Sáng 28/9, Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2016.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong 11 công trình trọng điểm, từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành 5 dự án. 6 dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Theo ông Chung, UBND TP Hà Nội cùng các sở, ban, ngành đã sắp xếp, thu gọn lại các thủ tục, có những trường hợp từ thủ tục, hồ sơ 5 dự án gom lại thành 1 dự án; tập trung rà soát các dự án trọng điểm sử dụng đầu tư vốn của nhà nước.
Ban đầu, các dự án dự kiến số vốn đầu tư là trên 362.000 tỷ đồng, sau đó đã thu gọn xuống còn hơn 267.000 tỷ đồng. Số còn lại đã được chuyển từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước sang xã hội hoá.
TP Hà Nội cũng đang rà soát để xin cơ chế đặc thù trên tinh thần Hà Nội được giao tiến hành hoàn toàn các trình tự thủ tục, đặc biệt đối với các dự án xử lý nước thải, rác thải, cung cấp nước...Hiện, Hà Nội đã nhận được sự đồng tình của các bộ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Lâm |
Ông Nguyễn Đức Chung cũng nêu thêm một số việc TP sẽ tập trung triển khai từ nay đến cuối năm như xử lý nước ao, hồ. Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có gần 1.800 hồ ô nhiễm nặng. Trong quý IV/2016, TP Hà Nội sẽ xử lý quyết liệt với các hồ đã quá ô nhiễm.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng các dự án phải nghiên cứu kỹ càng hơn, làm thế nào để hạn chế giải phóng mặt bằng.
“Có những nhà thiết kế, tư vấn ngồi trong phòng vẽ ra một tuyến đường toàn lao qua khu dân cư, nhà người ta. Những chỗ đường quang không đi, toàn đâm vào bụi rậm thì làm gì không chết", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
"Như vậy thì làm sao giải phóng mặt bằng được. Giải phóng mặt bằng giai đoạn này gấp đôi giai đoạn trước. Do vậy, chúng ta không có phương pháp mới, cách tiếp cận mới là chúng ta thất bại”, ông Hải yêu cầu.
Cũng theo Bí thư Hà Nội, TP đang chịu sức ép rất lớn về hạ tầng, xử lý nước thải, rác thải đều có vấn đề. Hà Nội không quyết liệt, sẽ bị bất cập đô thị tác động đến ổn định kinh tế, đô thị.
“2 giờ đồng hồ tắc đường ở cầu Tó, nếu không quyết liệt thì còn tắc 3 tiếng. 8 tuyến đường sắt đô thị, chúng ta giờ mới triển khai 2 nhưng phải đến năm 2017 mới xong. Tháo gỡ chính cho giao thông Hà Nội là đường sắt đô thị và tàu điện ngầm nhưng những tuyến này với 20 tỷ USD cũng chưa đủ với 10 triệu dân”, Bí thư Hải nói.
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị liên quan, giải quyết các việc cấp bách của Hà Nội, đúng tiến độ đến cuối năm.