Từ đầu tháng 7/2015, nhiều chủ thẻ của một ngân hàng (NH) cổ phần (có hội sở tại quận 1, TP HCM) nhận được thông báo “Thu phí từ giao dịch đầu tiên tại máy ATM” với mức phí rút tiền mặt cùng hệ thống 1.100 đồng/giao dịch, chuyển khoản cùng hệ thống 2.200 đồng/giao dịch.
Phải nói thêm: NH cổ phần này liên tục điều chỉnh mức phí giao dịch tại máy ATM thời gian qua: Từ miễn phí 3 lần giao dịch đầu tiên, sau đó thu phí khác hệ thống, giờ là thu phí rút tiền trong cùng hệ thống, áp thêm phí duy trì tài khoản, phí chuyển khoản trên NH điện tử (Internet banking), phí đăng ký dịch vụ Internet banking…
Một kiểu tận thu
Chị Nguyễn Thị Vân (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết từ ngày 1/7, NH TMCP Đông Á (DongA Bank), nơi chị mở thẻ, đã áp dụng phí chuyển khoản trên máy ATM cùng hệ thống với mức 5.500 đồng một lần hoặc 0,055% trên tổng số tiền chuyển khoản, trong khi trước đây miễn phí.
“Ở các NH khác, mức phí này trung bình khoảng 3.300 đồng một lần. Người nghèo chuyển khoản chỉ 300.000 đồng mà tốn phí 5.500 đồng một lần thì xót lắm”, chị Vân than phiền.
Đây cũng là NH đang áp dụng phí nộp tiền mặt tại quầy 5.000-20.000 đồng tùy số tiền nộp. Phía DongA Bank giải thích: Do đã phát triển hệ thống Auto Banking (NH tự động) nên khuyến khích khách hàng giao dịch, nộp tiền mặt trực tiếp trên máy ATM.
Với các khoản phí như mở thẻ mới, thường niên năm đầu tiên, đa phần NH miễn cho khách hàng nhưng nay, một số NH lại “tận thu” khoản này. Nhiều chủ thẻ còn than phiền về khoản “phí khác” mà họ chỉ biết khi thấy tiền trong tài khoản bị trừ.
Chị Nguyễn Hạnh (nhân viên văn phòng tại quận 11, TP HCM), chủ thẻ một NH cổ phần có hội sở tại Hà Nội, bức xúc: “Đây là NH đầu tiên thu phí chuyển khoản nội mạng 3.000 đồng một lượt (khi các NH khác chưa áp dụng - PV), nay tăng lên 5.500 đồng một lượt nhưng máy ATM của NH này lại thường xuyên hết tiền”.
Một lần, chị Hạnh thấy tin nhắn đến báo tài khoản bị trừ 20.000 đồng với chú thích thu “phí khác” khiến chị vô cùng ngạc nhiên. Chưa hết, nếu chuyển tiền khác hệ thống, chị Hạnh còn mất 25.000 đồng một lượt, trong khi một số NH khác chỉ thu 11.000 đồng một lượt.
“Tuy các khoản phí này NH Nhà nước không quy định nhưng cũng không có nghĩa các NH được tự đặt ra mức thu quá cao và chênh lệch quá nhiều. Phí tăng đều đều mà chất lượng dịch vụ lại giậm chân tại chỗ", chị Hạnh lập luận.
Trưởng phòng dịch vụ thẻ một NH quốc doanh, chi nhánh tại TP HCM cho biết NH của ông không thu nhiều loại phí liên quan đến thẻ ATM dù đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ông thừa nhận có một số NH thương mại “sinh sau đẻ muộn” lại nóng vội trong việc thu phí, “đẻ” ra nhiều loại phí.
“Không phải dịch vụ nào NH cũng thu phí, nên miễn phí để khuyến khích khách hàng làm quen, sử dụng các tiện ích như internet banking, mobile banking. Tôi cũng có cảm giác một số NH đang tận thu”, vị trưởng phòng này nhìn nhận.
