Phim truyền hình ngày càng "lên ngôi", kéo theo cơ hội được nổi tiếng, được khẳng định bản thân của nhiều nghệ sĩ sân khấu, nhất là nghệ sĩ trẻ. Theo NSƯT Chí Trung, giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, việc diễn viên kịch tham gia lĩnh vực truyền hình là điều cần thiết để xây dựng "thương hiệu".
Nhưng với anh, sân khấu vẫn là thánh đường. Một khi đã bước qua cửa nhà hát, không ai được phép coi mình là ngôi sao...
Nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ anh không cấm các diễn viên của nhà hát tham gia phim truyền hình dài tập. |
'Tôi không cần những người nghênh ngang, ngạo mạn'
- Phim truyền hình đang trở thành miền đất hứa với nghệ sĩ sân khấu, ở đó họ vừa được sống với đam mê diễn, vừa có cơ hội tỏa sáng. Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã có những cá nhân vụt sáng thành sao như Bảo Thanh, Thu Quỳnh... Với tư cách là một giám đốc nhà hát, anh tạo điều kiện ra sao để nghệ sĩ trẻ đi đóng phim dài tập?
- Không chỉ riêng các nghệ sĩ trẻ, bản thân tôi hay Vân Dung cũng tham gia phim truyền hình. Từ khi còn làm trưởng đoàn của Đoàn kịch 2, tôi luôn có câu nói động viên các bạn rằng "anh xuất khẩu diễn viên và nhận về ngôi sao”. Tôi khác với các lãnh đạo nhà hát khác. Tôi không cấm cản, không sợ mất quân.
Quan điểm của tôi sân khấu là thánh đường, các bạn có thể đi diễn thoải mái, miễn sao cân đối được lịch làm việc ở nhà hát. Tôi thường lên lịch làm việc trước 3 tháng để mọi người sắp xếp thời gian. Tôi rèn cho các bạn một nguyên tắc là phải đúng giờ, không có chuyện “chạy sô” rồi đến tập muộn, khiến cả đoàn phải chờ đợi.
Ngay cả khi đi làm bên ngoài, các diễn viên nhà hát cũng được tiếng là rất chuẩn giờ, không cao su. Đó là điều khiến tôi tự hào.
- Anh nói không sợ mất quân, nhưng các nghệ sĩ một khi đã gặt hái thành công nhất định có thể không còn mặn mà với sân khấu nữa. Đơn cử như Bảo Thanh đã rời nhà hát sau khi nổi tiếng với phim “Sống chung với mẹ chồng”?
- Bảo Thanh hiện nay làm part-time tại nhà hát. Tôi không ký hợp đồng biên chế ràng buộc với bạn ấy. Rõ ràng tôi không mất nhiều công sức mà vẫn có thể PR tốt từ việc các bạn tham gia phim truyền hình.
- Có hay không tình trạng nghệ sĩ mắc“bệnh ngôi sao” khi trở về nhà hát ?
- Tôi tôn trọng ngôi sao và tạo điều kiện cho các bạn phát triển nhưng không có nghĩa bạn được phép nghênh ngang đi vào nhà hát mà không coi ai ra gì. Những người ngạo mạn, tôi không cần.
Chí Trung: "Tôi, chị Lê Khanh, Vân Dung mới là ngôi sao của nhà hát". |
- Vậy những diễn viên đang nổi tiếng nhờ phim truyền hình, về nhà hát có được hưởng một mức cát-xê khác?
- Khi bước qua cửa nhà hát, họ không còn là ngôi sao, mà là một thành viên. Ngôi sao của nhà hát là tôi, chị Lê Khanh, Vân Dung còn chẳng có đặc ân gì hơn. Cát-xê cao nhất cho một đêm diễn sân khấu là 200.000 đồng, thấp hơn có thể là 180.000 hoặc 120.000 đồng. Ở thị trường Hà Nội, rất ít người bỏ tiền mua vé đi xem kịch dù giá vé chỉ 150-200.000 đồng. Đa số gọi điện đến để xin giấy mời.
Sắp tới đây, để tưởng nhớ anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh, nhà hát sẽ dựng vở Hoa cúc xanh nhưng dự định không bán vé. Tôi cố gắng tìm nhà tài trợ để mời những người cần mời. Trong thời điểm này, tôi không dám trông chờ vào chuyện bán vé. Bản thân tôi vừa là nhà sản xuất vừa là người bán hàng, tôi hiểu khách của mình lắm.
Bi kịch nghệ sĩ sân khấu đi diễn tỉnh miễn phí
- Anh nói không mơ mộng chuyện bán vé, vậy với những chuyến lưu diễn tỉnh dài ngày, anh xoay xở bài toán chi phí ra sao để đảm bảo cho cả đoàn. Hẳn anh phải rất giỏi “chạy” tài trợ?
