Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngư dân đón Tết giữa trùng khơi

Ngày giáp Tết, vì hoàn cảnh nhiều ngư dân vẫn lặng lẽ ra biển đánh bắt. Ngày Xuân của họ lênh đênh giữa trùng khơi sóng nước.

Trong khi mọi người quây quần đoàn tụ cùng gia đình trong ngày Tết thì một số ngư dân của phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) vẫn hồ hởi dong thuyền ra khơi, hướng thẳng ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản. Họ đón Tết giữa trùng khơi.

Ăn Tết trên biển

Chúng tôi ghé thăm tổ dân phố Tân Mỹ (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) nơi có nhiều bến tàu nhỏ nằm trải dài dọc bờ sông Gianh và chứng kiến một khung cảnh vắng lặng.

Phần lớn các tàu thuyền đã giăng neo buộc chặt để nghỉ ngơi đón Tết nhưng tại một số bến thuyền, nhiều ngư dân lại tất tưởi chuẩn bị ngư cụ cho những chuyến ra khơi ngày Xuân.

Cùng một nhóm bạn thuyền chuẩn bị nguyên liệu để lên tàu, anh Trần Văn Thành (37 tuổi, tổ dân phố Tân Mỹ) cho biết có thâm niên gần 20 năm đi biển. Đây là cái Tết thứ hai anh xa nhà để chuẩn bị cho một chuyến đi biển dài ngày.

Ngu dan don Tet tren bien anh 1
Một gia đình ngư dân chuẩn bị ngư cụ ra khơi đánh cá .

Theo anh Thành, những chuyến biển của ngư dân xuyên Tết kéo dài khoảng 10 ngày đến nửa tháng. Nếu thời tiết đẹp thì bắt đầu từ ngày 25 âm lịch, các tàu đã dong thuyền ra khơi và trở về vào khoảng mùng 5-10 tháng Giêng.

Chị Hoàng Thị Oanh (32 tuổi, vợ anh Thành) vừa đi chợ về đã vội tới bến để mang đồ Tết lên tàu sửa soạn cho chồng. Chị không quên nhắn nhủ, dặn dò với chồng vài điều trước khi ra khơi.

"Năm ni cũng đơn giản lắm, tui mua ít bánh, hạt dưa, nhang và ít giấy vàng mã để cho chồng cúng giao thừa trên biển. Còn đồ ăn Tết như thịt, bánh chưng, trái cây, bia… thì đã chuẩn bị đầy đủ cả rồi", chị Oanh nói.

Ngoài những nguyên liệu cần thiết như đá lạnh, dầu, lương thực thì lần này, các chủ tàu còn chuẩn bị thêm các loại mứt, bánh kẹo, bánh nếp, đầu heo, thực phẩm… để anh em đón Tết trên biển được đầy đủ.

Em Nguyễn Thanh Tịnh (23 tuổi, ở thôn Mỹ Hòa, phường Quảng Phúc) đã có 3 năm đón Tết trên biển. Học hết lớp 10, Tịnh nghỉ học ở nhà đi biển đánh cá cùng ngư dân địa phương, đi biển 3 năm thì cũng là 3 năm em không đón Tết ở nhà.

"Cách đây 4 năm là năm đầu tiên em đi biển xuyên Tết, lúc đầu cũng rất chần chừ vì ngày thường ở biển còn buồn huống chi là Tết. May là có các bác và anh em bạn thuyền "chén chú chén anh" nên cũng vui phần nào", Tịnh nhớ lại.

Còn ông Nguyễn Thanh Hải (55 tuổi, ở thôn Mỹ Hòa) cho hay ông đã gắn với biển gần 40 năm và bản thân ông cũng đã nhiều lần đi biển xuyên Tết. Năm nay, tàu của ông lại chuẩn bị mọi thứ cần thiết, sẵn sàng ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

"Nếu trời yên biển lặng thì mấy ngày Tết cũng kiếm khá lắm, hơn ngày thường như là cái lộc đối với những người làm nghề biển như tụi tui. Không chỉ đánh bắt cá, được làm cột mốc sống giữa biển đảo quê hương lúc trời đất chuyển giao là điều tự hào của tất cả ngư dân chúng tôi", ông Hải tâm sự.