Khách hàng đang phải gánh quá nhiều phí ATM. |
Ngân hàng “bán lúa non”?
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, chỉ tính riêng thẻ ATM đã có khoảng 20 loại phí “đè” lên chủ thẻ. Chẳng hạn, NH TMCP Á Châu (ACB) đang có các loại phí dành cho ATM như thường niên, gia nhập, rút tiền mặt, vấn tin số dư tại máy ATM khác hệ thống, chuyển khoản trong hệ thống, thay thế thẻ, in sao kê.
Một số NH khác còn phân loại các nhóm phí, mà nếu tính tổng cộng có khi lên trên 30 khoản mà chủ thẻ có thể phải trả khi giao dịch. Trong đó, nhiều khoản phí khách hàng chỉ có thể “tốn nhiều hoặc tốn ít”, như phí phát hành lại thẻ do thất lạc/hư hại (của một NH cổ phần quy mô nhỏ, hội sở tại quận 1) là 55.000 đồng một thẻ và phí phát hành lại thẻ nhanh do thất lạc/hư hại 99.000 đồng một lần…
Theo nhiều NH, việc thu phí dịch vụ là tất yếu bởi NH cũng là một doanh nghiệp, hoạt động phải có lợi nhuận và nhiều năm qua, ngành NH đã đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ nay cần thu hồi vốn.
Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia NH, cho rằng mỗi NH đều có lý do để thu phí nhưng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ NH còn thấp mà đã gấp gáp thu phí giống như “bán lúa non” vậy.
“NH Nhà nước đang khuyến khích người dân bỏ thói quen dùng tiền mặt để chuyển qua các dịch vụ NH, được cả lợi ích về vĩ mô và vi mô. Việc các NH vội vàng thu hồi vốn, gia tăng lợi nhuận qua hàng loạt loại phí như hiện nay có thể tác động đến thói quen của người tiêu dùng. Khi người dân có xu hướng quay lại dùng tiền mặt để tiết kiệm phí sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và cả chính sách quản lý của nhà nước”, ông Huỳnh Trung Minh phân tích.
Phải minh bạch các khoản phí
Hiện nay, rất nhiều khách hàng phản ánh chỉ biết NH thu phí khi thấy tài khoản bị trừ tiền. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đang rà soát, xem xét cơ sở pháp lý của những loại phí mà NH thương mại áp dụng. Thực tế, một số NH đang áp dụng nhiều loại phí dịch vụ nhưng mức thu rất cạnh tranh giữa các NH nên khách hàng có thể lựa chọn.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị NH Nhà nước chỉ đạo các NH thống nhất quản lý việc thu phí đối với người sử dụng các loại thẻ ATM, Master, Visa; hạn chế thu quá nhiều loại phí như hiện nay.
Văn bản trên được đưa ra sau khi NH Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng thống kê các loại phí mà chủ thẻ phải trả, mức thu rất cao khiến người dân ngại dùng thẻ.
Ngày 17/7, NH Nhà nước cho biết vừa yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ rà soát lại các loại phí, mức phí đang áp dụng đối với thẻ ATM. Các NH thương mại chỉ được thu các loại phí, mức phí theo quy định và phải niêm yết công khai, cập nhật thường xuyên cho khách hàng mỗi khi có thay đổi.
Mất phí cao hơn vì... thay đổi chỗ ở
Chị Võ Thị Ngọc Ánh (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) cho biết trước khi chuyển vào làm việc ở TP HCM, đa phần thẻ ATM của chị mở ở Bình Định hoặc Hà Nội. Hiện phần lớn giao dịch bằng thẻ ATM của chị đều ở TP HCM nhưng phía NH chỉ căn cứ vào địa chỉ mở thẻ nên lần nào cũng phải mất phí cao hơn.
“Rất nhiều lần, tôi đề nghị xin thay đổi địa chỉ đăng ký để đỡ tốn khoản phí giao dịch khác địa phương nhưng NH yêu cầu phải có hộ khẩu và không chấp nhận”, chị Ánh bức xúc.