- Tôi chẳng chạy huỳnh huỵch bao giờ đâu. Tôi có tài trợ bởi thương hiệu nhà hát là có thật và uy tín của tôi là có thật. Đổi lại, mình gắn thương hiệu của họ vào thương hiệu của mình. Những đơn vị nghệ thuật không có thương hiệu khó xin tài trợ vì có khi mời cũng chẳng có người đến xem.
Hình thức đi diễn tỉnh bây giờ cũng khác ngày xưa, chúng tôi không đến các cơ quan bán vé, hay trông chờ vào khách vãng lai nữa. Khán giả bây giờ xem game show, hài kịch, ca nhạc miễn phí quá nhiều trên truyền hình, trên YouTube. Vậy họ bỏ tiền mua vé làm gì?
Nói chính xác, các đoàn đi tỉnh, diễn miễn phí còn khó, vậy chúng tôi tồn tại bằng cách nào? Như đợt lưu diễn 6 tỉnh miền Trung vừa rồi, tôi phải liên hệ với lãnh đạo các tập đoàn lớn, doanh nghiệp ở đó để xin tài trợ và ra thẳng quảng trường diễn miễn phí cho bà con xem.
Chúng tôi không dùng tiền doanh nghiệp để chia nhau, để mưu lợi cá nhân, mà đó chính là xã hội hóa nghệ thuật. Tôi chỉ xin một khoản khiêm tốn, vài chục triệu đồng, đủ để trang trải tiền đi lại, ăn ở và để các diễn viên có chút cát-xê nhỏ đủ mua quà về nhà.
- Diễn miễn phí ở quảng trường, thù lao chỉ đủ mua chút quà đặc sản, đó đã phải thực tế phũ phàng, chua chát nhất đối với nghệ sĩ sân khấu, thưa anh?
- Giữa trưa nắng chang chang, bộ phận hậu kỳ tất bật lo dựng sân khấu. Diễn viên phải chạy đi rất xa vào nhà dân để hóa trang hoặc núp vào những mái lều dựng phía sau sân khấu. Bởi vì diễn ở quảng trường, chứ không phải ở rạp.
Kịch bây giờ cũng không dài như ngày xưa, mà chỉ là những vở ngắn, diễn ca nhạc hài kịch tổng hợp, tiểu phẩm 15-20 phút. Khán giả đi qua đi lại, họ dừng xe máy ngó nghiêng một chút rồi đi. Nếu dựng một vở kịch dài, tôi nói thật sẽ chẳng kịp để kể đến cảnh thứ hai, mọi người đã bỏ đi hết. Khi đó đúng là bi kịch.
Chí Trung trăn trở sân khấu bây giờ diễn miễn phí còn khó. Anh không trông chờ vào việc bán vé. |
- Với sự lên ngôi của phim truyền hình như hiện nay, người ta nói nghệ sĩ sân khấu được đổi đời nhờ phim truyền hình, vì cát-xê cao hơn nhiều so với trước đây. Bản thân anh cũng tham gia lĩnh vực này, anh có đồng tình?
- Cát-xê phim truyền hình đúng là tốt hơn sân khấu vì sân khấu hoạt động không đều, khán giả ít. Nhưng có đổi đời hay không, tôi không thể trả lời thay các bạn.
Tôi tin sân khấu vẫn có một "dòng điện" khác khiến người ta thích thú. Diễn viên miền Bắc vẫn lấy sân khấu làm gốc vì nó mang đến cho họ niềm tự hào, một nguồn nhựa sống, khát vọng khác.
- Anh từng nói không xem phim truyền hình, những vai của anh đều là vai vớ vẩn. Vậy lý do gì anh gắn bó với truyền hình?
- Nghệ sĩ cũng phải đóng đinh gương mặt lên tường, dù thích hay không thích. Giống như một bức tranh đẹp, nếu bạn không treo lên thì ai biết. Đó là xây dựng thương hiệu, thương hiệu mới ra lợi nhuận.
Đến bây giờ, điều tôi đau đáu nhất là làm sao để sân khấu đông đúc hàng đêm và phát triển được. Làm sao có nguồn thu tốt để nghệ sĩ bỏ hết truyền hình, phim ảnh trở về với sân khấu.
Nhưng tôi biết đây là điều huyễn hoặc, bi kịch sân khấu là quy luật tất yếu với cả thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam. Chúng ta phải biết nương theo sóng để có những "ngôi sao", phát huy ngôi sao nhưng vẫn giữ được tình yêu của họ với sân khấu.