Theo ông Hải, vì đi biển những ngày cận Tết nên các chủ tàu thường cho bạn thuyền ứng tiền trước để gia đình các ngư dân có tiền mua sắm Tết. Mỗi chuyến đi biển Tết như thế, thu nhập của một ngư dân dao động từ 10-15 triệu đồng. Nếu gặp được luồng cá, mực có thể thu về 20 triệu đồng.

"Đã mấy năm nay mẹ con tôi đón Tết mà không có chồng ở nhà, nhìn gia đình người ta trong ngày Tết cổ truyền cả nhà về đoàn tụ cũng tủi thân lắm. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì biển đảo quê hương nên tôi cũng chấp nhận để chồng đi biển", chị Trần Thị Bình (ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) nói.

Đêm giao thừa trên biển

Đêm giao thừa trên biển mọi người nghỉ làm sớm để chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên. Thời khắc bước sang năm mới, họ cũng gọi điện chúc tụng, hát hò cho nhau nghe qua bộ đàm để quên đi mệt mỏi.

Anh Nguyễn Thanh Bình (45 tuổi) chủ tàu QB - 98164. TS ở phường Quảng Phúc, cho biết chuyến đi Tết lần này có 6 bạn thuyền. Năm trước, ông cùng bạn thuyền đón Tết ở ngư trường Hoàng Sa.

Ngu dan don Tet tren bien anh 2
Đối với nhiều ngư dân Quảng Bình, ra khơi trong ngày Tết không còn gì xa lạ .

Vào đêm 30, các ngư dân làm đến khoảng 10h rồi nghỉ để làm mâm cơm cúng tất niên. Giờ phút giao thừa, nếu có sóng điện thoại thì gọi về nhà chúc Tết gia đình và vợ con, còn không sẽ gọi các tàu bạn khác qua bộ đàm hát hò và chúc nhau năm mới làm ăn phát đạt, cầu mong mưa thuận, gió hòa.

"Những năm trước, bữa cơm tất niên có cá, mực mới đánh bắt được từ biển và đầu heo, gà, bia, kẹo bánh mang từ nhà đi… Thời khắc giao thừa không ai gọi được về nhà vì điện thoại mất sóng nên anh em ai cũng động viên nhau vì tình cảnh và cùng chung chia những miếng mồi thơm, những chén rượu nồng, hát cho nhau nghe trong đêm ấy", anh Bình kể lại.

Theo nhiều ngư dân, những người đi biển luôn tin rằng, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cá mực sẽ nhiều hơn thường ngày và cũng ít tàu thuyền đánh bắt hơn nên việc khai thác sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cá đánh về tươi là có thể bán ngay với giá cao.

Mỗi chuyến đi biển là một hành trình nhọc nhằn, những hiểm nguy ngoài khơi luôn rình rập nhưng ngư dân miền Trung vẫn quyết tâm ngày đêm bám biển vừa sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Thành Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc, cho biết hiện nay toàn phường có gần 400 tàu cá lớn, nhỏ. Trong đó có 215 tàu trên 90 CV đánh bắt ở các ngư trường xa.

"Phong trào đi biển xuyên Tết bắt đầu khoảng chục năm trở lại đây, theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, đây là thời điểm dễ trúng luồng cá mực nhất. Năm 2017 toàn phường có khoảng 25% tàu thuyền ăn Tết trên biển. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục động viên, khuyến khích để bà con vươn khơi bám biển", ông Đôn nói.

Chuyện Tết của những người lính bám biển bảo vệ Tổ quốc

Tết là sum vầy đoàn viên của các gia đình, thế nhưng, có những người lính phải xa nhà trong những ngày ấy.



https://nld.com.vn/thoi-su/ngu-dan-don-tet-giua-trung-khoi-2018021509511078.htm

Theo Minh Tuấn/Người lao động

Bạn có thể quan tâm