô thú nhận.
Những con số đáng báo động
Tháng 4, tờ Korea Herald đưa tin 58,3% trong số 843 người được hỏi thừa nhận từng bị bạo lực hay quấy rối tình dục trong quá trình làm phim. Đáng nói bất chấp làn sóng #MeToo nổ ra năm 2018 và vạch trần những tên "yêu râu xanh" núp bóng đạo diễn, diễn viên, tình trạng bạo lực, quấy rối tình dục đã gia tăng.
Theo Korea Herald, năm 2017, tỷ lệ người tham gia phỏng vấn thừa nhận bị quấy rối tình dục là 46,1%, tức thấp hơn khá nhiều so với năm 2021. Cuộc khảo sát do Trung tâm Bình đẳng giới trong Điện ảnh Hàn Quốc thực hiện.
Kết quả của cuộc khảo sát nhằm đánh giá mức độ phổ biến của vấn nạn quấy rối và bạo lực tình dục trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc.
Những người tham gia cuộc khảo sát gồm diễn viên, đạo diễn, đội quay phim và nhân viên trang điểm... Trong số lao động nữ tham gia cuộc khảo sát, 74,6% trả lời họ từng bị bạo lực hoặc quấy rối tình dục, trong khi tỷ lệ nam giới là 37,9%.
Đạo diễn là đối tượng chịu đựng tình trạng bạo lực, quấy rối nghiêm trọng nhất (68,2%), tiếp đến là tổ đạo cụ và trang điểm, hóa trang. Những người làm việc trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, quảng bá, thu âm hay hậu kỳ cũng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân.
Những người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ thường nhận những bình luận liên quan đến chuyện tình dục và ngoại hình hay trò đùa phản cảm. Những bữa ăn tối, uống rượu sau giờ làm việc là địa điểm mà các “yêu râu xanh” dễ giở trò nhất. Ngoài ra, phim trường, địa điểm quay phim hay các cuộc họp cũng là nơi khiến các diễn viên, nhân viên dễ trở thành nạn nhân của tình trạng quấy rối.
Đáng nói vì tâm lý lo sợ nên hầu hết nạn nhân im lặng cho qua vụ việc khiến tình trạng quấy rối tình dục càng nghiêm trọng. Khoảng một nửa số nạn nhân trong cuộc khảo sát, tương đương 51% cho biết họ không làm gì để đáp trả sau khi bị quấy rối và 39,3% nói với bạn bè, đồng nghiệp của họ. Chỉ 8,7% nạn nhân báo cáo sự việc với sếp hoặc người giám sát.